Chông chênh đường vào đại học của cậu học sinh thủ khoa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Người dân vùng đất Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) ai cũng biết đến cậu học trò nghèo chăm ngoan, nức tiếng học giỏi Đinh Bá Hải. Sau khi giành giải nhất môn Toán tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Hải tiếp tục trở thành thủ khoa khối A của tỉnh trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua với 28,85 điểm.

Trò nghèo làm nên kỳ tích

Tất cả thầy cô Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện) đều vui mừng khi Đinh Bá Hải trở thành thủ khoa khối A của tỉnh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017 bởi thành tích này đã xóa tan mọi nghi ngờ về chất lượng giáo dục của trường huyện bấy lâu nay. “Đinh Bá Hải đã tạo nên kỳ tích ở Trường THPT Trần Quốc Tuấn bởi từ trước đến nay không có học sinh nào đạt thành tích cao như vậy. Nhà cách trường 13 km nhưng với chiếc xe đạp cũ, em gần như không vắng buổi học nào nên thầy cô, bạn bè rất thương. Chúng tôi tự hào khi có một cậu học trò hội tụ những phẩm chất tốt đẹp như Đinh Bá Hải”-thầy Lê Tấn Trọng-Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn, phấn khởi nói. Còn người dân vùng đất Ayun Hạ cũng vui mừng khôn xiết khi tìm được một tấm gương sáng để con cái họ noi theo: rằng cái nghèo không hề ảnh hưởng gì tới sự học.

 

Đinh Bá Hải cùng mẹ bán tạp hóa ở chợ xã Ayun Hạ. Ảnh: N.G
Đinh Bá Hải cùng mẹ bán tạp hóa ở chợ xã Ayun Hạ. Ảnh: N.G

Sở dĩ người dân vùng đất này không lạ lẫm gì khi nhắc đến Hải bởi 5 năm nay, ngày nào em cũng giúp mẹ đẩy xe hàng tạp hóa ra chợ xã bán. Nhà cách chợ hơn 2 km, xe hàng nặng trĩu, lỉnh kỉnh đủ các món tạp hóa như muốn nuốt chửng lấy thân hình bé nhỏ của em. Ra đến chợ, dù là trời đang chuyển đông lạnh buốt thì tấm lưng của Hải cũng ướt đẫm mồ hôi. Chẳng màng tới việc lau mồ hôi trên mặt, Hải nhanh nhẹn trải tấm bạt cũ kỹ, chắp vá đủ chỗ ra nền đất và bày hàng hóa ra giúp mẹ. Chợ nghèo, gian hàng của 2 mẹ con Hải cũng nghèo nàn nhưng nếu không bám víu vào chợ, dù cho nhu nhập mỗi ngày chỉ đủ ăn uống qua ngày, thì mẹ Hải không biết phải làm gì để nuôi con. Bà mắc chứng sụp mí mắt, càng lớn tuổi càng bị nặng nên bây giờ mọi thứ đã trở nên mờ ảo dưới mắt người đàn bà 47 tuổi này. Chồng đi phụ hồ theo công trình ở xa mấy năm nay để lo cho cô con gái lớn vừa tốt nghiệp đại học, Hải trở thành điểm tựa của bà. “Nhiều thầy cô cho Hải đi học thêm miễn phí nhưng em không học vì sợ không có thời gian đỡ đần việc nhà cho mẹ”-bà Trịnh Thị Thu, mẹ Hải, xúc động nói.

Nói không với học thêm, học kèm nhưng 12 năm liền Hải đều đạt học sinh giỏi. Những năm học cuối cấp, chuyện Hải mang về hàng chục giấy khen của trường, của huyện và của tỉnh không còn là chuyện lạ. Bởi thế, với bố mẹ Hải, tài sản mà nửa cuộc đời họ có được là 2 đứa con chăm ngoan, hiếu thảo và những tấm giấy khen, bằng khen của các con mang về.

Chông chênh đường vào đại học

Tổng điểm xét tuyển đại học của Đinh Bá Hải là 30,35 điểm (Toán 9,6, Vật lý 9,25, Hóa học 10 và cộng 1,5 điểm vùng). Với số điểm này, Hải hoàn toàn tự tin với ước mơ trở thành sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (điểm chuẩn ngành Công nghệ Thông tin Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2016 là 26 điểm-P.V). Đam mê công nghệ nên Hải mong muốn sẽ trở thành một lập trình viên máy tính. Em bày tỏ: “Với nhu cầu phát triển công nghệ như hiện nay thì hầu hết các công ty đều đang “đói” lập trình viên. Đây cũng là một ngành học có nhiều cơ hội đi làm thêm để vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa có tiền trang trải học phí và sinh hoạt”.

Theo như tính toán của Hải thì em sẽ học 4 năm để lấy bằng cử nhân sau đó đi làm rồi học thêm lên để lấy bằng kỹ sư công nghệ thông tin. Mong ước là thế nhưng nhìn vào hoàn cảnh của gia đình mình, Hải không thể thôi suy nghĩ, đắn đo. Bệnh tình mẹ ngày một nặng nhưng không có tiền đi thăm khám; việc bán buôn ở chợ ngày càng khó khăn; công việc của bố cũng không mấy suôn sẻ khi công trình cứ ngày một xa nhà. “Lương bố em chỉ được khoảng 2,5 triệu đồng/tháng với biết bao chi phí khi đi làm xa nhà. Có bận em thấy bố đi 6 tháng về chỉ đưa cho mẹ được 5 triệu đồng. Chị em ra trường không có tiền để lo công việc nên đang xin vào một công ty tư nhân tại Hà Nội, cũng rất vất vả. Lo nhất là khi em đi học vắng nhà, bố sẽ phải về đỡ đần mẹ thì coi như nguồn thu nhập ít ỏi của bố cũng không còn. Với hoàn cảnh gia đình hiện nay, em cũng không biết liệu mình có thực hiện được ước mơ bước chân vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hay không?”-Hải tâm sự.    


Nghe cậu con trai hiếu thảo bày tỏ nỗi lòng, bà Thu như đứt từng khúc ruột. “Đến ước mơ chính đáng của con mà tôi cũng không thể giúp cháu thực hiện, tôi đau lòng lắm!”-bà Thu nghẹn ngào. Không riêng gì gia đình Hải, chuyện em có thể không đi học đại học đang được nhiều người dân ở xã Ayun Hạ lo lắng. Chị Nguyễn Thị Minh Hiếu (người bán trứng ngồi sát gian hàng của mẹ con Hải) nói với tôi: “Không máu mủ ruột rà gì nhưng tôi quý Hải như con cháu. 5 năm chợ này được xây lên là 5 năm tôi chứng kiến sự chăm ngoan, hiếu thảo của Hải. Giờ Hải trở thành thủ khoa, đậu đại học mà không có điều kiện để đi học thì cả xã Ayun Hạ này đều buồn”...

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm