(GLO)- Giả mạo nhãn hiệu là tình trạng khá phổ biến hiện nay, từ thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng cho đến vật liệu xây dựng. Điều này không chỉ gây xáo trộn thị trường, thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhãn hiệu được bảo hộ.
“Phù phép” nhôm thường thành nhôm “xịn”
Theo ông Lê Hồng Hà-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh, tình trạng giả mạo nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường diễn ra khá phức tạp, không chỉ các mặt hàng tiêu dùng thông thường mà ngay cả những sản phẩm, vật liệu xây dựng cũng bị giả mạo thương hiệu nổi tiếng. Mới đây, tại TP. Pleiku, Chi cục đã phát hiện một vụ vi phạm liên quan đến việc buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trong lĩnh vực xây dựng, với thủ đoạn dùng những thanh nhôm thường “phù phép” thành nhôm XingFa (thương hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam) để bán ra thị trường nhằm trục lợi. Cụ thể, qua kiểm tra tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Lộc Trường-Gia Lai (TP. Pleiku), lực lượng QLTT đã phát hiện 635 kg thanh nhôm giả mạo nhãn hiệu XingFa. Nghiêm trọng hơn, tại cơ sở này lực lượng QLTT còn phát hiện 2.880 đơn vị nhãn hiệu giả mạo thương hiệu XingFa.
Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra các cơ sở vi phạm liên quan đến giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: D.Q |
Với hành vi vi phạm nói trên, UBND tỉnh đã ra Quyết định 619/QĐ-UBND ngày 30-6-2017 xử phạt Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Lộc Trường-Gia Lai tổng cộng 78 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh trong thời gian 1 tháng. Đồng thời, tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm và tiêu hủy các nhãn hiệu giả mạo.
Thực phẩm cũng bị giả mạo
Ngày 18-4, Đội QLTT số 1 (thuộc Chi cục QLTT tỉnh) đã tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Bảo Dương Gia Lai (tổ 14, phường Hội Phú, TP. Pleiku). Qua kiểm tra, Đội phát hiện Công ty này bán hàng giả mạo nhãn hiệu bột ngọt A-one. Đội đã hoàn tất hồ sơ trình Chi cục trưởng ban hành quyết định xử phạt 55 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy 1.040 gói bột ngọt giả mạo nhãn hiệu.
Giày dép, quần áo cũng là những mặt hàng bị giả mạo khá phổ biến, nhất là những thương hiệu nổi tiếng như: Việt Tiến, Nike... Điển hình là hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh Đa Du (453 Hùng Vương, TP. Pleiku). Không những vi phạm về bán hàng giả mạo nhãn hiệu giày Nike, lực lượng QLTT còn phát hiện cơ sở này kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Với những hành vi vi phạm trên, cơ sở đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 6,6 triệu đồng, tịch thu 5 áo khoác thể thao xuất xứ Indonesia, 10 cái áo khoác thể thao xuất xứ Trung Quốc nhập lậu, 6 bộ quần áo thể thao, 9 áo phao không rõ nguồn gốc, xuất xứ và buộc tiêu hủy 20 đôi giày giả nhãn hiệu Nike…
Đưa ra lời khuyến cáo người tiêu dùng nhằm tránh mua phải hàng giả mạo thương hiệu, ông Lê Hồng Hà cho rằng, người tiêu dùng khi mua hàng hóa nên yêu cầu cửa hàng xuất hóa đơn đúng chủng loại và đầy đủ thông tin cụ thể. Đặc biệt là cần kiểm tra thông tin, nội dung về tên, địa chỉ nhà sản xuất, các thông số kỹ thuật liên quan… Điều này không chỉ đảm bảo cho người tiêu dùng mua hàng chính hãng mà còn là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm nếu phát hiện đó là hàng giả mạo.
Dã Quỳ