Thời tiết các khu vực trên cả nước trong dịp Tết Nhâm Dần 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Khoảng ngày 28/1 (26 tháng Chạp) và ngày 31/1 (29 Tết), miền Bắc chịu ảnh hưởng của hai đợt không khí lạnh mạnh, khu vực Bắc Bộ trời nhiều mây, có mưa nhỏ, mưa phùn.
 

Các hộ trồng đào Nhật Tân nhộn nhịp phục vụ đào tết. (Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN)
Các hộ trồng đào Nhật Tân nhộn nhịp phục vụ đào tết. (Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN)


Chiều 20/1, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo phối hợp cung cấp thông tin báo chí về diễn biến thiên tai năm 2021, dự báo thiên tai năm 2022 và kế hoạch dự báo phục vụ Tết Nhâm Dần 2022.

Bắc Bộ chịu hai đợt không khí lạnh mạnh

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, nhiều khả năng từ ngày 26-28/1 (tức từ ngày 24-26 tháng Chạp) xuất hiện vùng áp thấp ở khu vực giữa và Nam Biển Đông và có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Tuy nhiên, áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển ra bên ngoài và không ảnh hưởng tới đất liền.

Trước Tết Nguyên đán, khoảng thời gian từ ngày 24-27/1 (ngày 22-25 tháng Chạp), các khu vực trong cả nước ít mưa, trời nắng ấm. "Như vậy, ngày ông Công ông Táo (ngày 25/1 tức ngày 23 tháng Chạp), cả nước thời tiết nắng ráo,” ông Lâm lưu ý.

Khoảng ngày 28/1 (26 tháng Chạp) và ngày 31/1 (29 Tết), miền Bắc chịu ảnh hưởng của hai đợt không khí lạnh mạnh. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực Bắc Bộ trời nhiều mây, có mưa nhỏ, mưa phùn, nhiệt độ vùng đồng bằng từ 13-18 độ C, vùng núi từ  8-16 độ C.

Khu vực Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa, từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế trời rét; phía Nam trời lạnh.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm lưu ý, trong dịp đón chào năm mới (ngày 31/1, tức thời khắc chuẩn bị Giao thừa và ngày 1/2, tức mùng 1 Tết Nguyên đán), khu vực Bắc Bộ mưa rét, vùng núi rét đậm, vùng núi cao có thể xảy ra rét hại. Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trời nắng ráo.

“Tết Nhâm Dần 2022, miền Bắc có khả năng xuất hiện tình trạng rét đậm ở vùng đồng bằng, rét hại vùng núi, đề phòng tình trạng băng giá ở các đỉnh núi cao”, ông Lâm nhấn mạnh.

Từ ngày 2-7/2 (mùng 2-7 Tết), không khí lạnh tiếp tục được tăng cường khiến Bắc Bộ vẫn duy trì tình trạng mưa rét. Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trời nắng ráo.

Ven biển Nam Bộ xuất hiện đợt triều cường có độ cao trung bình, kéo dài từ 29 tháng Chạp tới mùng 3 Tết.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bản tin chuyên đề Dự báo thời tiết Tết Nhâm Dần 2022 được phát hành chính thức vào lúc 16 giờ 30 ngày 22/1/2022 (tức ngày 20 tháng Chạp, năm Tân Sửu) và cập nhật hàng ngày.

Đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp

Đề cập tới diễn biến thời tiết năm 2022, Phó Giám đốc Hoàng Phúc Lâm cho hay xoáy thuận nhiệt đới (bão, áp thấp nhiệt đới, vùng áp thấp...) có khả năng xuất hiện trên Biển Đông phù hợp với quy luật khí hậu.

Số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, cần đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp.

 

(Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
(Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 6-9, xoáy thuận nhiệt đới sẽ tập trung ở khu vực Bắc và Giữa Biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Từ tháng 9-11, xoáy thuận nhiệt đới sẽ tập trung ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông, ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung Bộ trở vào phía Nam.

Tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2022 có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vào tháng 7-9 và từ tháng 9-11 ở khu vực Trung, Nam Trung Bộ.

Nhiệt độ trung bình các tháng đầu và giữa năm 2022 có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các tháng cuối năm có xu hướng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nắng nóng có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình và không gay gắt, không kéo dài.

Dòng chảy thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế gia tăng từ cuối tháng 1.

Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong các tháng 2-3 (từ 13-17/2, từ 26/2-5/3, từ 14-19/3); trên sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3- 4 (từ 14-19/3, từ 28/3-3/4, từ 12-17/4), sau giảm dần.

Ven biển Nam Bộ sẽ có 3 đợt triều cường cao vào các ngày cuối tháng 10, 11, 12.

Năm 2021, ngoài dịch COVID-19, trên thế giới, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan xảy ra trên toàn cầu cũng như Việt Nam, nhiều kỷ lục đã được ghi nhận.

Tại Việt Nam, mặc dù diễn biến thiên tai năm 2021 không lớn như năm 2020, nhưng được xem là một năm tương đối phức tạp với 18/22 loại hình thiên tai đã xuất hiện.

Với 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó bão số 9 có cường độ mạnh nhất đạt cấp 14-15, giật cấp 17. Đây là trị số gió đo được trực tiếp lớn nhất trong khoảng 40 năm qua trên hệ thống quan trắc của Việt Nam.

Hơn 40 đợt mưa lũ lớn diện rộng, trong đó đợt lũ từ ngày 28/11-3/12, đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, Gia Lai phổ biến ở mức báo động 3 và trên báo động 3, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản...

Theo Thắng Trung (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm