(GLO)- Trong kế hoạch kêu gọi đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia sắp diễn ra tại Gia Lai có nhiều dự án thiên về chế biến sâu với quy mô lớn. Đó là dự án nâng công suất Nhà máy Đường An Khê và dự án Nhà máy Điện sinh khối An Khê (Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi là chủ đầu tư); dự án trồng tiêu kết hợp chăn nuôi (Công ty cổ phần Trường Thịnh làm chủ đầu tư); dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thái Sơn, Bộ Quốc phòng đầu tư)...
Chế biến cà phê sạch tại Công ty cà phê Classic. Ảnh: H.D |
Gia Lai có diện tích cây công nghiệp tập trung khá lớn. Toàn tỉnh hiện có trên 100.000 ha cao su với sản lượng 93.500 tấn mủ khô/năm; gần 80.000 ha cà phê với sản lượng gần 200.000 tấn cà phê nhân/năm; khoảng 14.500 ha tiêu, sản lượng 43.600 tấn/năm; 17.000 ha điều, sản lượng 14.000 tấn/năm; 38.600 ha mía, sản lượng hơn 2,2 triệu tấn/năm; 63.500 ha mì, sản lượng 1.180.000 tấn/năm... Bên cạnh vùng nguyên liệu dồi dào, Gia Lai còn là vùng trung tâm tiêu thụ tư liệu tiêu dùng khi có địa thế vô cùng thuận lợi trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tỉnh còn có Khu công nghiệp Trà Đa với diện tích 124,5 ha đã đi vào hoạt động ổn định và có điều kiện hạ tầng hoàn chỉnh cùng với các khu/cụm công nghiệp khác nằm rải rác trên địa bàn.
Những năm qua, các dự án thiên về công nghiệp chế biến sâu cũng được tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư. Trong danh mục 17 dự án tỉnh kêu gọi đầu tư giai đoạn 2013-2015 có tới 9 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến như: chế biến dầu thực vật, điều, hoa quả, súc sản; thuộc da xuất khẩu; sản xuất săm lốp ô tô và các sản phẩm từ cao su; sản xuất và lắp ráp máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến cũng là hướng đi đã được xác định trong Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2020. Bởi lẽ, việc phát triển mạnh công nghiệp chế biến sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho những tiềm năng về nông-lâm nghiệp, đồng thời tạo cơ hội phát triển cho các ngành khác.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã quan tâm đến công nghiệp chế biến sâu. Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, Công ty hiện đang đầu tư xây dựng nhà máy rang xay nhằm cho ra sản phẩm cà phê sạch và dự kiến đến năm 2019 sẽ xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan. Hoạt động này nhằm cố gắng xây dựng thương hiệu cho Vĩnh Hiệp nói riêng, cho sản phẩm của tỉnh nhà nói chung và qua đó khởi động phong trào khởi nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy vậy, số doanh nghiệp dám mạnh dạn đầu tư chế biến sâu như Vĩnh Hiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có nhiều lý do để doanh nghiệp tại Gia Lai kiên quyết “thủ” thế an toàn như: vốn hạn chế, thị trường không ổn định, giá cả các mặt hàng nông sản lên xuống thất thường... Do vậy, tại chương trình kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp vừa được Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành gợi ý: Các doanh nghiệp nghiên cứu các tiềm năng, thế mạnh tỉnh đang có để tiếp tục đầu tư, phát triển lớn mạnh lên. Doanh nghiệp phải có ý chí vươn lên thì mới có thể khắc phục khó khăn để lớn mạnh. Tỉnh ta có nhiều tiềm năng để doanh nghiệp khai thác và phát triển.
Trong kế hoạch kêu gọi đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp quốc gia sắp diễn ra tại Gia Lai có nhiều dự án thiên về chế biến sâu với quy mô lớn. Đó là dự án nâng công suất Nhà máy Đường An Khê và dự án Nhà máy Điện sinh khối An Khê (Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi là chủ đầu tư); dự án trồng tiêu kết hợp chăn nuôi (Công ty cổ phần Trường Thịnh làm chủ đầu tư); dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thái Sơn, Bộ Quốc phòng đầu tư)... Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tin tưởng: Hội nghị lần này thể hiện sự quyết tâm của tỉnh nhằm phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp để khai thác và sử dụng các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh mà bấy lâu nay chưa được khai thác hết.
Hà Duy