Tết ở phố cổ Hội An

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Rất nhiều năm trở lại đây, nhiều du khách trong và ngoài nước đã đến với Di sản văn hóa thế giới Hội An, cùng người dân phố cổ đón Tết cổ truyền của Việt Nam.

Những lễ nghi, phong tục, những nét đẹp văn hóa ngày Tết ở Hội An - nơi hơn 500 năm trước từng là cảng thị Faifo sầm uất hội nhập nhiều nền văn hóa từ những thuyền buôn, thương nhân khắp thế giới đến và đi trên con đường tơ lụa nổi tiếng từ hồi cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 - được người dân nơi đây giữ gìn và hấp dẫn du khách tìm hiểu, trải nghiệm.

 

Không gian bình yên ngày Tết ở Hội An
Không gian bình yên ngày Tết ở Hội An


Tết về trên phố

Bao giờ là Tết đã chạm chân đến Hội An? Ấy là khi khắp trong không gian phố, đâu đâu cũng thoang thoảng hương trầm. Bạn tôi, người phố Hội đi du học ở nước ngoài, kể rằng, có lần đi qua một ngôi chùa có phong cách châu Á hiếm hoi ở nước sở tại, đã dừng lại thật lâu, hít hà và nhớ hương Tết ở quê nhà chảy nước mắt. Tết ở Hội An, trong không gian mùi hương trầm quyện trong từng hơi thở ấy, những mầm rêu mới trở mình xanh nõn trong làn mưa xuân phơi phới bay, thay màu áo mới cho vạn mái ngói âm dương của những đình, chùa, nhà cổ đã đếm từng nhịp xuân - hạ - thu - đông - rồi lại xuân hàng bao thế kỷ qua. Những cây nêu phất phơ dải lụa đỏ báo hiệu Tết đã về trước những sân chùa, sân đình. Và những hiên nhà phố cũng tươi thắm sắc xuân với những cặp chậu hoa mai vàng, hay hoa thược dược, hoa mãn đình hồng, hoa cúc đại đóa... đặt ngay ngắn hai bên thềm dẫn lối vào nhà. Tết đã gõ cửa từng nhà dân phố Hội.

 

Cây nêu báo hiệu đang Tết nguyên đán ở Hội An
Cây nêu báo hiệu đang Tết nguyên đán ở Hội An


Phố phường Hội An những ngày Tết rộn ràng vui với những trò chơi dân gian có thể kể như hô hát bài chòi, chơi cờ người, múa hát sắc bùa… Những trò chơi dân gian tưởng chỉ còn là hồi ức xa xưa, từ những “ngày còn nhỏ xíu” của người dân phố Hội, nay được hồi sinh theo bước chân du khách tìm về muốn cảm nhận đúng chất không khí, văn hóa ngày Tết cổ truyền của bản địa.

Tết gõ cửa từng nhà

Tết rộn ràng trong những nếp nhà phố Hội. Đêm giao thừa, người nhà tất bật ráng lau dọn bàn thờ gia tiên cho thật sạch sẽ, bày biện hương hoa, bánh Tết sẵn sàng đợi thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Phút giao thừa, khi pháo hoa bừng sáng ở Quảng trường sông Hoài và lung linh trong vạn đáy mắt đang ngước nhìn những sắc màu rộn rã trên không đầy niềm vui và hy vọng, thì trong những nếp nhà phố, gia chủ áo quần chỉnh chu, kính cẩn đứng trước bàn thờ gia tiên, rồi ra bàn thờ đặt ngay thềm nhà, lầm rầm nguyện cầu những điều tốt đẹp cho năm mới vừa tới.

 

Thiếu nữ trong đoàn múa hát sắc bùa dán lộc may mắn cho nhà dân.
Thiếu nữ trong đoàn múa hát sắc bùa dán lộc may mắn cho nhà dân.


Ngay khi cúng giao thừa xong, hay sáng sớm đầu năm mới, theo từng thứ bậc trong nhà, người nhà chúc Tết, lì xì mừng tuổi và mời nhau miếng bánh, ly trà nóng. Bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in là bốn thứ bánh Tết hầu như không thiếu trong nhà người Hội An, và cũng là phong tục xứ Quảng xưa nay. Đã có lời lý giải rằng bánh tét, bánh tổ gói trong đó tấm lòng nhớ về nguồn cội; bánh nổ, bánh in gói trong đó hy vọng một năm mới mọi sự như ý, giòn giã, vẹn tròn.
 

