Săn tìm gỗ hóa thạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở Gia Lai đang rộ lên việc khai thác, mua bán một loại đá có nguồn gốc từ gỗ - những khối gỗ hóa thạch, có khi còn nguyên hình dạng cây, đủ màu sắc: Từ màu đen tuyền của trắc, màu xanh ngọc của ngo, đến màu hổ phách… Theo giới chơi đồ cổ và sinh vật cảnh thì đây là loại đá quý hiếm nằm dưới lòng đất từ nhiều triệu năm…
gỗ hóa thạch trưng bày tại công viên Văn hóa Đồng Xanh. Ảnh Hoàng Hải
Gỗ hóa thạch trưng bày tại công viên Văn hóa Đồng Xanh. Ảnh Hoàng Hải
Đào gỗ hóa thạch trên đèo Tô Na

Đang lom khom đào khoét vào vách một quả đồi (gần đèo Tô Na- quốc lộ 25), anh thanh niên ngừng tay nhảy ra khỏi cái hang hàm ếch, kéo chiếc mũ đầy bụi đất trên đầu lau sơ khuôn mặt nhem nhuốc, cười hỏi xin lửa chúng tôi để mồi thuốc hút… Quan sát cái hang, miệng rộng chừng 2 mét được khoét lồng vào vách núi lổn nhổn đất đá, cả cái công việc mà hai thanh niên này đang làm, tôi lấy làm lạ hỏi: “Các anh đào bới tìm kiếm gì vậy?”. “Mình tìm đá cổ, hay đúng hơn là tìm gỗ hóa thạch!”. Anh thanh niên có tên là Khải trả lời. Tôi tiếp: Nhưng làm sao biết vách núi này có mà đào?. “Gỗ hóa thạch có lẫn trong những tầng đá vôi, mình đào tìm cũng chỉ là theo cảm tính. Chỗ nào nghi ngờ có thì đào, không có lại tìm đào chỗ khác”…
Có lẽ nhờ điếu thuốc mà cuộc hội ngộ bất ngờ giữa chúng tôi cũng trở nên thân tình, cởi mở hơn. Anh Khải cho biết: Các anh cùng ở thị trấn Phú Thiện, vốn là dân đào đãi vàng tự do, nhưng gần đây thị trường tìm “đá cổ” trở nên sôi động và có giá nên đổi nghề đi đào tìm gỗ hóa thạch đã được vài tháng. Cái nghề tìm gỗ hóa thạch này cũng giống như đi đào đãi vàng vậy. Ban ngày đào bới trong lòng đất, đêm kéo nhau về lều ngủ… hên xui thôi. Có khi cả tuần đào tìm không thấy, nhưng nếu gặp may thì mỗi hố cũng kiếm được vài tạ. Còn như tìm được những khối đá còn nguyên dạng cây hoặc gốc rễ… thì kể như trúng mánh. Vào thời điểm này, gỗ hóa thạch được các “đầu nậu” thu mua tại bãi với giá 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg, đá đẹp tới 10.000 đồng/kg. Những khối đá lớn, thì giá trị lại được tính theo hình dạng, màu sắc… có khối đá bán được cả chục triệu đồng, thậm chí cả vài chục triệu đồng…
 Anh Tính nhà ở thị xã Ayun Pa dẫn đầu một nhóm 5 người mà chúng tôi gặp trên đường vào núi Chư A Thai tìm đá cổ kể: Cũng bằng tầm này năm trước, nhóm của anh đang có mặt tại bãi vàng Kông Pla (huyện Kbang) nhưng nghe nói đào “đá cổ” có ăn hơn nên cả bọn quay về làm đá và đây là chuyến thứ hai anh Tính cùng các “cộng sự” vào dãy núi Chư A Thai này. “Chuyến trước các anh tìm được nhiều đá không?”- tôi hỏi. Anh tính vui vẻ: “Cũng kha khá, trừ chi phí cho cả chuyến đi hơn một tháng nằm rừng như gạo, mắm muối, đồ uống… mỗi người cũng lận lưng được trên dưới 5 triệu đồng”.
Những “Cây đá” bạc triệu
Ông Vũ Đình Hường ở thị trấn Phú Thiện- một người chuyên mua bán đá quý và đá cảnh có tiếng ở Gia Lai kể lại rằng: Vào năm 2000, người dân xã Chư A Thai trong khi làm rẫy đã tìm thấy một khối đá có hình dạng một thân cây, cao khoảng 7 mét, đường kính tàn cây hơn 2 mét. Khối đá có màu xanh ngọc… rất đẹp. “Cây đá” được bán với giá 60 triệu đồng cho một nhóm người ở tận Hà Nội và sau này được biết nó là một cây gỗ đã hóa thạch nằm dưới lòng đất hàng chục triệu năm. Đến năm 2005, một vài người dân cũng ở xã Chư A Thai mang những thỏi đá có hình dạng như cành cây bị gãy đến nhà bán cho ông với giá 2,7 triệu đồng. Hỏi ra mới biết họ phát hiện cây hóa thạch này cũng trên núi Chư A Thai do mưa lớn xói mòn đất trồi ra cây đá. Lần theo đó họ đào sâu xuống và lộ rõ một thân cây hóa thạch còn nguyên dạng. Cây quá lớn nên họ chặt gãy ra từng đoạn khiêng về bán cho ông. Vốn có kinh nghiệm, ông liền theo họ vào tận núi Chư A Thai mua nguyên cây. Sau đó, ông thuê người đào xuống độ sâu chừng 7 mét thì cây gỗ hóa thạch lộ nguyên gốc, đường kính của thân gốc đo được là 1,4 mét còn cả những khúc rễ to. Ông tiếp tục cho đào rộng ra rồi dùng xe cẩu bốc lên chở về. Sau đó ông bán cây đá này cho Công ty cổ phần Văn hóa - Du lịch Gia Lai với giá 35 triệu đồng. Nhưng đến thời điểm này thì đã có nhiều người tìm đến hỏi mua cây “đá cổ” với giá gần 2 tỉ đồng, tất nhiên là Công ty  không bán. Hiện cây gỗ hóa thạch này vẫn đang được đặt tại Công viên Văn hóa Đồng Xanh (TP. Pleiku) để phục vụ khách tham quan, du lịch…
Ông Hường nói với tôi rằng: Hiện nay thị trường đá cổ và đá cảnh đang rất chuộng mặt hàng gỗ hóa thạch vì nó có màu sắc đẹp, hình dáng đa dạng, tự nhiên, gia công thêm chút ít là có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và trở nên vô giá. Vì thế, mặt hàng này, giờ chỉ sợ không có mà bán chứ chỉ riêng “ngõ” thành phố Hồ Chí Minh thì bao nhiêu cũng là ít. Tuy nhiên, theo ông Hường muốn bán được giá phải đi “ngõ” Hà Nội vì thị trường “đá cổ” ngoài đó có thâm niên hơn. Có lẽ thế nên phần đông dân đào đãi vàng tự do ở Gia Lai  giờ đã đổi nghề sang đào tìm gỗ hóa thạch. 
Hoàng Hải

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.