Nguy cơ thiếu nước tưới vụ Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời tiết diễn biến phức tạp, lượng mưa năm nay đạt thấp dẫn đến một số hồ chứa lớn và công trình thủy lợi ở các địa phương vẫn chưa tích đủ nguồn nước đúng theo thiết kế. Hệ thống các đập dâng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do lượng nước giảm 15-30%... Có thể nói, đến thời điểm này việc chuẩn bị nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 đang gặp nhiều khó khăn, bất lợi. Nguy cơ hạn trên diện rộng đang trở thành áp lực không nhỏ trong sản xuất vụ Đông Xuân năm nay trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai đang quản lý và khai thác 32 công trình thủy lợi trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Trong số này có 12 hồ chứa lớn và 20 đập dâng, tổng năng lực thiết kế tưới 31.478,2 ha cây trồng các loại. Đến nay mới có 8 hồ chứa cơ bản tích được 100% lượng nước theo thiết kế; 4 hồ chưa tích đủ nước theo cao trình thiết kế là hồ Hà Ra Nam (huyện Mang Yang) thiếu 3,4 mét; Ia Ring (huyện Chư Sê) thiếu 0,98 mét, Ia Mláh (huyện Krông Pa) thiếu 3,5 mét, đặc biệt là hồ Ayun Hạ thiếu 0,55 mét.

 

Hồ chứa nước Chư Prông.                                                                     Ảnh: N.D
Hồ chứa nước Chư Prông. Ảnh: N.D

Song song với các hồ chứa, hệ thống các đập dâng hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn do lượng mưa năm nay ít hơn so với những năm trước 20-30%. Mưa cũng kết thúc sớm hơn mọi năm nên lưu lượng nước từ dòng chảy đến công trình thời điểm tưới dự kiến cũng sẽ giảm 15-30%. Vì vậy khả năng thiếu nước trong tháng 2 và 3-2016. Một số đập dâng có nguy cơ thiếu nước tưới cao trong vụ Đông Xuân 2015-2016 như: đập dâng Plei Thơ Ga, Ia Hlốp (huyện Chư Pưh); hệ thống công trình thủy lợi An Phú, Chư Á (TP. Pleiku); đập dâng Ia Lâu, Ia Lốp (huyện Chư Prông)…
 

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, tính đến hết tháng 10 năm nay, tổng lượng mưa năm 2015 trên địa bàn tỉnh ta ở mức xấp xỉ và thấp hơn năm 1997 và 2004. Với hoạt động mạnh của El Nino, đến giữa năm 2016 với tình hình mưa của năm 2015 có thể nhận định khả năng khô hạn của mùa khô 2015-2016 trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ cực kỳ gay gắt, mức độ khốc liệt tương tự như mùa khô 1997-1998 và 2004-2005.

Do đó, vụ Đông Xuân năm nay, Công ty dự kiến diện tích tưới khoảng 16.093 ha, trong đó lúa nước khoảng 9.350 ha, hoa màu 2.155,93 ha, cây công nghiệp 4.613,37 ha… Nguyên nhân dẫn đến các đập dâng có nguy cơ thiếu nước tưới là do phần lớn phụ thuộc vào dòng chảy và chưa có biện pháp giữ nước như các hồ chứa. Người dân mở rộng diện tích tưới trên vùng đầu nguồn không theo quy hoạch gây ra tình trạng thiếu nước vùng cuối nguồn. Đặc biệt, rừng đầu nguồn bị suy giảm, trong khi hệ thống kênh cấp 1 và nội đồng chưa được đầu tư xây dựng và kiên cố hóa làm thất thoát nước…

Ông Lê Viết Đại-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn đến lưu lượng nước tích trữ trong các hồ chứa và đập dâng thấp hơn những năm trước là do lượng mưa năm nay chỉ đạt 300-800 mm (theo các trạm đo mưa của Công ty). Không những vậy, mưa đứt sớm và thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa khô trong tháng 10 dẫn đến lượng nước tích trữ đạt thấp. Để chủ động công tác điều tiết nước tưới theo chủ trương của UBND tỉnh, Công ty cũng đã làm việc với các địa phương có công trình đứng chân trên địa bàn như: Chư Pưh, Chư Prông, Mang Yang và TP. Pleiku… khoanh vùng những khu vực thường xuyên bị hạn hoặc những vùng đã xảy ra hạn trong năm 2014, từ đó khuyến cáo buộc người dân phải chuyển đổi cây trồng phù hợp…

Không chỉ các hồ chứa lớn và đập dâng của Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới, các công trình thủy lợi nhỏ do các địa phương quản lý và khai thác cũng nằm trong tình trạng báo động về lượng nước tích trữ do lượng mưa đạt thấp, dẫn đến thiếu hụt nước tưới đang trở thành một trong những nỗi lo lớn nhất trong sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù chưa chính thức bước vào sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016, nhưng nước tưới đang trở thành một trong những nỗi lo lớn nhất hiện nay của cơ quan chuyên môn và các địa phương trong tỉnh. Tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng để tránh hạn; đẩy lịch thời vụ gieo trồng sớm hơn mọi năm… là một trong những giải pháp đang được tính tới trong công tác ứng phó với khô hạn, diễn biến khó lường của thời tiết trong vụ Đông Xuân này.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.