Sân chơi sòng phẳng cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lần đầu tiên tỉnh Gia Lai tổ chức thành công phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản với tổng cộng 6 mỏ được trao cho những doanh nghiệp có năng lực. Không chỉ tạo ra một sân chơi sòng phẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư, chính sách này còn góp phần tạo cơ chế quản lý hiệu quả hơn đối với lĩnh vực được xem là “nhạy cảm” này.

Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt I-năm 2015 trên địa bàn tỉnh tổ chức đầu tháng 6 vừa qua tại Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh Gia Lai do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp đơn vị này thực hiện. Mặc dù mới triển khai nhưng hình thức này nhận được những phản hồi tích cực từ cả 2 phía: cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
 

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B

“Qua phiên đấu giá đợt I-2015, giá đấu trúng thấp nhất chiếm 4,72% mức tiền thu cấp quyền khai thác khoáng sản, mức phổ biến là 5,20% và cao nhất là mỏ than bùn xã Ia Tiêm và Bar Maih (huyện Chư Sê) với mức giá lên đến 54,8%. Đây là số tiền không nhỏ đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà đơn vị, doanh nghiệp thấy phù hợp”-ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai cho biết. Thông qua hình thức đấu giá, số tiền doanh nghiệp bỏ ra để được quyền khai thác sẽ cao hơn nhiều so với cơ chế cấp phép trước đây, trong khi doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định, đồng thời vẫn trên cơ sở đảm bảo lợi ích doanh nghiệp. Nguồn tăng thu này sẽ giúp cho địa phương có thêm ngân sách đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng.

Với việc đấu giá công khai, quyền khai thác khoáng sản sẽ như các loại hàng hóa thông thường khác. Tuy nhiên, lĩnh vực khai thác khoáng sản vốn chứa nhiều rủi ro, công tác thăm dò đánh giá trữ lượng không phải lúc nào cũng chính xác. Trong khi đó, khi đem đấu giá, yếu tố thăm dò, đánh giá trữ lượng lại chưa được thực hiện mà công đoạn này sẽ thực hiện sau khi doanh nghiệp đấu giá trúng với sự hỗ trợ từ phía ngành chức năng địa phương. Việc “đấu giá không trữ lượng” này khiến không ít doanh nghiệp e dè, đắn đo vì sợ mạo hiểm.
 

6 mỏ với các tổ chức trúng đấu giá phiên đấu giá đợt I-2015 bao gồm:

-Mỏ đá bazan xây dựng xã Ia Krái (huyện Ia Grai): DNTN Phước Tiến.

- Mỏ đá bazan xây dựng xã Yang Trung (huyện Kông Chro): Công ty TNHH Trung Kiên.

-Mỏ than bùn xã Ia Tiêm và Bar Maih (huyện Chư Sê): DNTN Nghĩa Chín.

-Mỏ cát xây dựng xã Ia Piar và Ia Yeng (huyện Phú Thiện): Công ty TNHH một thành viên Hoàng Chỉ.

-Mỏ đất san lấp xã Ia Sol (huyện Phú Thiện): DNTN Phương Đông Gia Lai.

-Mỏ đất sét xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện): Công ty TNHH một thành viên Thái Hoàng.

Ngoài ra, cái khó nhất hiện nay chính là áp lực về quy định số tiền đặt trước (bằng 10% giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định theo mức thu bằng giá khởi điểm và tài nguyên dự báo) nên số tiền mà doanh nghiệp phải nộp một lần là quá lớn. “Có những dự án số tiền này lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí cao hơn khiến doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Điều này có thể sẽ khiến doanh nghiệp “lách luật” bằng cách xé lẻ dự án để giảm chi phí ban đầu, gây áp lực đến công tác quản lý. Theo tôi, nếu có sự linh động, co giãn linh hoạt cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ này thì hợp lý hơn”-ông Bình đưa ra quan điểm.

Khai thác khoáng sản vốn là lĩnh vực “nhạy cảm”, việc đấu giá công khai sẽ tạo nên một sân chơi sòng phẳng bởi tất cả mọi thông tin về người bán và cả người mua, hạn chế được cơ chế xin-cho vốn là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi lẫn bức xúc trước đây. Đấu giá công khai quyền khai thác khoáng sản nhận được sự đồng thuận từ doanh nghiệp. “Việc lựa chọn đơn vị, doanh nghiệp trúng đấu giá có chất lượng nhờ vào sự công khai, minh bạch mọi thông tin về cả người bán và người mua. Để có được quyền khai thác, ngoài nghĩa vụ tài chính thông thường, doanh nghiệp còn phải đầu tư giành được quyền khai thác mỏ. Điều này sẽ tránh các nhà đầu tư bong bóng, đầu tư ảo, xin dự án rồi bỏ đó và cũng sẽ loại được những nhà đầu tư không đủ năng lực để chọn được nhà đầu tư xứng đáng. Theo ông Bình, trước đây với cơ chế xin-cho, không thiếu đơn vị trúng thầu vì nhiều lý do khác nhau đã bỏ dự án hay không triển khai gây nhiều phức tạp, lãng phí và bức xúc trong dư luận.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 60 mỏ thuộc diện không đấu giá được cấp phép trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, 10 mỏ thuộc diện không đấu giá cấp sau khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực. Theo kế hoạch trong năm 2015, tỉnh sẽ tổ chức đấu giá 20 khu vực khoáng sản (đều do kế hoạch 2014 chuyển sang vì chưa thực hiện được). Ngoài 6 mỏ đã đấu giá thành công, thời gian đến, Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở rút kinh nghiệm từ phiên đấu giá đợt I sẽ lên kế hoạch tổ chức các đợt đấu giá tiếp theo.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.