Bài 3: Phận người bên những cánh rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bao đời nay, rừng trọn vẹn chở che, ban tặng cho con người biết bao thứ quý giá để duy trì sự sống: từ lá rau, con thú để ăn, mảnh gỗ để làm nhà, lá cây lợp mái, đến cả những thứ lá thuốc diệu kỳ cứu giúp con người thoát khỏi ốm đau, bệnh tật… Bởi thế, con người coi rừng là chốn linh thiêng, báu vật và là quà tặng tuyệt vời của tạo hóa. Vậy nhưng, đó chỉ là chuyện xưa…

Cuộc sống bên rừng xưa…

Già Kpăh Jao (buôn Chính Đơn 1, xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) dõi nhìn xa xăm, nét đăm chiêu nghĩ ngợi trùm lấy khuôn mặt ông như nhắc đến điều gì làm ông đau lắm: “Rừng bây giờ bị “đuổi” lên trên ấy nhưng chắc cũng chẳng còn sống được bao lâu”.

 

Ảnh: Minh Thi
Ảnh: Minh Thi

“Đấy trước là khu rừng thiêng, dân làng gọi là khu rừng Chư Tló. Cả xứ này, cách đây chừng hơn chục năm thôi, có cho thóc gạo, cho tiền đầy túi cũng không ai dám liều lĩnh đem dao lên đó đốn một cây rừng nếu làng không làm lễ báo Yàng”. Rừng thiêng ấy giờ gần như bị xóa sổ. Thay vào đó là mì, bắp… “Mấy loại cây ấy cho con người ta cơm gạo, nhưng cũng lấy đi đủ thứ của dân làng”- già trầm ngâm.

Sinh ra và lớn lên tại đất này, già Kpăh Jao chứng kiến bao đổi thay, biết bao tàn lụi của những cánh rừng. Già bảo, ngày xưa rừng quây bốn bề. Lọt thỏm giữa thung lũng là mấy mươi nóc nhà, còn lại là rừng. Buôn này khi ấy cũng thế, lơ thơ vài mái nhà. Cuộc sống ngày ấy đơn giản và “giàu” lắm. Thiếu gì, lên rừng có đó. Đói lên rừng có rau, có thú. Rét lên rừng có cái củi. Làm nhà mới, lên rừng có cái cây… Người ta lấy của rừng thứ gì cũng nghĩ, không tham lam theo kiểu làm kinh tế bây giờ. Vậy nên, rừng đâu có bị tàn phá và con người sống với rừng một cách thuận hòa, một kiểu nương tựa vào nhau rất tự nhiên, hợp quy luật.

Còn già làng Ksor Blâm (làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) vẫn không giấu được nỗi xót xa khi nói về chuyện thiếu đất sản xuất của bà con dù làng nằm lọt thỏm giữa mênh mông núi đồi. “Làng mình có 62 hộ thôi. Từ ngày di dân để xây dựng công trình thủy nông Ia Mơr lên làng tái định cư sinh sống, làng mới đẹp hơn, cơ sở hạ tầng hoành tráng hơn nhưng dân vẫn nghèo đói. Đất sản xuất còn lại phần nhiều đã rơi vào vùng chuyển đổi qua trồng cao su, phá rừng lấy đất thì bị bắt, bị phạt… Có nhà đẹp, có đường đẹp nhưng không có đất để sản xuất thì người làm nông không thể kiếm được cái ăn. Bà con vẫn nghèo!”.

 

Ảnh: Minh Thi
Ảnh: Minh Thi

Sẽ là không công bằng nếu đem so sánh giữa cuộc sống của con người bên những cánh rừng xưa với hôm nay. Nhưng, không thể phủ nhận, rừng bị tàn phá-ngoài hệ lụy về mất cân bằng môi trường sinh thái, con người cũng đã mất dần đi quyền được hưởng những quyền lợi tự nhiên từ rừng. Già Kpăh Jao khoe rằng, nhờ có công trình thủy lợi Ia Mlah, bây giờ mỗi năm nhà già thu hàng trăm triệu đồng từ trồng mía, lúa nước… No ấm đấy nhưng già vẫn đau đáu nỗi niềm sống với rừng mà ngàn đời nay, người Jrai nơi đây đã sống. “Con cháu mình e chẳng mấy chốc không biết thế nào là rừng nữa”.

