(GLO)- Đánh giá về công tác phòng- chống dịch bệnh năm 2011, bác sĩ Phạm Quốc Bảo- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai khẳng định: Đây là một năm mà công tác y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó, kết quả đáng khích lệ nhất là số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh giảm 37 lần so với cùng kỳ năm 2010, không có trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết. Đây cũng là năm mà số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thấp nhất trong vòng 20 năm qua…
Nếu trong hai năm liền (2009-2010), lực lượng cán bộ, y-bác sĩ làm công tác y tế dự phòng luôn trong tình trạng vất vả, căng thẳng vì hết phòng-chống dịch cúm A(H1N1) thì lại đến dịch sốt xuất huyết. Năm 2009, dịch cúm A(H1N1) nhanh chóng lây lan và phát sinh thành dịch. Với mức độ lây lan nhanh chóng, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh với tỷ lệ tử vong cao khi tung hoành tại các nước Bắc Mỹ khiến nhiều người lo ngại.
Khám điều trị bệnh nhân mắc chân tay miệng. Ảnh: Nguyễn Giác |
Bởi vậy, nghe nhắc đến dịch bệnh này nhiều người dân rất e dè và khi dịch bùng phát tại tỉnh năm 2009, lực lượng cán bộ, y-bác sĩ làm công tác dự phòng đã hết sức vất vả trong công tác phòng-chống dịch. Đến năm 2010, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh lại căng như dây đàn. Chưa kịp dập ổ dịch này thì ổ dịch khác phát sinh, lực lượng y tế dự phòng phải gọi là “vắt chân lên cổ” làm việc mà vẫn không kịp. Tổng kết năm 2010, số ca mắc sốt xuất huyết trên toàn tỉnh lên đến 3.562 ca và có 2 trường hợp tử vong.
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, năm 2011, ngành Y tế Dự phòng tỉnh luôn chủ động và có kế hoạch ứng phó với các loại dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn. Từ những chuẩn bị chu đáo và kinh nghiệm tác chiến trong nhiều năm qua, công tác phòng-chống dịch bệnh trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, thành công trên nhiều mặt. Năm 2011, dịch sốt xuất huyết được kiểm soát tốt, chỉ có 96 ca mắc, không có ca nào tử vong, giảm 37 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài những kết quả đạt được trong công tác phòng-chống dịch sốt xuất huyết thì năm 2011 còn ghi nhận những thành công khác khi toàn tỉnh không có ca nào mắc sởi. Qua trên 100 mẫu bệnh phẩm nghi ngờ mắc sởi gửi xét nghiệm không có mẫu nào dương tính. Điều này cũng khẳng định lại một lần nữa thành công của chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi triển khai toàn tỉnh trong năm 2010. Năm nay, dịch cúm A (H1N1) không xảy ra. Các loại dịch bệnh khác như uốn ván sơ sinh giảm rõ rệt, dịch tả không xảy ra trên địa bàn, các loại dịch bệnh khác đều được giám sát chặt chẽ, không có trường hợp trẻ em dương tính với bại liệt...
Nhưng bên cạnh những kết quả khả quan thì công tác phòng-chống dịch năm 2011 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Trong đó, nổi lên là dịch bệnh tay chân miệng bùng phát trên địa bàn với 17/17 huyện, thị xã, thành phố đều có ca mắc; trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 80% trong số 368 ca mắc tay chân miệng. Hiện nay, trung bình hàng tuần vẫn có 3-5 ca nhập viện do dịch bệnh tay chân miệng.
Tuy nhiên những nỗ lực phòng-chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn đã đạt được hiệu quả nhất định. Trong khi ở các tỉnh thành khác như các tỉnh phía Nam tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh này khá cao. Nhìn chung trong khu vực Tây Nguyên, Gia Lai là địa phương có ít ca mắc bệnh tay chân miệng nhất và không có trường hợp nào tử vong. Đặc biệt, UBND tỉnh luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt cho ngành Y tế trong công tác phòng-chống dịch bệnh.
Năm 2011, tỉnh đã hỗ trợ cho ngành Y tế mua 3 tấn Cloramin B để cấp cho các nhà trẻ mẫu giáo trên địa bàn tỉnh để khử trùng và vệ sinh môi trường tránh lây lan và phát sinh các ổ dịch mới. Công tác tuyên truyền cũng được thực hiện tốt nên người dân đã có sự phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác phòng-chống dịch.
Như Nguyện