(GLO)- Trong những năm gần đây, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp nhằm thu hút đầu tư từ các tầng lớp dân cư và doanh nghiệp vào khai thác những tiềm năng sẵn có của tỉnh để phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, khu vực kinh tế dân doanh đã phát triển mạnh mẽ, đa dạng cả về quy mô, số lượng, năng lực và hiệu quả hoạt động, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.
Khẳng định vai trò
Trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến nay, khu vực kinh tế dân doanh luôn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các thành phần kinh tế còn lại và luôn trên 15%. Xét cơ cấu kinh tế theo thành phần, nếu khu vực kinh tế nhà nước có tỷ trọng giảm dần từ 40,7% (năm 2005) còn 34,3% (năm 2010); khu vực kinh tế tập thể đã giảm chỉ còn hơn 1% GDP, thì khu vực dân doanh có tỷ trọng ngày càng tăng, từ 56,4% (năm 2005) tăng lên 64,4% (năm 2010). Điều đó chứng tỏ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu hướng tăng dần ở khu vực kinh tế tư nhân và giảm dần khu vực kinh tế tập thể và nhà nước, nhất là khi chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân đã thúc đẩy người dân mạnh dạn đưa các nguồn lực vào kinh doanh khiến khu vực kinh tế này không ngừng tăng lên.
Trụ sở chính của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: K.N.B |
Thống kê của Cục Thuế tỉnh cho thấy, sự tăng nhanh về số lượng của cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Từ hơn 21 ngàn hộ năm 2005, lượng hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kê khai thuế đã tăng lên hơn 33 ngàn hộ năm 2010. Số hộ kinh doanh này đóng góp cho sự phát triển kinh tế của tỉnh theo nhiều cách như đóng góp vào sản lượng, nộp thuế và chính họ phát triển lên trở thành các doanh nghiệp lớn hơn. Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp cũng tăng đều qua các năm từ 663 doanh nghiệp (năm 2005) lên 2.190 doanh nghiệp (năm 2010), riêng trong năm 2011 đã có gần 500 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên gần 3.600 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 16.000 tỷ đồng.
Cần sự hậu thuẫn mạnh
Nhìn chung khu vực kinh tế tư nhân đã có bước phát triển lớn và đóng góp ngày càng nhiều vào kinh tế của tỉnh với khoảng 50% tổng doanh thu thuế của tỉnh trong những năm qua. Nhưng số doanh nghiệp chưa nhiều mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh (định hướng tới cần phải phát triển doanh nghiệp mạnh hơn từ số hộ kinh doanh đã đăng ký nộp thuế để tạo nguồn thu thuế nhiều hơn). Tuy vậy, trước tình hình khó khăn như hiện tại, nhiều doanh nghiệp dân doanh đã đồng loạt lên tiếng, chủ yếu về vấn đề tiếp cận vốn. Mặc dù sự gia tăng số lượng doanh nghiệp với tốc độ nhanh như thời gian qua đã chứng minh cho những cải thiện môi trường đầu tư, sự đồng hành của địa phương với các doanh nghiệp, song vốn dường như vẫn luôn là một câu hỏi lớn. Tình hình đó khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán buộc phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc phải giải thể, phá sản.
Ngoài ra, trong những cuộc gặp mặt doanh nghiệp định kỳ hàng năm, nhiều doanh nhân đã lên tiếng rằng sự khó khăn của doanh nghiệp họ không từ khách quan mà chính bởi những chính sách chưa thực sự công bằng. Không ít doanh nhân thẳng thắn cho rằng các doanh nghiệp khu vực dân doanh ít được nhận các dự án lớn, các dự án của Nhà nước; bất công bằng trong đấu thầu. Nhà nước đưa ra khá nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, song trên thực tế không hoàn toàn được như vậy. Minh chứng rõ ràng nhất có thể nói đến là chính sách lãi suất hiện nay hoàn toàn bất lợi đối với nhà sản xuất.
Ông Trần Thế Vinh-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư từng đề xuất: “Chính quyền nên thực hiện tốt và hiệu quả hơn nữa công tác đối thoại, gặp gỡ với các doanh nghiệp để nhân đó phổ biến những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước của tỉnh về hành lang pháp lý, về giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh tiếp thu những phản ánh của doanh nghiệp về những vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh và đề ra các giải pháp tháo gỡ”.
Hà Duy