(GLO)- Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO)- là sự kiện đang thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là các nhà đầu tư. Nằm trong hệ thống BIDV và là đơn vị có quy mô, tốc độ phát triển mạnh, ông Lâm Quốc Vinh- Giám đốc Chi nhánh BIDV Gia Lai, cho biết:
Quá trình hội nhập và phát triển theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, có việc cổ phần hóa (CPH) các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đó là yêu cầu có tính tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và trong xu thế hội nhập. Quá trình này đã được cân nhắc thực hiện, trước đây đối với các ngân hàng thương mại nhà nước là Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Ngoại thương và bây giờ là thời điểm chín mùi để CPH Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Mục tiêu CPH là để BIDV trở thành ngân hàng đa sở hữu. Việc IPO lần này không phải là bán bớt phần vốn nhà nước sở hữu mà là để tăng thêm vốn điều lệ từ 24 ngàn tỷ đồng lên trên 28 ngàn tỷ đồng, làm tăng năng lực tài chính quản trị điều hành, để ngân hàng mạnh hơn, xứng đáng là công cụ xây dựng cơ sở vật chất của nền kinh tế đất nước.
Ảnh: Kim Yến |
- Ông có thể cho biết quá trình triển khai CPH BIDV?
Việc CPH BIDV đã được tính toán và chuẩn bị từ khá lâu và nay là thời điểm chín mùi để triển khai thực hiện. Quá trình này tiến hành làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ năm 2011 đến 2012, Nhà nước nắm giữ 78% vốn, 22% phát hành cho cán bộ, công nhân viên, Công đoàn BIDV, nhà đầu tư chiến lược và công chúng. Giai đoạn II kể từ 2012 trở đi, với mục tiêu tăng phần vốn của nhà đầu tư chiến lược lên và phần vốn của Nhà nước còn 65%. Với 2 giai đoạn này, BIDV vẫn là ngân hàng, là công cụ của Nhà nước, không chỉ tăng năng lực tài chính, quản trị, sức cạnh tranh mà còn thu hút năng lực từ các nhà đầu tư bên ngoài. Theo lộ trình, ngày 2-12 công bố giá trị doanh nghiệp và ngày 21-12 đăng ký đấu giá. Dự kiến 28-12 sẽ tổ chức đấu giá và bán cho cán bộ, công nhân viên trước ngày 31-12-2011. BIDV sẽ tổ chức đại hội cổ đông lần đầu và chuyển đổi thành ngân hàng cổ phần vào quý I-2012 và dự kiến niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vào quý III-2012. Hiện giá khởi điểm của đợt IPO chưa được công bố do đợi phê duyệt của Chính phủ. Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) là đơn vị tư vấn CPH.
- Sự khác biệt của BIDV so với các đối thủ cạnh tranh sau khi CPH?
BIDV trước đây là ngân hàng phục vụ đầu tư phát triển đất nước với việc tập trung cung cấp vốn cho các dự án trung và dài hạn. Nối tiếp chiến lược giai đoạn 2006-2010, giai đoạn 2011-2012, Ngân hàng chú trọng hoạt động bán lẻ, phấn đấu chiếm thị phần lớn trên thị trường. Trong thời gian tới, Ngân hàng đặt mục tiêu nâng tỷ trọng vốn huy động dân cư lên 50% vào năm 2015 và tín dụng bán lẻ 18%, đứng trong top 3 ngân hàng bán lẻ có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Hiện BIDV có mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh thành với 114 chi nhánh, 373 phòng giao dịch, 142 quỹ tiết kiệm và đang mở rộng hoạt động ở các nước khu vực và châu Âu. Là Ngân hàng đi đầu trong việc phát triển sản phẩm phái sinh, đặc biệt là phái sinh hàng hóa. Đây là ngân hàng có truyền thống phục vụ đầu tư phát triển quốc gia, có quan hệ tốt với các cơ quan Nhà nước, Chính phủ, tiếp nhận các nguồn vốn lớn ODA và ủy thác từ các tổ chức tài chính uy tín trên thế giới.
Chiến lược kinh doanh của BIDV là lấy khách hàng làm trung tâm, chuyển đổi mô hình tổ chức theo các khối kinh doanh: Bán buôn-bán lẻ-kinh doanh vốn. Tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ theo nhu cầu theo phân khúc khách hàng theo, chủ động tiếp cận khách hàng mục tiêu, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ đa dạng, đa tiện ích, chất lượng cao.
- Đi đầu thực hiện hạ lãi suất cho vay, sắp tới BIDV có tiếp tục thực hiện chính sách này để hỗ trợ doanh nghiệp?
Đồng hành cùng doanh nghiệp, năm 2011, BIDV đã 3 lần điều chỉnh lãi suất cho vay, hiện lãi suất cho vay thông thường của BIDV ở mức 17-17,5%/năm, thấp nhất trên thị trường. Riêng 4 lĩnh vực ưu tiên: Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn, tài trợ xuất nhập khẩu, công nghiệp hỗ trợ, BIDV dành riêng gói hỗ trợ 1.500 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 1,5-2,0%/năm so với cho vay thông thường. Thời gian tới, dựa trên khả năng cân đối nguồn vốn, BIDV sẽ xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp.
- Ông nhìn nhận như thế nào về mối quan tâm của dư luận cũng như của cán bộ, công nhân viên trong hệ thống và đơn vị về đợt IPO lần này?
Trên dưới 16 ngàn cán bộ, công nhân viên trong toàn hệ thống BIDV sẽ có được cổ phần ưu đãi, có thể mua thêm cũng như vận động gia đình mua cổ phần. Như đã nói, lẽ ra việc CPH này sẽ diễn ra sớm hơn, nhưng đến thời điểm này BIDV mới quyết định IPO và được Chính phủ chấp nhận là thời điểm chín mùi và phù hợp nhất, đáp ứng mong đợi của cán bộ, công nhân viên trong hệ thống và các nhà đầu tư. Cán bộ, công nhân viên BIDV sở hữu cổ phần ít nhiều thì họ đều là những người chủ, từng dày công đóng góp và vì vậy tâm trạng chung là hồ hởi. Đợt IPO thành công sẽ là nguồn sức mạnh để BIDV trong đó có Chi nhánh Gia Lai phát triển lên một tầm cao mới, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Chuẩn bị chu đáo, thời điểm chín mùi nên đợt IPO chắc chắn thuận lợi, không lặp lại những khiếm khuyết như một số ngân hàng trước đó.
- Xin cảm ơn ông!
Thất Sơn (thực hiện)