TP. Hồ Chí Minh thí điểm ứng dụng công nghệ quản lý, giám sát cách ly tại nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hệ thống phần mềm VHD sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh quản lý toàn bộ các trường hợp cách ly tại nhà, đảm bảo giám sát thực hiện cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Từ ngày 17/7 đến ngày 31/7, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện thí điểm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD (VietNam Health Declaration).
Đối tượng được phần mềm VHD giám sát cách ly tại nhà (thí điểm) là các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 (hay còn gọi là F1).
VHD do Viettel cung cấp, là giải pháp được Bộ Y tế chọn triển khai thí điểm “cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.” Hệ thống sẽ giúp thành phố quản lý toàn bộ các trường hợp cách ly tại nhà, đảm bảo giám sát thực hiện cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế, quản lý được tình trạng sức khỏe của các trường hợp cách ly, thống kê báo cáo kịp thời, chủ động trong phòng chống khi có dịch bệnh.
Phần mềm có chức năng kiểm tra đột xuất, bảo đảm việc giám sát các trường hợp cách ly tuân thủ đúng quy định thông qua hệ thống định vị và hệ thống nhận diện khuôn mặt.
Cụ thể, các trường hợp được cách ly tại nhà sẽ khai báo số điện thoại, nhận diện khuôn mặt và được kích hoạt vị trí cách ly bằng điện thoại thông minh của mình. Mỗi ngày, người cách ly sẽ khai báo y tế 3 lần và khai báo ngay nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở...
Thông qua khai báo này, nhân viên y tế trực tiếp theo dõi những trường hợp cách ly sẽ kiểm tra được việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch và sức khỏe của người cách ly để hỗ trợ kịp thời.
Trước đó, để chuẩn bị triển khai thí điểm, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế thành phố, cùng sự hỗ trợ của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Viettel đã tổ chức 4 lớp tập huấn trực tuyến cho các đơn vị tại quận huyện và thành phố Thủ Đức.
Đồng thời, các tổng đài viên của Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin 1022 cũng được tập huấn để sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin cho người dân. Các đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ máy tính và đường truyền để phục vụ cho công tác giám sát.
Trong giai đoạn thí điểm, phần mềm sẽ được triển khai tại ít nhất 1 phường, xã thuộc thành phố Thủ Đức và các quận huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi hoàn tất giai đoạn thí điểm, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế sẽ phối hợp tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố triển khai nhân rộng trên toàn thành phố.
Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.