Trải qua bao biến động của lịch sử, lò lu Đại Hưng (Bình Dương) vẫn giữ được những phương thức sản xuất theo lối thủ công truyền thống: nặn gốm bằng tay, nung bằng củi, màu sắc cổ điển, nguyên vật liệu khai thác tại địa phương và không sử dụng kĩ thuật, máy móc hiện đại.
|
Toàn cảnh lò lu Đại Hưng rộng gần 11.000m2 có lịch sử gần 160 năm ở Bình Dương. |
Lò lu Đại Hưng nằm cách trung tâm Thủ Dầu Một khoảng 3km về phía Bắc thuộc khu phố 1, phường Tương Bình Hiệp (thành phố Thủ Dầu Một). Tháng 10/2006, lò lu Đại Hưng được công nhận là Di tích cấp tỉnh.
|
Sản phẩm được sản xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống. |
|
Những phần riêng lẻ của chiếc lu được phơi khô trước khi lắp rồi đem nung. |
Lò lu Đại Hưng là một trong những lò gốm tồn tại gần 160 năm tuổi. Các sản phẩm chủ yếu là lu, chum, vại, khạp, hũ... được sản xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và đời sống hàng ngày của người dân.
|
Công đoạn tráng men cho các sản phẩm lu. |
Trung bình mỗi tháng, lò lu Đại Hưng xuất xưởng khoảng 1 triệu lu lớn, nhỏ. Sản phẩm được tiêu thụ khá nhiều ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu sang Campuchia.
|
Những chi tiết của chiếc lu được phơi khô trước khi lắp ráp rồi đem nung. |
|
Lò nung Đại Hưng là kiểu lò bao, với hình cuốn như vỏ sò úp nối nhau từ thấp đến cao. Có tổng cộng 15 lò. Hai bên lò có cửa để đưa sản phẩm vào. Sau khi chất đầy sản phẩm vào lò, các cửa lò sẽ được xây trám, bịt kín, chỉ chừa một lỗ nhỏ để tiếp củi vào và quan sát lửa. Lò được đốt trong 4-6 tiếng. |
Hai mặt hàng chủ yếu của Lò lu Đại Hưng là lu và khạp. Loại lu lớn nhất có thể chứa đến 220 lít nước với hoa văn trang trí thường là hình các con rồng, phượng đắp nổi; khạp nhỏ hơn lu và có màu chủ đạo là màu da bò, da lươn.
|
Lu sau khi nung xong được đưa ra ngoài. |
|
Tráng rửa lu để vận chuyển đi tiêu thụ. |
|
Sản phẩm lu Đại Hưng được người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng và còn xuất khẩu sang Campuchia. |
Mạnh Linh/Báo Tin tức