Xử lý nạn khai thác đá trái phép tại cánh đồnglàng Mơ Nú:Cần mạnh tay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình trạng khai thác đá trái phép tại cánh đồng làng Mơ Nú (xã Chư Á, TP. Pleiku), các ngành chức năng đang nỗ lực tìm giải pháp căn cơ nhằm xử lý triệt để, tránh gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Làm rõ nguồn gốc đá 

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tại cánh đồng làng Mơ Nú hiện chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác và chế biến đá là Công ty TNHH một thành viên Trang Đức và Công ty TNHH Châu Phát. Ngoài ra, còn có 3 doanh nghiệp hoạt động trong khu vực này gồm: Công ty TNHH Hoàng Nhi được cấp phép thăm dò; Doanh nghiệp tư nhân Kiệm Toàn và Công ty TNHH Đức Minh Thịnh được cấp phép chế biến đá xây dựng. Theo đó, chỉ có Công ty Trang Đức và Công ty Châu Phát được quyền khai thác đá và sử dụng nguồn nguyên liệu đó để thực hiện việc chế biến.

Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku sẽ tiến hành làm rõ nguồn gốc đá tại các cơ sở chế biến. Ảnh: Văn Ngọc
Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku sẽ tiến hành làm rõ nguồn gốc đá tại các cơ sở chế biến. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với P.V, ông Phạm Ngọc Doãn-Quản lý mỏ đá Chư Á của Công ty Trang Đức-cho biết: “Công suất khai thác của chúng tôi còn không đáp ứng đủ nhu cầu cho máy móc chế biến nên tuyệt đối không bán đá hoặc thuê đơn vị nào gia công, chế biến. Đá khai thác thô và trở thành sản phẩm đều chỉ gói gọn khép kín trong dây chuyền của Công ty Trang Đức”. Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn-Giám đốc Công ty Châu Phát-cũng xác nhận: “Công ty tuyệt đối không bán đá hoặc thuê đơn vị chế biến nào”.

Được biết, sau khi Báo Gia Lai thông tin về tình trạng các cơ sở chế biến lợi dụng việc san ruộng cho người dân để khai thác đá trái phép phục vụ cho chế biến, lãnh đạo UBND TP. Pleiku đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố kiểm tra, xử lý, đặc biệt là kiểm tra làm rõ nguồn gốc đá của các cơ sở này.

Qua kiểm tra, cả 2 cơ sở đều xuất trình được các giấy tờ liên quan, trong đó có hóa đơn mua đá của một đơn vị khác để chế biến. Cụ thể, tại Doanh nghiệp tư nhân Kiệm Toàn do ông Nguyễn Ngọc Tứ (SN 1954) làm chủ, đoàn kiểm tra phát hiện có 1 máy xay nghiền đá, có khoảng 55 m3 đá nghiền đã qua chế biến. Ông Tứ đã trình 1 hóa đơn bán hàng của cửa hàng vật liệu xây dựng Hồng Chỉ (địa chỉ 45 đường Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) bán cho doanh nghiệp 1.000 m3 đá. Tương tự, tại Công ty Đức Minh Thịnh, Giám đốc Công ty là bà Phan Thị Phương Oanh (SN 1970) cũng trình ra 1 hóa đơn của cửa hàng vật liệu xây dựng Bích Xuân (địa chỉ 122 đường Lê Duẩn, TP. Pleiku) bán cho Công ty 150 m3 đá.

Khi P.V đặt câu hỏi về việc xác thực các giấy tờ trên với lượng đá thực tế tại các cơ sở, ông Cao Duy Hiền-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku-khẳng định: “Về vấn đề xác thực liệu rằng hóa đơn chứng từ của các cơ sở đưa ra về việc mua đá về chế biến có chính xác hay không, đơn vị sẽ có văn bản đề nghị Chi cục thuế và Công an TP. Pleiku cùng vào cuộc kiểm tra để làm rõ nguồn gốc số hàng hóa này”.

Cần mạnh tay 

Một trong những biện pháp để ngăn chặn tình trạng khai thác đá trái phép được đưa ra là cần có chế tài mạnh hơn với hành vi này. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mức phạt dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Đơn cử như vụ khai thác đá trái phép tại cánh đồng làng Mơ Nú. Sau khi UBND xã phối hợp cùng các ngành chức năng phát hiện 1 chiếc máy múc hiệu Kobelco và 2 xe ô tô benz đang khai thác, vận chuyển đá trái phép tại đây và lập biên bản xử phạt hành chính đối với ông Hoàng Văn Chung-tài xế lái thuê cho bà Bùi Thị Thùy Linh (trú tại phường Ia Kring, TP. Pleiku) đồng thời cũng là người được bà Linh thuê san ruộng và bán đá cục trái phép thì mức phạt chỉ là 2 triệu đồng. Trước đó, tháng 10-2018, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện bà Linh có hành vi khai thác đá trái phép và đã xử phạt hành chính 4 triệu đồng.

Tại thời điểm P.V ghi nhận ở hiện trường, nhiều xe tải vẫn rầm rộ chở đá từ điểm khai thác trái phép về các khu vực chế biến. Ảnh: Quang Tấn
Tại thời điểm P.V ghi nhận ở hiện trường, nhiều xe tải vẫn rầm rộ chở đá từ điểm khai thác trái phép về các khu vực chế biến. Ảnh: Quang Tấn

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn-Giám đốc Công ty Châu Phát-cho hay: “Theo tôi được biết, thời gian qua, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã xử lý nhiều lần về tình trạng khai thác trái phép tại khu vực này nhưng chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính ở mức quá nhẹ hoặc nhắc nhở. Do đó, tôi đề nghị chính quyền địa phương, ngành chức năng có biện pháp tuyên truyền hay có biện pháp xử phạt mang tính chất răn đe hơn để họ không tiếp tục khai thác”.

Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku, nhằm khắc phục tình trạng khai thác đá trái phép, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã phối hợp với 2 công ty Trang Đức và Châu Phát tiến hành cắm cột mốc, tọa độ ngoài thực địa. Tuy nhiên, Ban nhân dân thôn và cả những người sản xuất trong khu vực lại không rõ ranh giới khai thác của 2 công ty. Hiện tại, các cột mốc đã bị đổ ngã hoặc nằm thấp dưới đất (cao khoảng 50 cm) không rõ ràng nên rất khó để kiểm tra cũng như giám sát. “Do đó, thời gian tới, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với 2 công ty đang được khai thác ở khu vực này và chính quyền địa phương tiến hành cắm lại cột mốc cao hơn và sơn các cột màu đỏ. Ngoài ra, Phòng cũng sẽ đề nghị các công ty tiến hành cắm thêm các cột mốc phụ, đồng thời bàn giao cho chính quyền địa phương, Ban giám sát cộng đồng của làng Mơ Nú để quản lý tốt hơn”-ông Hiền nói. Cũng theo ông Hiền, đơn vị sẽ đề nghị UBND xã Chư Á tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân về việc đưa khu vực này vào quy hoạch có khoáng sản, từ đó tham mưu UBND thành phố đề xuất đưa khu vực này vào quy hoạch chung của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý và cấp giấy phép sau này”.

Văn Ngọc-Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.


Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.