(GLO)- Các cơ sở khám-chữa bệnh tư nhân (gọi tắt là hành nghề y) nở rộ là tất yếu bởi tình trạng quá tải bệnh viện và ít nhiều là khâu phục vụ người bệnh có vẻ thờ ơ như hiện nay. Với những người bận rộn, việc tìm đến phòng khám tư là lựa chọn tối ưu giúp họ tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại…
Song hoạt động hành nghề y phát triển nhanh chóng cũng đặt ra nhiều vấn đề về chất lượng khám chữa bệnh. Qua đợt thanh kiểm tra gần đây có trên 90% các cơ sở hành nghề y-dược tư nhân khi kiểm tra đều mắc các lỗi vi phạm quy định hành nghề.
“Đau” túi tiền
Các cơ sở khám-chữa bệnh tư nhân luôn đông đúc bệnh nhân (ảnh chỉ mang tính minh họa). |
Anh Thành Đức-nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku than phiền: “Tôi đưa cháu đến khám tại phòng khám mắt của một bác sĩ. Bác sĩ này nói chỗ bạn bè nên không lấy tiền khám, chỉ lấy tiền lọ thuốc nhỏ mắt với giá trên 100 ngàn đồng. Sau đó, tôi cầm chính đơn thuốc này ra hiệu thuốc Tây mua thì giá chỉ bằng…1/3”. Không chỉ trường hợp của anh Đức, một đồng nghiệp của chúng tôi khi tới phòng khám của vị bác sĩ này cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi móc túi trả tiền cho lọ thuốc nhỏ mắt đắt gấp 4 lần giá thị trường. “Bác sĩ này được cái “mát tay”, chữa khỏi bệnh nên bán thuốc đắt một tý người ta vẫn chấp nhận”-anh Đức lý giải việc vì sao biết bị móc túi mà nhiều người vẫn tìm đến khám.
Bán thuốc đắt gấp nhiều lần giá mua bên ngoài là tình trạng chung của một số cơ sở hành nghề y. Nhưng vì nhiều lý do, bệnh nhân vẫn chọn các cơ sở này thay vì tới bệnh viện. Cùng ngồi chờ khám tại một phòng khám trên đường Phan Đình Phùng, chị Phan Thị Hương cho biết lý do: “Tôi thấy phòng khám này trang-thiết bị y tế khá hiện đại, thủ tục nhanh gọn, phục vụ nhiệt tình. Tôi tới đây khám thai và siêu âm định kỳ, thấy dịch vụ khá tốt”. Tại các phòng khám có chất lượng tốt như lời chị Hương, giá mỗi lần khám bệnh và mua thuốc hoàn toàn tương xứng với giá trị đầu tư cho cơ sở hạ tầng. “Một vỉ thuốc đặt ở đây đắt gấp đôi giá bán ở nhà thuốc”-một bệnh nhân tiết lộ.
Vẫn biết “đau” túi tiền mỗi khi tìm đến các cơ sở hành nghề y tư nhân nhưng chỉ dạo qua một đoạn đường Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo vào mỗi buổi trưa hoặc chiều tối-nơi tập trung khá nhiều các phòng khám-chữa bệnh tư-không khó để bắt gặp hình ảnh bệnh nhân đứng, ngồi hàng dài chờ tới lượt. Tưởng chỉ bệnh viện mới quá tải nhưng tình trạng này cũng không hiếm gặp ở phòng khám tư, nhất là những phòng khám-chữa bệnh đứng tên các bác sĩ chuyên khoa có tên tuổi.
Các cơ sở hành nghề y phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, giúp họ có thêm nhiều lựa chọn trong việc chăm sóc sức khỏe. Song ngoài các cơ sở hành nghề đáp ứng các yêu cầu, đặc biệt là người chịu trách nhiệm có tay nghề cao thì cũng không thiếu những cơ sở hành nghề với điều kiện vệ sinh nhếch nhác, y-bác sĩ “non” tay nghề. Nhiều trường hợp bác sĩ chẩn bệnh “liều” nhưng bệnh nhân không biết kêu ai.
