Đak Đoa tăng cường quản lý khoáng sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính... là những việc làm thiết thực đang được ngành chức năng huyện Đak Đoa triển khai nhằm quản lý tốt tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. 
Từ năm 2018 đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đak Đoa đã phát hiện 5 vụ khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: Hồng Thương
Từ năm 2018 đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đak Đoa đã phát hiện 5 vụ khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: Hồng Thương
Chú trọng tuyên truyền  
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Thu Thảo-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Đak Đoa-cho biết: Hiện nay, ngoài 1 mỏ cát tại xã Hnol đang được cấp phép khai thác và 1 mỏ đá (cũng tại xã Hnol) đang làm thủ tục cấp phép khai thác thì khoáng sản còn lại trên địa bàn chủ yếu là đất san lấp, đá và cát xây dựng với trữ lượng nhỏ nằm rải rác ở các địa phương. Trong đó, đất san lấp và cát xây dựng tập trung chủ yếu ở các xã phía Bắc, đá xây dựng tập trung ở các xã phía Nam (nhiều nhất là xã Ia Băng, Ia Pết). Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã xảy ra một số trường hợp khai thác khoáng sản trái phép. Do vậy, để quản lý tốt tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN-MT phối hợp với UBND các xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ khoáng sản cho người dân. Đồng thời, tích cực theo dõi, kiểm tra nhằm kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng gắn trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương để xảy ra việc khai thác khoáng sản trái phép.
Hàng năm, Phòng TN-MT đều tổ chức các lớp tập huấn; đồng thời phổ biến Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn có liên quan nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Các xã, thị trấn cũng chủ động kiểm tra, nhắc nhở người dân không tự ý cho tổ chức, cá nhân khác khai thác khoáng sản trong diện tích đất ở hoặc đất sản xuất của mình khi chưa được cấp phép khai thác. Ông Phan Văn Hiệp-Bí thư Đảng ủy xã Hà Bầu-thông tin: “Khoáng sản trên địa bàn xã chủ yếu là đá xây dựng và đất cấp phối. Để quản lý tốt tài nguyên khoáng sản, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã và cán bộ chuyên môn thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền kết hợp phổ biến pháp luật tại các cuộc họp ở thôn, làng; qua đó nâng cao hiểu biết của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu dừng khai thác đối với trường hợp vi phạm. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đã được thực hiện chặt chẽ”.
Kiên quyết xử lý sai phạm 
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Phòng TN-MT huyện cũng tích cực phối hợp với UBND các xã theo dõi, kiểm tra các khu vực có khoáng sản. Riêng năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Phòng phát hiện và xử phạt 5 trường hợp khai thác đá xây dựng trái phép trên đất ruộng tại 2 xã Ia Pết và Ia Băng với số tiền 55 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Thịnh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng-thông tin: Đa số khoáng sản trên địa bàn xã là đá mồ côi, nằm nhỏ lẻ trên các chân ruộng chứ không có mỏ đá tập trung để cấp phép khai thác. Từ năm 2018 đến nay, xã phát hiện 4 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Sau khi kiểm tra và xử phạt các trường hợp này, UBND xã cũng đã phối hợp với Phòng TN-MT tịch thu số khoáng sản được khai thác để bán đấu giá, đồng thời yêu cầu các đối tượng khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu cho khu vực đã khai thác.
Trao đổi thêm với P.V, bà Thảo cho rằng, trách nhiệm chính trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc về cơ sở. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa tăng cường công tác kiểm tra nên không phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, hiểu biết về Luật Khoáng sản cũng như công tác bảo vệ khoáng sản của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, trữ lượng khoáng sản nhỏ lẻ, phân tán, không tập trung cũng gây khó cho việc đưa vào quy hoạch để khai thác, dẫn đến tình trạng khai thác manh mún. “Thời gian tới, Phòng sẽ tăng cường kiểm tra các khu vực có khoáng sản đã được phát hiện khai thác trái phép cũng như theo dõi, kiểm tra chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn, tạo điểm nóng trong dư luận”-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện cho biết.
Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

(GLO)- Hàng loạt hoạt động hỗ trợ được tỉnh Gia Lai triển khai thời gian qua đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi kèm với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động trở lại ngày càng nhiều.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam xếp chót bảng

(GLO)- 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 83.783 tấn, trị giá 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng nhưng tăng 11,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Song, giá hồ tiêu của Việt Nam xếp chót bảng so với nhiều nước.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.