(GLO)- Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết lây lan trên diện rộng với diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc sốt nhập viện điều trị ngày một tăng, ngành y tế đã triển khai tổng lực cho công tác phòng-chống dịch. Tuy nhiên, về phía người dân, dù biết là bệnh do muỗi lây truyền nhưng ngay trong khuôn viên nhà vẫn có vô số lu, chậu chứa bọ gậy là tác nhân trực tiếp lây bệnh.
Dân thờ ơ
Nóng lòng với công tác phòng dịch tại khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, sáng 2-8, đoàn công tác số 1 của Bộ y tế do ông Đặng Quang Tấn-Phó Cục Trưởng Cục y tế dự phòng cùng các thành viên đã đến làm việc và kiểm tra thực tế công tác phòng-chống dịch tại địa phương.
Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh về công tác khám điều trị. Ảnh: N.G |
Ngay trong buổi sáng 2-8, đoàn công tác hướng dẫn của ngành y tế tỉnh đã xâm nhập thực tế về ý thức phòng dịch trong cộng đồng của người dân. Theo đó, tại các xã An Phú, phường Trà Bá, qua tiếp xúc trực tiếp với các hộ dân, đoàn ghi nhận được nhiều thông tin đáng lưu ý. Trong đó, dù các hộ dân có cam kết chung tay diệt loăng quăng, bọ gây tác nhân lây truyền dịch sốt xuất huyết, tuy nhiên tại nhiều hộ dân vẫn còn vô số các lu, chậu và nhiều nhất là các lốp xe ô tô, mô tô cũ bỏ khắp sân nhà, sau vườn đây là nơi trú ngụ, phát triển của muỗi mang mầm bệnh lây lan trong cộng đồng. Khi đoàn công tác nhắc đến thì chính các hộ dân này mới biết và lập tức cho thu dọn, vệ sinh sân vườn.
Cùng ngày, Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác tiếp đón, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại 2 cơ sở Trung tâm y tế TP. Pleiku và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Theo đánh giá ban đầu về công tác tại phòng-chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại Gia Lai, ông Đặng Quang Tấn-Phó Cục Trưởng Cục y tế dự phòng-Bộ Y tế: Từ đầu năm đến nay Việt Nam và nhiều quốc gia đang diễn biến phức tạp. Tại nước ta, các tỉnh trong đó 4 tỉnh Tây Nguyên đang sốt xuất huyết diễn biến khó lường. Riêng với Gia Lai đã ghi nhận đến gần 4.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Nguyên nhân có rất nhiều, trong đó nhận thức trong dân còn hạn chế, chưa chủ động phòng-chống. Có hộ khi kiểm tra có cả 3 thùng chứa nước lớn chứa đầy loăng quăng đây là nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng trong thời gian đến.
Với tình hình hiện tại, chúng ta nếu không kiểm soát tốt, vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là các chỉ đạo liên ngành thu hút sự tham gia của cả cộng đồng sẽ rất khó kiểm soát và giảm số bệnh mắc mới trong thời gian đến. Chúng tôi sẽ nêu ý kiến này tại cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng-chống dịch của tỉnh ngay trong chiều 2-8, ông Tấn cho biết thêm.
Tập trung tổng lực
Bệnh viện Đa khoa tỉnh bố trí thêm giường bệnh ở hành lang để điều trị bệnh nhân. Ảnh: N.G |
Theo báo cáo mới nhất từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 3.791 người mắc sốt điều trị tại các cơ sở y tế (7 tháng 2015 có 229 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết). Riêng trong tháng 7 có đến 2.196 trường hợp mắc bệnh này. Hiện đã có 154/222 xã, phường có bệnh nhân mắc sốt được ghi nhận. Ngành y tế tiến hành phun trên 1.361 lít hóa chất.
Với tình hình dịch bệnh khó kiểm soát và diễn biến thời tiết bất thường thuận lợi cho muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết phát triển. Chính lý do trên, tại các cơ sở y tế đang nổ lực triển khai cấp bách về nguồn nhân lực, giường bệnh để đảm bảo nhu cầu điều trị của người bệnh ngày một tăng.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi ngày có từ 20-30 trường hợp mắc sốt nhập viện, tổng số bệnh nhân điều trị tại đây lên đến 1.259 bênh nhân. Với số giường thực 50 giường, nhưng số bệnh điều trị thường trực tại đây luôn quá tải lên đến 160-180 bệnh nhân mỗi ngày.
Ông Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Bệnh viện đã tăng cường nhân lực, chuẩn bị đầy đủ vật tư y tế cần thiết đảm bảo cho công tác điều trị của bệnh nhân. Riêng về nơi điều trị, hiện mỗi giường bệnh bố trí 2 bệnh nằm cùng và tăng cường giường bệnh nơi khác sắp xếp nơi điều trị tốt nhất có thể cho người bênh.
Riêng các địa phương có số ca mắc sốt cao như TP. Pleiku 1.085; Đak Đoa 488; Ia Grai 413 (có 1 trường hợp tử vong) đang được ngành y tế và chính quyền địa phương tập trung mạnh tay công tác phòng dịch. Theo đó, các địa phương lập kế hoạch bổ sung hóa chất, tăng cường máy phun, nhân công để phun đồng loạt tại các khu dân cư. Về kinh phí, trên 1,3 tỷ đồng được giải ngân cho việc mua hóa chất, thuê nhân công phun hóa chất trong toàn tỉnh. Hiện ngành đã đề nghị phía tỉnh xuất ngân sách mua bổ súng 1.200 lít hóa chất chuẩn bị cho công tác phòng dịch những ngày đến.
Chiều 2-8, Đoàn công tác số 1 của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh của tỉnh do bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.
Tại đây, các đơn vị chức năng đã báo cáo về tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn cũng như công tác kiểm tra thực tế của đoàn công tác Bộ Y tế vào sáng cùng ngày.
Qua đó, các bên thống nhất các phương án, trọng tâm vẫn là tăng cường tuyên truyền, dập dịch, không để bùng phát các ổ dịch mới trong thời gian đến. Kiểm soát có hiệu quả công tác phòng-chống bệnh sốt xuất huyết lây lan trong cộng đồng.
Nguyễn Giác