Ký ức củ mài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 46 năm thống nhất đất nước, cái đói không còn ám ảnh người dân xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Nhưng trong ký ức của nhiều người, củ mài-một loại củ rừng đã giúp cứu đói trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và những năm đầu sau ngày hòa bình vẫn còn sâu đậm.
Nhắc đến củ mài, già làng Kpă Pryt (buôn Ia Rnho) bồi hồi: “Trong nhiều loại củ rừng, rau rừng chống đói cho người dân vùng này, củ mài vẫn được xem là số 1”. Già làng Pryt kể, Đất Bằng có địa hình khá đặc biệt với núi nối vào nhau liên hoàn. Sâu trong những dãy núi chính là “thánh địa” của cây củ mài.
Sau ngày giải phóng, cuộc sống vẫn đói khổ, già trẻ, gái trai đều phải lên núi đào củ mài. Có những ngày cả làng hơn 50 gia đình Jrai lên núi tìm củ mài về ăn chống đói. Vì vậy, đến trẻ con cũng nhận diện được cây mài giữa mênh mông cây rừng.
Củ mài có 3 loại, loại củ có vỏ màu đỏ hồng, loại có vỏ màu nâu vàng, ruột hơi ngà và loại có ruột trắng muốt. Cả 3 đều có chung đặc điểm dễ nhận ra là lá xanh đậm hình trái tim, thân to bằng bắp tay người lớn, nhưng lại là loại dây leo tựa như cây sắn dây. Ngon nhất và cũng khó tìm nhất là loại củ mọc sâu trong rừng, có vỏ màu nâu vàng, ruột trắng mềm. Các loại củ mài nói chung chỉ ngon nhất khi dây đã lụi, lúc đó củ mài già nên ăn bùi hơn.
“Củ mài ăn sâu vào lòng đất cả mét, rất khó đào. Ở chỗ thuận lợi thì nhường cho đàn bà, trẻ em, còn thanh niên khỏe mạnh thì vào sâu trong rừng hoặc lên trên đỉnh núi cao. Hình như cây củ mài mọc ở nơi hiểm trở thì càng ngon. Cũng có khi các gia đình dắt díu nhau đi sâu vào rừng ở 2-3 ngày để tìm loại củ ngon nhất về ăn cho đỡ ngán”-ông Pryt kể.
Già làng Pryt cho biết thêm, củ mài đào về lột vỏ và rửa cho bớt nhớt, sau đó cắt khúc hấp cơm, nhưng thường chỉ 1 phần gạo “cõng” 4-5 phần củ mài. Hoặc khi hết gạo, củ mài đem nấu canh và thả vào vài cọng rau rừng ăn thay cơm. “Bây giờ thỉnh thoảng ăn thấy ngon chứ hồi đó dọn mâm cơm, thấy củ mài nhiều trẻ nhỏ khóc ré lên”-già Pryt nhớ lại.
Ấy thế mà có những năm củ mài trên núi không đủ cứu đói, có nhà lên núi cả ngày phải về tay không, phải nhờ người trong buôn san sẻ. “Những năm 2001-2002, một số gia đình vẫn còn đi đào củ mài về ăn. Có nhà phải ăn độn vì thiếu gạo, nhưng cũng có người ăn vì nhớ hương vị của nó”-ông Pryt nói rồi cười xòa.
Ký ức về củ mài vẫn được các thế hệ ở Đất Bằng nhắc nhớ trong những câu chuyện hàng ngày. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ký ức về củ mài vẫn được các thế hệ ở Đất Bằng nhắc nhớ trong những câu chuyện hàng ngày. Ảnh: Hoàng Ngọc
Thuộc thế hệ 9X, chị Hnen sinh ra khi cái đói đã lùi xa. Chị cũng có những kỷ niệm với loại củ chống đói này khi được nghe kể từ người già. Dường như củ mài và những ký ức của một thời đói cơm lạt muối đã trở thành kỷ niệm chung của làng.
“Mình cũng từng theo người lớn lên núi đào củ mài vài lần. Nhưng thế hệ mình không phải ăn mài độn cơm mà vì tò mò và muốn nếm thử hương vị của nó. Cha mình cùng thời với già làng Pryt, cũng từng chiến đấu ở vùng Đất Bằng. Những câu chuyện như vậy làm mình tự hào vì ngay trong những năm tháng đói khổ nhất, người Jrai vẫn một lòng tin theo cách mạng, góp phần làm nên truyền thống vẻ vang cho vùng đất anh hùng”-Hnen nói.
Vài năm trở lại đây, khi tôi theo đuổi chế độ ăn thực dưỡng (chú trọng các nhóm thực phẩm lành mạnh, có nguồn gốc tự nhiên) và tập thể dục cường độ cao, được khuyến khích ăn củ hoài sơn (củ mài) trong thực đơn. Không chỉ là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, hoài sơn còn là một loại dược liệu, một vị thuốc quý trong Đông y. Giá trị dinh dưỡng cao, củ mài không chỉ chống đói cho người Tây Nguyên trong thời gian dài mà còn giúp họ khỏe mạnh, thông tuệ, sáng tạo những giá trị văn hóa đặc sắc.
Trong từ điển dược liệu phương Tây, củ mài là loài thực vật thuộc họ củ nâu (Dioscoreaceae), tên khoa học là Dioscorea Persimilis. Đây là loại cây phát triển mạnh ở rừng núi nhiệt đới. Do có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nên hiện nay, nhiều bài thuốc bổ có thành phần của loại củ này. Một số địa phương ở miền núi phía Bắc đã trồng và khai thác cây củ mài để phát triển kinh tế.
Còn ở vùng căn cứ kháng chiến Đất Bằng, già Pryt cho biết, củ mài vẫn còn nhiều trên các ngọn núi, trong những cánh rừng mênh mông. “Bây giờ, đời sống no đủ nên không còn ai phải lên núi đào củ mài ăn thay cơm nữa. Nó chỉ còn trong ký ức mà thôi”-già làng hồn hậu cho biết.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Phường Tây Sơn dẫn đầu toàn tỉnh về thực hiện chiến dịch 100 ngày đêm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công

Phường Tây Sơn dẫn đầu toàn tỉnh về thực hiện chiến dịch 100 ngày đêm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công

(GLO)- Thực hiện chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công” trên địa bàn tỉnh Gia Lai (từ 22-3 đến 29-6-2024), phường Tây Sơn (TP. Pleiku) đang xếp thứ nhất trên 220 xã, phường toàn tỉnh về chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

(GLO)- Bằng nhiều hoạt động mang tính thiết thực, cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch) đã giúp nhiều hộ dân ở xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

(GLO)- Cùng với việc UBND tỉnh Gia Lai công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở một số khu vực sạt lở nguy hiểm trên địa bàn huyện Ia Pa, dự án xây bờ kè chống sạt lở cũng được triển khai nhằm ổn định đời sống người dân.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.
Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.