Người dân chúc du khách nhiều may mắn trong đêm giao thừa, đón năm mới
Người dân chúc du khách nhiều may mắn trong đêm giao thừa, đón năm mới


Có những tục kiêng kỵ ở Hội An trong ngày Tết ví như không cho lửa để khỏi làm mất hên (may mắn) trong năm mới, không tùy tiện “xông đất” vì thường nhà dân ở đây rất coi trọng người “xông đất” năm mới, có nhà kỹ lưỡng dặn trước người “xông đất”; song cũng có nhà lại quan niệm mọi việc nên để tùy duyên để đoán gia vận trong năm mới dựa vào năm tuổi, tính cách của người “xông đất”. “Xuất hành” đầu năm, người dân địa phương thường hay lễ chùa, thăm mộ trước rồi thăm nhà nhau. Trước thăm nhà ông bà, cha mẹ, người thân, đến thăm thầy cô, bạn bè, lối xóm. Nên ăn vận tươm tất, nói năng nhã nhặn khi đến thăm nhà nhau trong những ngày Tết cổ truyền.
 

 


Cùng người dân phố cổ đón Tết nguyên đán chắc hẳn là trải nghiệm khó quên với du khách ở Hội An trong dịp đặc biệt này. Nhất là cung bậc cảm xúc thiêng liêng truyền thần từ không gian yên bình, cổ kính nơi đây. Trong những thanh âm rộn rã ngày xuân, lòng người đi giữa phố Hội những ngày đầu năm mới, vẫn có chút lắng lòng giữa những con đường nho nhỏ, cong như một cánh cung đầy, tự hỏi qua hàng bao thế kỷ, những mái ngói đã thâm nâu mà sao năm này sang năm nọ phố vẫn như trẻ mãi không già trong từng nụ cười, ánh mắt dễ bất chợt bắt gặp trên đường phố Hội An.

Người Hội An yêu Hội An, hẳn nhiên rồi. Mà người nơi đâu đến Hội An dường như cũng dễ phải lòng Hoài phố (gọi theo tên con sông Hoài ở Hội An), như thi sĩ Chế Lan Viên từng có đôi dòng thơ: “Hội An không là quê. Mà là hương, khổ thế! Quên quê - ai có thể. Hương ư? Ôi dễ gì…” . “Hương” ấy có thể là như trong giai thoại là hương mối tình đầu của thi sĩ ở Hội An. Mà “hương” ấy, như trong cảm nhận của người viết bài này và của bao lữ khách từng đặt chân qua đây, giống như mùi hương của “văn hóa trầm tích ngàn năm” đọng trong lòng người từng dạo qua những ngõ nhỏ, phố nhỏ bình yên bên dòng sông Hoài nơi phố Hội. “Hương” ấy cũng có thể hương trầm quyện trong từng hơi thở, lưu luyến mãi trong lòng người yêu phố Hội từ những ngày Tết ở Hội An.

Theo Dantri

Có thể bạn quan tâm

Du xuân trên biên giới

Du xuân trên biên giới

(GLO)- Ia Grai là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Anh hùng Rơ Châm Ớt và Anh hùng A Sanh. Và giờ đây, Ia Grai lại được biết đến với những danh thắng kỳ thú được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất biên giới này.
Đi chợ tết Lao Chải

Đi chợ tết Lao Chải

Lao Chải ở bên này cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang, nơi nổi tiếng với núi non cao chất ngất, uy nghi, huyền bí; nơi phía nào cũng đối mặt với non xanh mây trắng. Còn ở phía bên kia cao nguyên đá, những cây ngô vừa bật mầm, những cây rơm lùn vàng sậm đẹp như tranh.
Sôi nổi lễ hội đua thuyền ở Cửa Tùng

Sôi nổi lễ hội đua thuyền ở Cửa Tùng

(GLO)- Đã thành truyền thống, cứ vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, lễ hội đua thuyền truyền thống của ngư dân Cửa Tùng lại diễn ra tạo khí thế hào hứng, sôi nổi dịp đầu Xuân. Lễ hội đua thuyền truyền thống là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) với mong muốn một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Trẩy hội đường hoa…

Trẩy hội đường hoa…

(GLO)- Tết này, Pleiku thốt nhiên chuyển mình trở lạnh trong cái nắng vàng tươi rực rỡ. Trời thốt nhiên trong hơn, gió thốt nhiên dịu dàng, thơm màu no ấm. Vào mỗi sáng sớm hay khi muộn chiều, chút se lạnh đến nao lòng ùa về-cái lạnh đủ để cho mỗi chúng ta hòa mình vào phố trong hơi ấm tình thân. Trong khoảnh khắc diệu kỳ ấy, khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết bỗng trở nên khoáng đạt hơn, rộng dài hơn, tươi mới hơn trong ăm ắp nói cười, trong rực rỡ sắc hoa. Là bởi, nơi này đã và đang trở thành một trong những điểm du Xuân không thể thiếu của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây, năm nào khu vực Quảng trường cũng được dành riêng cho việc tổ chức đường hoa.