Việt Nam đang ứng phó thế nào với virus corona xâm nhập từ Trung Quốc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, Việt Nam đang đáp ứng rất bài bản và kiểm soát được dịch bệnh do virus nCoV.
Tham gia cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về ứng phó dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV), nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu nhận định tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tại Trung Quốc, với nguy cơ lây lan là rất cao. 
Trao đổi với PV VOV.VN, ông Trần Đắc Phu - với những kinh nghiệm ứng phó dịch SARS, dịch MERS CoV, H7N9 và Ebola, khẳng định Việt Nam hiện nay đang đáp ứng rất bài bản và kiểm soát được tình hình dịch bệnh do virus nCoV.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phát biểu tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về ứng phó dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV).
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phát biểu tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về ứng phó dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV).
PV: Xin ông đánh giá về tình hình dịch viêm phổi cấp do virus nCoV tại Trung Quốc và nguy cơ lây lan sang Việt Nam?
Ông Trần Đắc Phu: Tình hình dịch viêm phổi do virus corona mới diễn biến ở Trung Quốc rất phức tạp. Chúng ta phải xác định rằng, khả năng lây lan sang các nước, trong đó có Việt Nam là rất cao. Trong lúc này chúng ta không quá lo lắng và không quá hoang mang. Người dân có thể theo dõi thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ Bộ Y tế và các cơ quan chức năng để đánh giá và hiểu rõ tình hình dịch bệnh như thế nào, diễn biến đến đâu, đặc biệt tình hình tại Việt Nam như thế nào mới là điều quan trọng.
Trung Quốc ở sát Việt Nam và lưu lượng người qua lại lớn, nhất là trong dịp Tết. Số ca mắc tại Trung Quốc tăng đột biến cho thấy tình bệnh diễn biến phức tạp. Chúng ta không chỉ nên tập trung, theo sát những người đến từ Vũ Hán, mà cần lưu ý cả khu vực Quảng Đông là địa bàn giao lưu với Việt Nam rất lớn. 
Giám sát ở cửa khẩu là biện pháp quan trọng, nhưng việc phát hiện ca bệnh ở cửa khẩu lại không nhiều. Các ca bệnh thường phát hiện ở các cơ sở y tế, kể cả những trường hợp nhập cảnh và bị lây nhiễm ở cộng đồng. Do vậy, các cơ sở y tế, các bệnh viện mới là nơi phát hiện các ca bệnh. Điều này phải đặc biệt lưu ý, nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh.
PV: Ông đánh giá tình hình dịch bệnh tại Việt Nam tại hiện nay như thế nào?
Ông Trần Đắc Phu: Việt Nam hiện nay đang đáp ứng rất bài bản và kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Minh chứng là chưa có một ca nào nhiễm bệnh là người Việt Nam ở cộng đồng Việt Nam. Hai ca xác định nhiễm bệnh ở Chợ Rẫy, TP HCM có 1 ca là xâm nhập từ Trung Quốc và ca còn lại là người con có tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân. 
Tại Việt Nam hiện nay, chúng ta có những kinh nghiệm từ chống dịch SARS, dịch MERS CoV, H7N9 và Ebola rất thành công. Chúng ta đã ngăn chặn không để dịch phát triển ở Việt Nam. Tất cả kịch bản ứng phó dịch bệnh và các biện pháp Việt Nam triển khai từ trước đến nay đang rất phù hợp. Ở mỗi giai đoạn tình hình dịch bệnh, chúng ta phải có đáp ứng phù hợp. Chúng ta đáp ứng không đến ngưỡng thì không khống chế được bệnh, mà chúng ta đáp ứng “thừa” thì lại cũng không tốt.
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam phát hiện nhiều trường hợp bị sốt - chúng ta không gọi là “ca bệnh nghi ngờ”, mà gọi đúng là “sốt có liên quan” đi từ vùng dịch về. Chúng ta đã giải quyết được các trường hợp này với việc cách ly và điều trị bệnh không chỉ ở tuyến trung ương mà còn ở các bệnh viện tỉnh, bệnh viện địa phương. Theo tôi đây là tín hiệu đáng mừng, nghĩa là toàn bộ hệ thống từ trung ương đến địa phương đã vào cuộc kể cả trong những ngày nghỉ Tết.
PV: Trước nhiều thông tin về dịch bệnh gây hoang mang dư luận, ông có khuyến cáo cụ thể nào để người dân biết cách phòng ngừa virus nCoV hiệu quả nhất?
Ông Trần Đắc Phu: Lúc này, biện pháp phòng bệnh là quan trọng nhất. Chính quyền vào cuộc và người dân cũng phải vào cuộc. Với người dân, không được hoang mang và phải biết cách phòng bệnh. Đó là không tiếp xúc với những người bệnh có các biểu hiện nghi ngờ viêm phổi và cả những bệnh khác để hạn chế lây lan cho mình. Nếu có tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang, vì đeo khẩu trang là hạn chế không để người bệnh lây cho mình, nhưng giả sử mình có bệnh thì cũng không lây cho người khác. Còn nếu không có khẩu trang thì đơn giản là dùng tay che miệng, nhất là khi ho và hắt hơi. 
Một biện pháp nữa là rửa tay với xà phòng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng, rửa tay với xà phòng giảm được 44% sự lây truyền các bệnh hô hấp. Trước đây có thể có người có những dấu hiệu của viêm phổi như ho, sốt… nhưng trì hoãn đến các cơ sở y tế, thì lúc này rất cần phải đi khám, đặc biệt là những người đi từ nước ngoài về, đi từ Trung Quốc về hoặc có tiếp xúc với những người ở nước ngoài về có dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi. Như vậy, nếu xác định viêm phổi do virus chúng ta sẽ được cách ly điều trị ngay để tránh lây lan ra cộng đồng. Nếu không phải do virus corona, chúng ta cũng sẽ được chăm sóc y tế và điều trị tốt. Việc không đến cơ sở y tế sẽ khiến bệnh tình nặng thêm và lây lan bệnh ra cộng đồng. Lúc này, ngành y tế sẽ rất khó kiểm soát.
Xin cảm ơn ông!
Thiên Bình (VOV)

Có thể bạn quan tâm

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

Thị xã An Khê được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 9-12, tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị công bố quyết định công nhận thị xã An Khê đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Đây là địa phương thứ hai trên địa bàn tỉnh (sau TP. Pleiku) được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.