Ia Grai-vùng đất của cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nói vậy là bởi Ia Grai (Gia Lai) là địa phương đang dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng cồng chiêng. Hiện có đến 87/92 làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn còn lưu giữ hơn 1.000 bộ cồng chiêng các loại. Nhiều bộ cồng chiêng được bà con gìn giữ cẩn thận, xem như báu vật truyền từ đời này sang đời khác.
Đặc biệt, trong số này có nhiều bộ cồng chiêng hiếm quý, có thể đổi lấy hàng trăm ché túc ché tang, hàng trăm con bò hoặc vài héc ta rẫy, nhưng bà con luôn bền lòng gìn giữ, vững vàng trước mọi cám dỗ.
“Chê” tiền triệu để giữ chiêng
Đặt chân đến xã biên giới Ia O, hỏi thăm những người lưu giữ các bộ chiêng quý thì gần như ai cũng lắc đầu, trả lời “không biết”. Đi sâu vào làng Dăng, chúng tôi nhận thấy nhiều ánh mắt dò xét từ phía người dân. Chỉ khi Trưởng thôn Ksor Phiêu có mặt thì bầu không khí mới giãn ra. Trước thắc mắc của chúng tôi, Trưởng thôn Ksor Phiêu giải thích: “Lâu nay, có nhiều người tìm về làng dòm ngó, hỏi đổi hoặc mua chiêng nên giờ hễ thấy người lạ là họ đề phòng”.
Theo Trưởng thôn Ksor Phiêu, nhiều tay buôn đồ cổ trả giá rất cao nhưng chưa thấy ai ở đây bán bộ chiêng nào. Chẳng những vậy, chính người dân còn lùng mua nhiều bộ chiêng từ nơi khác về. Chứng minh điều này, ông dẫn chúng tôi đến nhà ông Ksor Cân gần đó, người vừa bỏ ra 35 triệu đồng để sở hữu một chiếc chiêng cái (chiêng mẹ). Khi chúng tôi đề nghị được xem qua, ông Cân dùng chìa khóa mở tủ lấy ra chiếc chiêng được bao bọc nhiều lớp cẩn thận. Ông chia sẻ, chiếc chiêng này được xem như là báu vật của gia đình. Trước đây, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên ông chưa thực hiện được ước muốn có một bộ chiêng để lại cho con cháu sau này. Nhưng nếu mua trọn bộ chiêng thì số tiền lên đến gần 100 triệu đồng nên ông chỉ mới mua một chiếc, sau đó dành dụm rồi mua dần cho đủ bộ.
Ông Ksor Cân (làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai) vui mừng khi mua được chiếc chiêng cái trị giá 35 triệu đồng. Ảnh: M.N
Ông Ksor Cân (làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai) vui mừng khi mua được chiếc chiêng cái trị giá 35 triệu đồng. Ảnh: M.N
Theo chân Trưởng thôn, chúng tôi đến nhà bà Ksor Yút và thuyết phục mãi bà mới chịu mở khóa kho thóc, đồng thời “khuyến mãi” thêm chiếc đèn pin để vào lục tìm chiêng. Bà Yút cho biết, 2 bộ chiêng của gia đình (khoảng 26 chiếc) đều của ông bà để lại, còn có từ lúc nào thì bà không nhớ nổi. Từ ngày chồng bà mất đến giờ đã hơn chục năm, những chiếc chiêng cũng yên vị trong kho vì các con gái bà không ai biết đánh. “Khi chồng tôi còn sống, ông ấy quý những bộ chiêng này lắm. Chỉ những dịp lễ lớn, ông ấy mới đem ra đánh. Dù có khó khăn đến đâu, tôi cũng phải thay gia đình giữ cho con cháu sau này”-bà Yút nói.
