Việt Nam - Đất lành cho khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tinh thần hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam đang lên cao hơn bao giờ hết, nhiều chính sách, luật và chương trình khuyến khích khởi nghiệp đã và đang được xây dựng, ban hành.

Đó là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Việt Nam - Đất lành cho khởi nghiệp” do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 14-6 tại Đà Nẵng, với sự tham dự của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp khu vực miền Trung.

 

Toàn cảnh Tọa đàm.
Toàn cảnh Tọa đàm.

Tọa đàm nhằm công bố kết quả khảo sát, nghiện cứu về khởi nghiệp do VCCI và USAID thực hiện, đồng thời trao đổi, thảo luận những thuận lợi, khó khăn để Việt Nam trở thành miền đất lành cho người khởi nghiệp.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI Việt Nam, tinh thần hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam đang lên cao hơn bao giờ hết, nhiều chính sách, luật và chương trình khuyến khích khởi nghiệp đã và đang được xây dựng, ban hành.

Một loạt thông điệp, Nghị quyết của Chính phủ như Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp đã đưa ra lộ trình, chương trình hành động cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, để đưa Việt Nam vào nhóm 3, 4 nền kinh tế dẫn đầu ASEAN và có ít nhất một triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Với vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, VCCI đã ký cam kết với các tỉnh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. VCCI cũng đã phối hợp với USAID thực hiện khảo sát về khởi nghiệp để có cái nhìn tổng quát về khởi nghiệp ở Việt Nam.

Kết quả khảo sát về khởi nghiệp cho thấy, tại Việt Nam, các ý tưởng kinh doanh không chỉ được hiện thực hóa dưới hình thức doanh nghiệp mà còn theo các hình thức cơ sở kinh tế, các thể phi nông nghiệp (hộ kinh doanh). Cụ thể, trong năm 2016, có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 83.487 cơ sở kinh tế, cá thể phi nông nghiệp.

Về độ tuổi, 64% chủ doanh nghiệp có độ tuổi 30 trở lên, phần lớn các doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp trong độ tuổi 30; 72% chủ doanh nghiệp thành lập trong 3 năm gần đây, xuất thân từ khu vực tư nhân. Động lực khởi sự của doanh nghiệp Việt Nam khá đa dạng, trong đó có 26% đam mê làm điều mới mẻ, 31% tạo công ăn việc làm, 41% muốn độc lập tài chính, 56% muốn tự làm chủ, 13% xây dựng sự nghiệp cho thế hệ sau.

Cũng theo ông Tuấn, phần lớn doanh nghiệp khởi sự xuất thân từ mô hình hộ gia đình, 70% doanh nghiệp có xuất thân từ hộ kinh doanh cá thể, có 17% có thể tăng quy mô, 38% chắc chắn tăng quy mô, 39% giữ nguyên quy mô hiện tại và 6% có thể đóng cửa.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI tại Đà Nẵng, cho biết Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đó là công cuộc cải cách thể chế đang được phát động, những đổi mới trong hệ thống pháp luật cũng như trong chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, địa phương đang diễn ra sôi nổi. Điều đó tạo ra động lực, niềm tin vào sự bứt phá của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông Quang cho biết, trong thời gian tới, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ còn phải đương đầu với nhiều thách thức như áp lực của hội nhập, áp lực của cách mạng 4.0. “Chúng ta đặt ra mục tiêu đến 2020 phải có một triệu doanh nghiệp, do đó, khởi nghiệp là vô cùng quan trọng. Và để thúc đẩy khởi nghiệp cần nâng cao nhận thức của thanh niên về khởi nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp và quan trọng là vai trò của nhà nước trong việc kiến tạo, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Quang nói.

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp, đại diện hiệp hội và các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi và chia sẻ xoay quanh nội dung cần những gì để Việt Nam trở thành “đất lành cho khởi nghiệp”; từ đó đưa ra những kiến nghị với các cơ quan hữu quan để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các đại biểu cũng nêu lên một số kiến nghị như nhà nước, các cơ quan hữu quan, chính quyền cần có những cơ chế, hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình cấp phép kinh doanh, giảm bớt những rào cản về giấy phép cũng như tạo lập những nguồn quỹ cho vay các dự án khởi nghiệp...

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm