“Nuôi” ý tưởng chế tạo máy tráng bánh cuốn từ thời quê nhà chưa có điện, ông Bùi Đỗ Hậu (xã Bính Hòa, Thanh Oai, Hà Nội) không chỉ giúp dân làng mình thoát cảnh hít hơi than và “xông hơi” bất đắc dĩ khi làm bánh. Sản phẩm của ông đã có mặt ở nhiều tỉnh, nhiều quốc gia.
Máy nuôi lợn, lợn nuôi máy
Khác với hình dung của tôi về một xưởng cơ khí sản xuất máy nhộn nhịp không bao giờ dứt tiếng khoan, cắt, đục, hàn, xưởng sản xuất của ông Bùi Đỗ Hậu - đặt ngay trong sân của ngôi nhà nằm gần cầu Thạch Bích - khá yên ắng.
Ông Bùi Đỗ Hậu tại xưởng chế tạo của mình. |
Chủ nhân - một người đàn ông quần áo chỉnh tề, dáng dấp nhanh nhẹn, người vẫn được bà con gọi là “kỹ sư làng” dù không có bằng cấp - kể về công việc của mình với nụ cười hiền: “Thời kỳ đầu khi mới chế tạo thành công máy tráng bánh cuốn và máy tráng bánh đa nem, xưởng tôi làm không hết việc. Trước đây, mỗi tháng xưởng làm 3-4 chiếc nhưng đến nay trung bình mỗi tháng chỉ sản xuất một chiếc bởi hầu hết các hộ làm bánh ở hai thôn Thanh Lương, Kỳ Thủy của xã Bích Hòa đều đã có máy tráng bánh cuốn tự động của tôi”.
Trầm ngâm vài phút, ông Hậu hồi tưởng về những năm tháng nhen nhóm ý tưởng chế tạo thiết bị này: Làng có nghề tráng bánh cuốn, bánh đa nem từ lâu đời và ông cũng gắn bó với nghề từ bé. Mỗi ngày, ông phải làm việc từ 12 giờ trưa đến nửa đêm để tráng xong 1 tạ bánh cuốn đem ra chợ bán, chỉ được ngủ từ 2-3 giờ sáng trở đi.
“Rất vất vả. Lúc đó tôi nghĩ, giá như mình có được cái máy tráng bánh cuốn thì hay biết bao. Tôi nuôi ý tưởng về chiếc máy đó từ những năm 1983-1984, mãi đến năm 1986 mới bắt tay vào làm vì khi đó quê tôi mới có điện. Đến năm 1990, chiếc máy đầu tiên ra đời, nhưng bánh tráng ra đều hỏng, chỉ có thể dùng nuôi lợn. Hồi đó trung bình mỗi hộ chỉ nuôi 2-3 con, còn nhà tôi nuôi đến 20-30 con. Lợn ăn bánh tráng hỏng nhiều nên béo quay, lái buôn chê ỏng chê eo là béo quá. Tính ra trong 3 năm đó, tôi mất khoảng chục tấn gạo, may nhờ chăn nuôi cứu lại để có thể tiếp tục nghiên cứu, chứ không thì cũng chết dở” - ông Hậu cười lớn và bình luận rằng “quá khứ là một con đường đi lầy lội khủng khiếp”.
Hồi đó ở nông thôn, đồng tiền rất hiếm. Đi chợ được đồng nào, ông "kỹ sư làng" lại dồn hết cho việc mua thóc, mua gạo để thử nghiệm máy tráng bánh. Thấy vậy, láng giềng người thì hỏi “điên hay sao mà cứ đâm đầu vào công việc này", người lắc đầu bảo “thành công thế nào được”, người lại ái ngại nhắc “chú không cẩn thận có khi sạt nghiệp”. Thế nhưng, tất cả những câu “bàn lùi” đó đều chỉ khiến ông quyết tâm làm bằng được bởi “trong tôi bùng lên sự tự ái cao độ”.
