Khi startup Mỹ đến Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã có những công ty khởi nghiệp (startup) Mỹ đặt văn phòng đại diện theo hình thức “2 văn phòng song song”(Mỹ-Việt) tại Việt Nam, chủ yếu là ở TP. Hồ Chí Minh. Đây thực sự là một cơ hội tham khảo rất thực tế cho các startup Việt Nam, nhất là starup của những người trẻ.

Khởi nghiệp là sân chơi của những người trẻ, nhưng đây là những người trẻ có bản lĩnh, tự tin và chấp nhận mạo hiểm. Nền giáo dục Mỹ thường hướng sinh viên tới những phẩm chất này, nhất là khuyến khích sinh viên dám nghĩ khác, dám tranh luận và chất vấn cấp trên. Học là để hành, chứ không để tích lũy một mớ kiến thức không được sử dụng. Có ý tưởng sáng tạo, dám nghĩ dám làm và dám chấp nhận thất bại ban đầu để tiến tới những thắng lợi về sau, đó chính là triết lý căn bản của khởi nghiệp. Bởi không phải ai lúc mới khởi nghiệp cũng thành công cả. Có người thành công nhanh, có người thất bại, thậm chí phải “lên bờ xuống ruộng”. Nhưng tất cả những trải nghiệm ấy đều không vô ích. Nó giúp người khởi nghiệp tích lũy được những kinh nghiệm, những tư tưởng và quan trọng hơn là có những quyết sách nhằm tránh những thất bại mà chính mình đã vấp phải. Như thế, startup mở mọi cánh cửa cho người trẻ và không cánh cửa nào là “tuyệt đối đóng lại” trước khát vọng thành công của người khởi nghiệp.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người trẻ Mỹ dĩ nhiên có nhiều ưu thế hơn người trẻ Việt trong startup, đơn giản vì môi trường xã hội Mỹ từ khi lập quốc đã rất khuyến khích những con người có tính cách mạnh mẽ, độc lập và dám chấp nhận phiêu lưu. Bây giờ, với startup, “đi con đường người trước chưa đi” chính là một slogan (một lời hô xung trận-theo đúng nghĩa nguyên thủy của từ “slogan” mà chiến binh Scotland thuở xưa từng hô ở chiến trường.) Tinh thần khởi nghiệp vốn gắn liền với tinh thần sáng tạo, tìm cái mới, hướng đi mới, giải pháp mới cho những câu hỏi tưởng như đã cũ. Chẳng hạn bán hàng là câu chuyện cũ, nhưng bán hàng theo lối mới (chẳng hạn bán hàng trên mạng) lại là câu chuyện mới, nó thuộc về startup.

Tôi rất vui mừng vì người trẻ Mỹ khi startup đã chọn Việt Nam là điểm song hành với Mỹ. Có thể họ sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng họ chấp nhận. Quá trình khởi nghiệp của họ cũng sẽ giúp thay đổi môi trường kinh doanh ở Việt Nam, khiến nó trở nên cởi mở thông thoáng hơn. Và đó cũng là cơ hội lớn cho những người trẻ Việt cùng tham gia starup với người trẻ Mỹ, đúng như suy nghĩ của một thành viên người Việt trong một công ty startup Mỹ: “Mới qua Mỹ hơn 3 tháng, còn nhiều bỡ ngỡ nhưng làm việc cho startup nghĩa là mình góp phần hình thành một doanh nghiệp còn trong trứng nước, mình phải chủ động đề xuất ý kiến và tập trung đưa ra giải pháp cho sản phẩm”.

Đối với người trẻ Việt, được làm việc trong môi trường đầy thách thức nhưng không ít cơ hội như thế chẳng là điều hạnh phúc hay sao? Nó sẽ khiến họ trưởng thành rất nhanh, khi họ học tập được rất nhiều từ “phong cách Mỹ” trong công việc. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, nó còn thú vị hơn là học trong một trường đại học ở ngay nước Mỹ.

Và ngược lại, chính người khởi nghiệp Mỹ khi chọn Việt Nam là điểm đến đã có những nhận xét rất tích cực về nguồn nhân lực ở đây: “Đó là quá trình tất yếu của sự phát triển. Thời gian trước, các startup đã đến Philippines, Ấn Độ và bây giờ là cơ hội của Việt Nam. Việt Nam đang tạo dựng được danh tiếng trong cộng đồng khởi nghiệp quốc tế với nguồn nhân lực tài năng. Rõ ràng là còn rất nhiều cơ hội tại đây”-anh Peter So-Giám đốc Điều hành Công ty Tinypulse nói. Văn phòng này được thành lập vào năm 2014 tại TP. Hồ Chí Minh, 2 năm sau khi ý tưởng của nhà sáng lập hình thành và 1 năm sau khi văn phòng chính được mở ở Mỹ.

Như thế là Công ty Tinypulse đã rất nhanh chóng lập “văn phòng 2” tại Việt Nam; đây là Công ty đưa ra sản phẩm nhằm giúp các doanh nghiệp có thể điều hành công ty một cách minh bạch, hiệu quả, giúp xây dựng văn hóa công ty. Những “phần mềm” mang tính tư tưởng cao như vậy khi xuất hiện và thành công ở Việt Nam sẽ mở ra rất nhiều hướng đi mới cho khởi nghiệp Việt Nam.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm