Thanh niên góp sức giữ gìn nghề đan lát truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tranh thủ thời gian nhàn rỗi, nhiều thanh niên Bahnar ở huyện Kông Chro bắt tay vào việc đan gùi, đan rổ... Công việc này không chỉ tạo ra sản phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày mà còn góp sức giữ gìn nghề truyền thống.

Mỗi khi rảnh rỗi, anh Đinh Văn Dếch (tổ dân phố Plei Pyang, thị trấn Kông Chro) lên rừng tìm tre, nứa, mây về đan rổ, rá, nong, nia và gùi. Theo anh Dếch, để đan được các sản phẩm bền đẹp phải chọn những cây tre, nứa không già quá hoặc non quá.

“Nếu tre già quá, khi chẻ nan sẽ dễ bị gãy, còn non quá thì sau khi đan xong, nan bị co rút, sản phẩm nhanh bị hư hỏng. Nguyên liệu sau khi lấy về được cắt thành từng đoạn, rồi chẻ thành nan, vót chuốt cho trơn tru, có kích thước khác nhau tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mình muốn đan”-anh Dếch giải thích.

thanh-nien-gop-suc-giu-gin-nghe-dan-lat-truyen-thong-bg-1619-3762.jpg
Tranh thủ lúc nông nhàn, anh Đinh Văn Dếch (tổ dân phố Plei Pyang, thị trấn Kông Chro) đan gùi, rổ, rá phục vụ đời sống. Ảnh: N.M

Vừa thoăn thoắt đan gùi, anh Dếch vừa tâm sự: Gia đình anh có 3 chị em. Theo phong tục tập quán của ông bà xưa, con trai phải biết đan lát, con gái phải biết dệt vải. Vì thế, sau mỗi ngày lên nương rẫy, mẹ anh cần mẫn chỉ dạy các chị em dệt thổ cẩm, còn cha chỉ bày cho anh cách đan gùi, nong, nia, rổ, rá, thúng, mẹt để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Cứ như vậy mà nghề đan lát thấm vào anh lúc nào không hay. Năm 15 tuổi, anh đã đan thành thạo các loại sản phẩm. Bên cạnh đó, anh còn chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những nghệ nhân, người già để tạo ra những sản phẩm bền đẹp hơn.

“Sau khi lập gia đình, tôi không phải mua rổ, rá, gùi... Tôi còn đan để tặng bố mẹ, người thân. Đây là nghề truyền thống của ông cha. Sau khi con trai lớn lên, tôi cũng sẽ truyền nghề cho con”-anh Dếch chia sẻ.

2nm-318-8658.jpg
Mỗi khi đan lát, anh Đinh Hên (làng Tờ Nung Măng, xã Ya Ma) thường cho các con, cháu ngồi quan sát nhằm lan tỏa tình yêu với nghề truyền thống tới thế hệ trẻ. Ảnh: Ngọc Minh

Nhiều năm nay, nghề đan lát đã giúp gia đình anh Đinh Hên (làng Tờ Nung Măng, xã Ya Ma) có thêm nguồn thu nhập. Anh Hên kể: Được cha hướng dẫn, chỉ bảo, năm 10 tuổi, anh đã biết đan rổ, 15 tuổi biết đan gùi. Một chiếc gùi đẹp đan 20-30 ngày mới xong; khó nhất là việc bố trí họa tiết, hoa văn, quai gùi sao cho cân đối, hài hòa. Còn đan rổ, rá, nong, nia thì 1-5 ngày là hoàn thiện 1 sản phẩm.

Chỉ tay lên gác bếp treo những chiếc gùi, rổ, cạp tre đen bóng, anh Hên tâm sự: “Tôi thường tranh thủ lúc sáng sớm, chiều tối hay lúc nông nhàn để hoàn thiện sản phẩm, sau đó gác bếp để hun khói tránh mối mọt. Khi ai cần hỏi mua, tôi bán kiếm thêm thu nhập. Giá rổ khoảng 20-200 ngàn đồng/chiếc; nong, nia, thúng 150-300 ngàn đồng/chiếc; gùi từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/chiếc. Mỗi tháng, tôi thu nhập 1-2 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng giúp tôi trang trải cuộc sống. Tôi rất tự hào về nghề đan lát của ông cha”.

Chị Đinh Thị Nguyên-Bí thư Đoàn xã Ya Ma-cho hay: Toàn xã có hơn 380 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó, khoảng 35% ĐVTN biết đan lát, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Theo phong tục của người Bahnar ở Kông Chro, đan lát thường do đàn ông đảm nhận và truyền nghề cho con trai.

“Những năm qua, công tác bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để ĐVTN phát huy năng khiếu. Cùng với đó, thông qua các hoạt động văn hóa-văn nghệ, tuyên truyền, vận động, một số ĐVTN đã nhận thức sâu sắc hơn về việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhờ đó, nghề đan lát truyền thống luôn được duy trì, tiếp nối”-chị Nguyên thông tin.

Trao đổi với P.V, anh Đinh Thế Song-Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện-cho biết: Hiện có khoảng 20% thanh niên dân tộc thiểu số ở độ tuổi 16-30 biết đan lát. Thời gian qua, Huyện Đoàn phối hợp với ngành Văn hóa tổ chức liên hoan văn hóa-văn nghệ, triển lãm các vật dụng truyền thống của người Bahnar thu hút đông đảo ĐVTN tham gia.

Huyện Đoàn đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương vận động các nghệ nhân, người giỏi đan lát truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ để nghề đan lát không bị mai một, thất truyền.

“Thời gian đến, Huyện Đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ĐVTN, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; phối hợp tổ chức các sân chơi, hoạt động và mở lớp truyền dạy kinh nghiệm, kỹ thuật nâng cao tay nghề đan lát cho ĐVTN. Đồng thời, khuyến khích ĐVTN tham gia các cuộc thi về đan lát do các cấp, ngành tổ chức”-anh Song nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp

Đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp

(GLO)- Ngày nay, khởi nghiệp không còn là vấn đề xa lạ đối với đội ngũ học sinh, sinh viên (HSSV) trong các cơ sở giáo dục. Vì vậy, thúc đẩy và phát huy tinh thần khởi nghiệp trong HSSV sẽ giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm để biến ý tưởng thành hiện thực.

Bất động sản vùng ven Pleiku: Cơ hội cho người thu nhập thấp?

Bất động sản vùng ven Pleiku: Cơ hội cho người thu nhập thấp

(GLO)- Giá bất động sản tại khu vực trung tâm TP. Pleiku vẫn dao động ở mức khá cao so với khả năng của những người có thu nhập thấp. Vì vậy, xu hướng tìm kiếm bất động sản vùng ven, cách xa nội thành đang được nhiều người, nhất là người có thu nhập thấp lùng mua để tìm chốn an cư.

Những phụ nữ tự tin khởi nghiệp

Những phụ nữ tự tin khởi nghiệp

(GLO)- Tận dụng lợi thế công nghệ 4.0, nhiều chị em phụ nữ ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã tự tin khởi nghiệp bằng những mô hình hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Siu Phớt: Chi hội trưởng phụ nữ “hai giỏi”

Siu Phớt: Chi hội trưởng phụ nữ “hai giỏi”

(GLO)- Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Khối Zét (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), chị Siu Phớt không chỉ trách nhiệm với công tác Hội mà còn là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Chị là tấm gương phụ nữ “hai giỏi” của địa phương.
Cô gái 9X bỏ phố về quê lập nghiệp

Cô gái 9X bỏ phố về quê lập nghiệp

Năm 2013, tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Tây Nguyên, chị Phạm Thị Thanh Loan (SN 1991, ở thôn 11 xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) tiếp tục ra Hà Nội vừa học, vừa làm thêm ngành thiết kế thời trang…
“Đón đầu” cơ hội nghề nghiệp mới

“Đón đầu” cơ hội nghề nghiệp mới

(GLO)- Mới đây, nhiều người không khỏi bất ngờ trước thông tin Trường Đại học Y Hà Nội công bố danh sách thí sinh được tuyển thẳng, trong đó có 19 học sinh giỏi môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý vào ngành Tâm lý học. Việc thí sinh khối C được tuyển vào học ngành Y tế là điều chưa từng có trước đây.
Cử nhân về quê nuôi dê

Cử nhân về quê nuôi dê

Tốt nghiệp cử nhân đại học, chàng trai người dân tộc Khơ Mú Moong Bá Nghĩa quyết định rời thủ đô, trở về quê ở Nghệ An dựa vào núi rừng lập nghiệp.