Chiếc máy tráng bánh đầu tiên được ông chế tạo đơn giản với 2 bộ phận chính: Bình cấp hơi nước (đặt trên bếp xây bằng gạch, có thể dùng than hoặc củi) và hệ thống làm bánh. “Bánh làm ra hình thức đẹp, ăn vừa dai, vừa giòn. Mọi người thắc mắc ông dùng phoócmôn hay sao mà bánh lại có thể dai thế?” - “kỹ sư làng” nhớ lại. Không thể giải thích cho bà con hiểu, ông bắn tiếng: “Ai có bột, đem đến tôi làm bánh cho, không lấy tiền”. Từ đó họ mới tin và máy nhà ông phải làm việc không nghỉ. Có những lúc ông chở về nhà cả chục tấn gạo để tráng bánh bán cho bà con.
Máy tráng bánh xuất ngoại
Sau sự kiện đó, nhiều hộ làm bánh cuốn trong làng đặt ông Hậu sản xuất máy tráng bánh. So với cách làm thủ công, máy cho năng suất cao hơn vài chục lần. “Một người thợ lành nghề mỗi giờ chỉ có thể tráng 5kg bánh, nhưng với máy này công suất tối đa có thể tráng được 150kg/giờ. Bà con trêu tôi rằng, ông làm ra máy như thế này sẽ khiến nhiều người thất nghiệp. Tôi cũng trả lời vui rằng vâng, cái thất nghiệp này lại mang tới thu nhập cao cho bà con” - ông hóm hỉnh nói.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các tỉnh, thành khác cũng tìm đến mua máy. Ông Vũ Văn Tộ ở thành phố Yên Bái là một trong số đó. Vị khách hàng này nhận xét: “Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ phục vụ, chiếc máy này còn giúp tôi bảo vệ được sức khỏe. Nếu tráng bằng tay thì liên tục phải mở vung nồi hấp, hơi nước phả vào mặt rất nóng, đặc biệt trong mùa hè, chưa kể phải liên tục hít hơi than”.
Máy tráng bánh cuốn của ông Hậu không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất ngoại. “Kỹ sư làng” khoe: “Tính đến nay, tôi đã bán được gần 100 chiếc cho Việt kiều, nhiều nhất là Đức và Mỹ, mỗi nước khoảng hơn chục chiếc. Các nước khác như Australia, Séc, Pháp, Trung Quốc, Lào, Campuchia... mỗi nước vài ba cái”.
Trên cơ sở máy tráng cánh cuốn, ông Hậu đã tạo ra những phiên bản khác như máy tráng bánh đa nem, máy làm bánh phở, máy làm bún. Cũng là tráng bánh bằng bột gạo nhưng mỗi sản phẩm có một quy trình đặc thù với những khó khăn riêng, đòi hỏi nhà sáng chế tìm giải pháp. Ví dụ, với bánh đa nem, bánh tráng xong rất mỏng, phơi bằng phên không bị co ngót nhưng mất vệ sinh, hoặc gặp bất lợi trong mùa mưa, lạnh. Bài toán đặt ra là làm sao chế tạo được cái máy sấy giúp giải quyết vấn đề này.
“Tôi đang nghiên cứu làm hệ thống sấy bánh đa nem, sao cho sản phẩm từ máy tráng không cần qua phên mà chạy thẳng vào lò sấy nhưng không bị khô và co ngót. Quan trọng là máy phải có kích thước và giá tiền phù hợp. Dự kiến cuối năm nay, sản phẩm sẽ ra đời” - ông Hậu chia sẻ.
Nói về “kỹ sư làng” Bùi Đỗ Hậu, ông Bùi Tiến Dũng - Chủ tịch xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội - cho rằng: “Những sáng chế của ông Hậu đã đóng góp lớn cho sự phát triển làng nghề, giúp giải phóng sức lao động, sản phẩm làm ra nhiều hơn và điều đó tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của địa phương”.
Minh Nhật/KHPT