Ông Ksor Phiêu cho biết, làng Dăng có 180 hộ dân nhưng có gần phân nửa số này sở hữu nhiều bộ cồng chiêng, đặc biệt có nhiều bộ chiêng rất quý, có người trả đến 600 triệu đồng nhưng gia đình không bán. Đơn cử như hộ ông Ksor Có, bà Byơih có bộ chiêng rất hiếm quý là chiêng Pat. Nhiều gia đình khác trên địa bàn xã Ia O còn có hẳn cả bộ sưu tập lên đến gần chục bộ như hộ ông Ksor An (làng Mít Jép); hộ ông Ksor Hơn (cùng làng)...
Bảo tồn di sản vô giá của nhân loại
Ông Lê Ngọc Quý-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai: “Lâu nay, huyện cũng đã giao cấp xã tổ chức giao lưu cồng chiêng giữa các thôn làng, sắp tới sẽ giao Phòng Văn hóa-Thông tin huyện tổ chức giao lưu định kỳ ở các xã. Sau Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh việc tổ chức liên hoan cồng chiêng cấp huyện, thu hút nhiều đội cồng chiêng tham gia, qua đó tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ, bảo tồn vốn quý đã được UNESCO công nhận”.

Với đa số bà con dân tộc thiểu số ở Bắc Tây Nguyên, cồng chiêng không thể thiếu vắng trong mọi nghi lễ, từ mừng lúa mới, cầu sức khỏe, cầu mùa màng, đón một sinh linh gia nhập cộng đồng cho đến khi kết thúc một kiếp người. Vì thế, khi có được những bộ chiêng quý, họ gìn giữ cẩn thận, truyền từ đời này sang đời khác như báu vật. Trưởng thôn Ksor Men (làng O) cho hay, mặc dù số liệu khảo sát cho thấy làng Dăng có nhiều cồng chiêng nhất xã, nhưng ông thì không nghĩ vậy. Ông Men cho rằng ở làng O chiêng nhiều không đếm xuể. Ông liệt kê vanh vách danh sách những người sở hữu những bộ chiêng quý có giá trị từ 300 đến 400 triệu đồng/bộ như gia đình các ông bà Rơ Chăm Luyên, Puih Thên, Siu Dên, Puih Tin, Rmah Then… “Sau này, người làng có điều kiện hơn nên mua thêm và số lượng chiêng chỉ tăng lên chứ không giảm. Nhiều người khó khăn về kinh tế nhưng cũng không ai nghĩ đến việc bán lấy tiền dù một bộ cồng chiêng quý có thể đổi cả 100 con bò”-ông Men nói.
Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin, toàn huyện Ia Grai có đến 1.116 bộ chiêng, trong đó có 763 bộ chiêng cải tiến và 353 bộ chiêng quý các loại (chiêng Pat, Yoăn, Bom, Blum, Kuk, Jlu…). Đặc biệt, xã Ia O là địa phương còn lưu giữ nhiều cồng chiêng nhất với 517 bộ chiêng các loại. Riêng làng Dăng được xem là làng lưu giữ được nhiều bộ chiêng nhất xã, đến 86 bộ (trong số này có đến 32 bộ chiêng quý). Xếp sau Ia O là các xã Ia Chía (188 bộ), Ia Khai (123 bộ), Ia Krai (85 bộ)…
Ông Nguyễn Khắc Hùng-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Grai-cho rằng: Điều đáng tiếc là số lượng chiêng tuy nhiều nhưng có nhiều bộ không còn sử dụng được, một phần là do được cất giữ lâu ngày không sử dụng nên âm thanh không còn chuẩn, một số chiêng thì bị hư hỏng nặng. Ông Hùng cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi các xã, thị trấn trên địa bàn thống kê lại số lượng cồng chiêng lưu giữ trong nhân dân để có con số tổng hợp chính xác, cụ thể làm cơ sở đề xuất lãnh đạo huyện và các ngành chức năng có hướng chỉ đạo đầu tư, bảo tồn giá trị di sản địa phương.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.