Anh Lê Văn Mạnh, ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê bức xúc: “Tôi đưa cháu đi khám vì sốt cao, bác sĩ nói cháu bị lên sởi. Về nhà 3-4 ngày vẫn không thấy nốt sởi nào, đi bác sĩ khác khám thì được chẩn đoán là sốt siêu vi”.
Một trường hợp dở khóc dở cười khác là chị Trần Thanh Bình, nhà ở đường Lê Quý Đôn, TP. Pleiku. Chị kể: “Cháu nhà tôi mới 12 tháng tuổi, sốt và ói rất nhiều, bác sĩ bảo cháu bị sốt siêu vi, uống thuốc mấy ngày mà tình trạng nôn mửa không dứt. Đi khám lại thì cũng chính bác sĩ này bảo cháu bị rối loạn tiêu hóa, về cho uống men. Hỏi bác sĩ có tiếp tục uống thuốc điều trị sốt siêu vi không thì ông này nói: “Thì cứ cho uống cũng được, dừng cũng được”.
Cần quản lý nghiêm
6 tháng đầu năm 2012, qua kiểm tra 61 cơ sở hành nghề y-dược tư nhân, Thanh tra Sở Y tế phát hiện 57/61 cơ sở vi phạm, xử phạt trên 300 triệu đồng. Năm 2011, Thanh tra Sở phát hiện 90/198 cơ sở vi phạm, xử phạt trên 151 triệu đồng. |
Vụ việc vỡ lở mới đây khiến nhiều người hoảng vì “độ” liều của… bác sĩ. Đó là vụ bác sĩ Chu Thanh Hưng công tác tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê nhận phá thai cho một trường hợp dù không có giấy phép hành nghề. Việc vỡ lở khi các phương tiện thông tin phát hiện cháu bé xấu số bị phá ra vẫn còn sống, được người nhà vượt đường xa đưa ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Và kết cục cháu bé vẫn không sống được vì quá yếu! Còn bác sĩ Hưng chỉ bị xử phạt 25 triệu đồng. Và ai dám chắc sẽ không còn những bác sĩ coi rẻ sức khỏe, tính mạng người khác, nhắm mắt làm liều nữa.
Mặc dù quy định cấm bác sĩ trực tiếp bán thuốc cho bệnh nhân nhưng tình trạng trên xem ra khá phổ biến ở các cơ sở hành nghề y. Ông Trần Quang Khâm-Chánh Thanh tra Sở Y tế thừa nhận thực trạng này là vấn đề bức xúc của ngành Y, cơ quan chức năng chưa thể giải quyết rốt ráo. “Rất khó để đoàn kiểm tra phát hiện các cơ sở này bán thuốc cho người bệnh. Nếu không có nhân chứng, vật chứng thì chúng tôi cũng không thể có căn cứ để xử phạt”- ông Khâm nói.
Theo thống kê của Phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế), tính đến hết quý II-2011, có 134 cơ sở đăng ký hành nghề y. Từ đó đến nay, Phòng này dừng cấp phép mới để chờ triển khai Thông tư 41 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám-chữa bệnh. Qua các đợt kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở này, Thanh tra Sở phát hiện nhiều cơ sở vi phạm các quy định hành nghề. Những lỗi phổ biến là hành nghề vượt quá khả năng chuyên môn, không thực hiện niêm yết giá dịch vụ y tế, hành nghề không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, không có chứng chỉ hành nghề, không lưu sổ kê đơn thuốc, cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, không đảm bảo về cơ sở nhà ở.
Ông Khâm cho biết, vi phạm trong khám-chữa bệnh hiện nay đã giảm đáng kể so với những năm trước. Nếu phát hiện cơ sở hoạt động không phép, Thanh tra sẽ xử lý nghiêm.
Hoàng Ngọc-Nguyễn Tú