(GLO)- Nhờ lựa chọn được giống cây tốt, có nguồn gốc rõ ràng, lại chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên nhiều người trồng chanh dây có thu nhập ổn định và bền vững.
Gắn bó với cây chanh dây
Gần 7 năm gắn bó với cây chanh dây, ông Nguyễn Đức Thuận (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) đều sử dụng giống chanh dây nhập khẩu từ Đài Loan do Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp SeSan Gia Lai (thương hiệu cây giống Đức Điền-lô c27-c28 Cụm Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku) phân phối. Theo ông Thuận, giống chanh dây này khi trồng đạt tỷ lệ sống cao, hao hụt thấp (từ 5% đến 7%), cây sinh trưởng khỏe, tỷ lệ đậu quả cao, năng suất vượt trội, chất lượng quả cũng đạt yêu cầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Vườn chanh dây của ông Nguyễn Đức Thuận (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) sử dụng cây giống thương hiệu Đức Điền cho tỷ lệ đậu quả cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: M.N |
Đi giữa vườn chanh dây lúc lỉu quả, ông Thuận cho biết, gia đình ông bắt đầu trồng chanh dây từ năm 2013. Thời điểm đó, giá chanh ở mức cao (khoảng 45.000 đồng đến 47.000 đồng/kg) nên gia đình ông thu lãi lớn. Vậy là ông mở rộng diện tích đến 3 ha. Vườn chanh sau đó tiếp tục “được mùa, được giá”, nhưng do không có người chăm sóc nên ông thu hẹp diện tích xuống còn 1,4 ha và giữ ổn định từ đó đến nay. “Trước giờ, tôi chỉ sử dụng giống chanh dây của Đài Loan do Công ty SeSan Gia Lai phân phối. Với vai trò là Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hải Yang, tôi cũng dành khoảng 3 sào để trồng thử nghiệm giống chanh dây khác, nếu thành công sẽ giới thiệu cho các thành viên Hợp tác xã. Tuy nhiên, những loại cây giống này đều không đạt, tỷ lệ đậu quả và chất lượng quả không cao so với giống chanh dây tôi đang trồng”-ông Thuận cho biết.
Gia đình ông Phạm Công Sơn (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa) cũng có 3 ha chanh dây trồng giống do Công ty SeSan Gia Lai cung cấp đang vào vụ thu hoạch. So với cách đây vài năm, sản lượng chanh dây thu hoạch không cao bằng (chỉ còn từ 40 tấn đến 45 tấn/ha), giá cũng đang ở mức thấp (bình quân từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/kg) nhưng ông Sơn khẳng định so với trồng hồ tiêu hay cà phê thì trồng chanh dây vẫn cho thu nhập ổn định và cao hơn nhiều. Với phương pháp trồng gối vụ nên dù giá chanh cao hay thấp, ông vẫn có thu nhập, không lo bị thiệt. Nhiều năm nay, vườn chanh dây của gia đình ông Sơn được chăm sóc theo phương pháp sinh học nên hạn chế được nhiều loại bệnh gây hại, lúc nào cũng xanh mướt, trĩu quả. Ông cũng từng dành 3 ha trồng thử nghiệm giống chanh dây khác nhưng chất lượng quả không đạt yêu cầu nên từ đó đến nay ông chỉ sử dụng ổn định loại giống do Công ty SeSan Gia Lai cung cấp. “Thời điểm này, trồng chanh dây vẫn tốt hơn vì nhanh cho thu nhập so với các loại cây khác. Chỉ cần chú tâm chăm sóc, lấy công làm lãi, thậm chí giá chanh dây có xuống thấp nữa cũng không sợ bị lỗ vốn”-ông Sơn khẳng định.
Thu nhập ổn định
Nhiều năm trồng chanh dây, ông Thuận khẳng định: Cây chanh dây có thể xem là “cứu tinh” giúp người dân có nguồn thu nhập để vượt qua giai đoạn khó khăn khi cây cà phê, hồ tiêu mất mùa, mất giá. Hiện nay, trên địa bàn xã Hải Yang, 10 người trồng chanh dây giống do Công ty SeSan Gia Lai cung cấp thì 8 người có vườn đạt năng suất cao, số còn lại không đạt là do cách chăm sóc không bài bản hoặc chưa biết cách chăm sóc. Đơn cử, 1 ha chanh dây hiện nay cho thu hoạch khoảng 40 tấn, nếu tính giá bình quân từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cũng lãi gần 200 triệu đồng. “Nếu chuyển sang trồng theo phương pháp sinh học chẳng những tốt cho môi trường sinh thái, chi phí đầu tư giảm gần một nửa mà còn giúp cây khỏe mạnh, kéo dài thời gian thu hoạch. Thậm chí trồng chỉ để bán chanh múc (giá từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/kg) cũng lãi hơn 100 triệu đồng/ha/năm, không lo bị lỗ”-ông Sơn nói chắc nịch.
Bà Võ Trần Bích Hạnh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp SeSan Gia Lai (Cây giống Đức Điền) cho biết: “Trong thời điểm nguồn gốc giống chanh dây trôi nổi, thật-giả lẫn lộn, người dân khó có thể nhận biết chất lượng cây giống để đưa vào sản xuất. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn giúp người dân tiếp cận được nguồn giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng để sản xuất. Đó cũng là cách chúng tôi đảm bảo uy tín của doanh nghiệp”.
Cũng theo bà Hạnh, giống chanh dây nhập khẩu của Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp SeSan Gia Lai được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu từ Đài Loan về Việt Nam. Theo giấy phép, cây giống này được phép trồng và phân phối vì phía Đài Loan đã kiểm dịch trước đó và có chứng từ kèm theo từng lô hàng. “Trên chặng đường phát triển, Công ty luôn phấn đấu để có thể giao đến tay người nông dân những giống cây trồng chất lượng và sạch bệnh, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra”-bà Hạnh khẳng định.
Minh Nguyễn