Ngỡ ngàng vẻ đẹp thác Nhà Thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc đời thật lắm duyên may, cứ đẩy ta rời xa vùng đất này lại đưa ta đến một vùng đất khác. Chợt nhớ lại cái lần tìm về bên thác Nhà Thương, một “báu vật” của buôn làng Tây Nguyên tưởng chừng đã bị lãng quên theo ngày tháng.

Cái tên “thác Nhà Thương” khá lạ lẫm với những du khách lần đầu tiên đặt chân đến nhưng lại rất đỗi thân thuộc với người dân xã Ia Ga (huyện Chư Prông) bởi đây được xem là “bệnh viện dã chiến” gắn liền với chiến thắng Plei Me trong suốt những trận đầu đánh Mỹ của quân đội ta trên chiến trường Tây Nguyên. Tương truyền ngay cửa thác, phía sau dòng chảy trắng xóa kia có một hang động là nơi trú ẩn của chiến sĩ ta khi bị thương sau những lần quần thảo với giặc. Đoạn đường từ trung tâm huyện vào tới thác chỉ chừng 20 km nhưng là cả dặm dài của nhiệt huyết và say mê.

 

Vẻ đẹp của thác Nhà Thương khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng. Ảnh: L.H
Vẻ đẹp của thác Nhà Thương khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng. Ảnh: L.H

Đồng hành cùng tôi buổi trưa hôm ấy là thầy giáo Nguyễn Văn Kiều (người đã có hơn 20 năm gắn bó với buôn làng) và một cậu học trò nhỏ. 3 con người dìu nhau qua những con đường ngai ngái mùi bùn sau trận mưa đêm, có đoạn phải đi bằng chân đất, có đoạn vết chân hằn lên đá cuội, len lỏi vào từng bụi cỏ bờ gai. Nhưng khi tận mắt ngắm nhìn con thác lọt thỏm giữa đại ngàn thì tôi mới vỡ òa, không thể tin nổi những gì trong tầm mắt.

Ở đây, mé bên này thác, những hòn đá mồ côi xếp chồng lên nhau, trũng xuống dải đất gồ ghề, ôm lấy mầm hoa tím đậu xao xuyến giữa mây ngàn. Những cơn gió chưa bao giờ ngừng lang thang qua thảm hoa dại, cuốn chút hương cuối mùa bay lên giữa miền rừng xanh vô tận. Mé bên này, con suối nhỏ róc rách len giữa mạch rừng, loang cả một vệt trắng xóa như mải mê giấu nắng trong lòng. Cây rừng, hoa rừng cứ “giậu đổ” triền miên. Có thể đó là nét phác thảo chưa tròn đầy trong một bức ảnh chụp vội nhưng vô cùng nền nã.

Thác Nhà Thương là một tặng phẩm của đất trời, dũng mãnh mà mềm mại khôn cùng. Chúng tôi bấu 10 đầu ngón chân vào mỏm đá, lội hết con suối vào tận cửa thác để ngắm nhìn. Thác cao chỉ chừng 5 m, đổ giữa lưng chừng núi như tấm mành buông xuống, nhóm lên màu khói giữa màu nắng đục của đôi bờ mùa mưa. Nước xoáy vào đá rồi tràn đi, trơ lại những mỏm xanh rêu thì thầm hoang hoải. Có mỏm đá lầm lũi té nước thành trăm mảnh nhỏ đổ xuống hồ, cứ mỗi phút lại đem đến cho thác một luồng sinh khí mới. Hang động năm xưa vẫn còn nguyên đó, phủ xanh bởi lớp đá sẫm màu.

Giữa vạt rừng, em bé Jrai theo cha đi rẫy không về, nằm giữa mảnh áo tơi say giấc trưa nồng, bên kia là thác đổ… Ia Ga trỗi dậy màu xanh của mây ngàn đá núi. Máu của cha anh đã nuôi cho mầm đá “đơm bông”, cho buôn làng no ấm. Tôi thấy trong mình đang chảy dòng máu thiêng, dòng máu đã in màu đỏ thắm trên lá cờ Tổ quốc…

Ra khỏi bìa rừng cũng là lúc đôi dép dưới chân tôi bật ra, chọn nằm lại kề bên bông cúc vàng như đốm nắng ươm lên từ đất. Gai đâm vào da cũng không còn làm tôi thấy đau nữa, vì bận nghĩ về cái đẹp đang hiện hữu trước mắt. Chợt hiểu rằng có dùng cả cuộc đời cũng chẳng thể nào đi trọn mảnh hồn quê Việt. Chuyến tàu cuộc đời hay chở con người rời xa “rừng hoang sương muối”, còn tôi thì lại muốn quay về…

Lữ Hồng

Có thể bạn quan tâm

Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

(GLO)- Cùng với việc UBND tỉnh Gia Lai công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở một số khu vực sạt lở nguy hiểm trên địa bàn huyện Ia Pa, dự án xây bờ kè chống sạt lở cũng được triển khai nhằm ổn định đời sống người dân.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.
Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.