Nhân sự ứng cử Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cần tiêu chuẩn nào để giới thiệu ra Quốc hội bầu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, còn cần có những phẩm chất, năng lực khác.

Trong chương trình dự kiến của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 24/3) có công tác kiện toàn nhân sự cấp cao các cơ quan Nhà nước. Đáng chú ý là Quốc hội sẽ miễn nhiệm và bầu ra Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ mới.
 

 Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại một Hội nghị Trung ương (ảnh VGP)
Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại một Hội nghị Trung ương (ảnh VGP)


Về tiêu chuẩn, tiêu chí của 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt kể trên để được giới thiệu ra Quốc hội bầu, cần có những phẩm chất, năng lực và điều kiện thế nào?

Theo Quy định 214 năm 2020 của Bộ Chính trị về Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì người được giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).

Như vậy có thể thấy nếu không phải trường hợp đặc biệt thì những người được giới thiệu để bầu vào 3 vị trí lãnh đạo chủ chốt nêu trên phải là Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm từng tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trước đó.

Về tiêu chuẩn của Ủy viên Bộ Chính trị, phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đó là: "Tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Có ý thức, trách nhiệm cao, kiến thức toàn diện; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương.

Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách. Có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập. Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương".

 

 Hội nghị Trung ương lần 2 khóa XIII (diễn ra ngày 8 và 9/3) đã đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội với số phiếu tập trung (Ảnh VGP).
Hội nghị Trung ương lần 2 khóa XIII (diễn ra ngày 8 và 9/3) đã đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội với số phiếu tập trung (Ảnh VGP).


Bên cạnh đó Ủy viên Bộ Chính trị cần có thêm các tiêu chuẩn: "Thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm. Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội.

Có ý thức, trách nhiệm cao, có khả năng đóng góp ý kiến trong việc hoạch định đường lối, chính sách và phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, quyết định. Là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Trường hợp Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu".

Chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội có các tiêu chuẩn chung như sau: Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương.

Bên cạnh các tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn riêng đối với chức danh Chủ tịch nước là: Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Bên cạnh các tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn riêng của chức danh Thủ tướng Chính phủ: Có năng lực nổi trội toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; tư duy nhạy bén, năng động, quyết đoán, quyết liệt, quyết định kịp thời những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp. Hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế - xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế. Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành cơ quan hành chính nhà nước và hệ thống chính trị. Có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Bên cạnh các tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn riêng của chức danh Chủ tịch Quốc hội gồm: Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trong việc chỉ đạo thể chế hoá đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài những tiêu chuẩn riêng cho chức danh Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội... Quy định 214 của Bộ Chính trị còn có các tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng; đạo đức lối sống; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm đối với diện cán bộ do Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.


https://danviet.vn/nhan-su-ung-cu-chu-tich-nuoc-thu-tuong-chu-tich-quoc-hoi-can-tieu-chuan-nao-de-gioi-thieu-ra-quoc-hoi-bau-20210316094442946.htm



Theo PVCT (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

(GLO)- Sáng 16-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Quốc Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định có hiệu lực từ 15-11.
Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Ban Bí thư về việc luân chuyển, chỉ định cán bộ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Đoàn Anh Dũng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

(GLO)- Đến năm 2026, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 101.546 biên chế. Tổng biên chế công chức, biên chế của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương bảo đảm đến hết năm 2026 là 103.300 biên chế.