Và dù rằng, cái chết của người bố vợ ông năm xưa bởi cọp vồ vẫn ám ảnh và đeo đẳng một nỗi sợ hãi day dứt trong tâm trí ông. Sống bên rừng là thế, vẫn có những ngọt bùi, đắng cay và những nỗi ám ảnh hoang vu, ghê rợn của đại ngàn gặm nhấm nhưng cũng không thể nào khiếp đảm bằng khi rừng mất, cuộc sống mọi người cùng lúc trở nên phải đối mặt với biết bao khó khăn, biến đổi kinh hoàng từ thiên nhiên-như một sự trừng phạt không chỉ nhằm vào những người gây tội.

Nghèo bên rừng giàu

Huyện Kbang được biết đến là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Gia Lai với trên 122 ngàn ha (chiếm 92% diện tích đất lâm nghiệp của địa phương) cùng với hệ động-thực vật phong phú và đa dạng… Giàu có về tài nguyên nhưng cuộc sống của nhiều hộ dân sinh sống gần rừng lại không hề có được nguồn thu nhập ổn định nào từ việc thu, hái những lâm sản phụ dưới tán rừng.

Xã Sơn Lang cách trung tâm huyện Kbang chừng 30 km. Dọc theo con đường Trường Sơn Đông là những thảm thực vật với đủ loại màu sắc, có những cây cao hàng chục mét, thân cây to lớn hai người lớn ôm không hết. Con đường đã mở, cuộc sống của người dân nơi đây có nhiều chuyển biến, tuy nhiên đó là tổng quan, còn đến từng ngôi làng của xã Sơn Lang chúng ta mới thấy rõ người dân sống và hưởng được gì từ nguồn lợi phong phú của các lâm sản phụ mà những cánh rừng Kbang giàu có mang lại?

 

Lấy chồng 10 năm, chị Đinh Thị Giang mới gom góp được ít gỗ để làm nhà
Sau 10 năm lập gia đình chị Giang mới tìm được ít gỗ để dựng nhà mới.

Sau một lúc loay hoay đóng lại tấm gỗ cũ vừa dùng lại để làm ngôi nhà mới, ông Đinh Hnich-nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lang nói: Nhà nào có nhiều lao động thì trồng mì, bắp, lúa rẫy… nhưng số đó không nhiều. Còn lại các hộ gia đình thay nhau xuống suối, vào rừng để hái rau, bắt cá sinh sống qua ngày. Riêng với những thanh niên mới lập gia đình, tách hộ lại càng khó khăn hơn do thiếu đất sản xuất, không có cây để làm nhà mới.
 

Ông Vũ Ngọc An- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai: Hiện nay, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn du canh, phát-đốt rừng làm nương rẫy. Đồng bào sống gần rừng, trong rừng chủ yếu lấy gỗ làm nhà, củi đun, măng tre… để giải quyết nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, người dân sống gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn nhiều khó khăn, còn thiếu đói trong thời kỳ giáp hạt. Việc khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ hàng năm (nếu có) theo kế hoạch Nhà nước giao cho chủ rừng là tổ chức nhà nước thực hiện, sau khi trừ thuế tài nguyên, các khoản phải thu, chi theo quy định, còn lại nộp ngân sách. Người dân sống gần rừng chưa được hưởng lợi trực tiếp từ các nguồn thu này.

Đúng như lời ông Hnich nói, phần lớn những ngôi nhà được dựng lên đã ngót chục năm. Trên đường trở về trung tâm xã, chúng tôi thấy một nhóm thanh niên đang ì ạch xẻ những tấm gỗ để chuẩn bị làm nhà. Tại đây, chị Đinh Thị Giang (32 tuổi), chủ nhân của số cây gỗ đang cưa cho biết: Mình lấy chồng đã 10 năm rồi, mỗi năm xin xã và công ty lâm nghiệp mấy cây gỗ nhỏ, tích góp dần giờ mới đủ để dựng nhà mới.

Để tạo điều kiện cho người dân sinh sống gần rừng có thêm điều kiện cải thiện đời sống cũng như hạn chế thấp nhấp số vụ phá rừng diễn ra trên địa bàn, lãnh đạo các địa phương cũng như cơ quan chuyên môn mong muốn tiếp tục thực hiện cơ chế giao khoán rừng cho dân thay vì kết thúc do thiếu kinh phí. Việc giao khoán không chỉ giúp người dân tham gia bảo vệ rừng mà còn giúp họ khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng.

Ông Nguyễn Thế Hà- Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hà Nừng-Kbang cho rằng: Kbang là địa phương có diện tích rừng lớn, người dân đã sinh sống và gắn bó lâu đời dưới tán rừng, do vậy nên tạo điều kiện để họ thu hái lâm sản phụ cải thiện đời sống hàng ngày.

Nhóm P.V GLO

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.