(GLO)- Khi tôi tới đã thấy Thạc sĩ-Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan miệt mài bên cây đàn. Căn phòng tràn ngập những thanh âm. Anh khẽ bảo: “Anh đang nghe lại một số ca khúc đương đại mang âm hưởng Bahnar. Bài đang phát là tác phẩm Đợi chờ của nhạc sĩ Nhật Lai-một ca khúc mang đậm phong cách và âm điệu Bahnar, gắn liền với sự nghiệp hoạt động âm nhạc của ca sĩ H’Ben khiến nhiều người cứ tưởng nó là một bài dân ca Bahnar đấy”.
Sau những giây phút đắm mình trong những giai điệu ngọt ngào, anh nói chuyện với tôi về loại hình âm nhạc này trong một niềm say mê, phấn khởi. Cũng dễ hiểu thôi, bởi thực ra âm nhạc dân gian Bahnar từ lâu đã thu hút sự quan tâm của anh. Anh bảo, đối với đồng bào Bahnar, âm nhạc hầu như có mặt trong tất cả các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian: âm nhạc gắn liền với lễ hội, văn học, phong tục tập quán và là linh hồn của nhảy múa...
Sau mỗi lần uống rượu cùng bà con ở các làng Bahnar, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan lại có thêm nhiều tư liệu quý. Ảnh: L.X.H |
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, âm nhạc cũng như văn hóa dân gian Bahnar vẫn còn giữ được vẻ mộc mạc, hồn nhiên, lắng đọng nhưng không kém phần tinh tế, bay bổng như chính bản chất các chủ thể đã sáng tạo ra nó. Sự mộc mạc, nguyên sơ trong chất liệu chế tác nhạc cụ; sự mềm mại, uyển chuyển trong giai điệu, tiết tấu; âm hưởng đượm buồn, lắng đọng nhưng lại tinh tế vang xa. Tất cả những điều đó đã tạo cho âm nhạc dân gian Bahnar một phong cách độc đáo, vừa gần gũi, hồn nhiên, trầm hùng và chững chạc vừa linh thiêng, xa xăm huyền thoại; đặc biệt là lối sử dụng quãng 4 tăng trong tiến hành giai điệu và lối kết lửng-một kiểu kết câu/đoạn hết sức độc đáo.
Chỉ cho tôi những nét khác biệt giữa âm nhạc dân gian Bahnar và âm nhạc dân gian Jrai, anh khẳng định: Âm nhạc dân gian Bahnar vẫn luôn tiềm ẩn nhiều giá trị độc đáo, không chỉ thể hiện trong các chất liệu chế tác nhạc cụ hay trong các lời hát dân ca mà còn thể hiện rõ nét nhất, sâu sắc nhất trong thang âm-điệu thức. Âm nhạc dân gian Bahnar có sự ứng dụng khéo léo các dạng thang 2 âm, 3 âm, 4 âm, 5 âm, 6 âm cùng các thủ pháp kết hợp dạng thức của nó. Sự hiện hữu của hệ thống thang này là những bằng chứng khẳng định sự tồn tại khách quan của một kho tàng âm nhạc thực sự phong phú và độc đáo của một dân tộc sống lâu đời trên mảnh đất cao nguyên này.
Nếu âm nhạc dân gian Jrai sử dụng phần lớn thang 5 âm II thì thang 5 âm III lại là dạng thang âm đặc biệt được ứng dụng phổ biến trong kho tàng âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai. Cho đến nay, giới nghiên cứu chưa tìm thấy bất cứ một bài dân ca, dân nhạc nào của các dân tộc Tây Nguyên ngoài dân tộc Bahnar có ứng dụng loại thang 5 âm này.
Mặt khác, phần lớn các bài hát dân ca Bahnar thường bắt đầu bằng một âm bậc 6 của thang âm điệu thức có giá trị trường độ bằng 1,5 đến 4 phách thậm chí 5 phách. Âm này vừa có tác dụng thu hút sự chú ý của người thưởng thức vừa tạo cho người thể hiện một trạng thái tâm lý ổn định, tự tin. Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm cũng đã từng nhận xét, âm nhạc dân gian Bahnar mang tính chất “cung đình”, đặc biệt là trong âm nhạc cồng chiêng.
Cũng bởi, đến với âm nhạc dân gian Bahnar ta có cảm giác như đang lọt vào một không gian tĩnh mịch, trầm hùng, tôn kính, huyền ảo và linh thiêng, nhưng lại rất gần gũi, mộc mạc và nguyên sơ. Chính vì thế, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, cồng chiêng Bahnar nói riêng, Tây Nguyên nói chung là một loại nhạc cụ dùng để phục vụ các lễ hội truyền thống, là phương tiện để con người “đối thoại với các vị thần linh”-chữ dùng của Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh. Đối với người Tây Nguyên, với quan niệm đa thần “vạn vật hữu linh” nên mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội đều có các thần trú ngụ trong đó. Thần linh không phải ở đâu xa lạ mà gần gũi với con người như tiếng cồng, tiếng chiêng, dòng sông, bến nước. Thần ở trong nhà ở, nhà rông, thần ở cồng chiêng, ché rượu...
Đặc biệt, mối quan hệ giữa con người với các Yang (thần) và các Atâu (ma) rất bình đẳng, tác động qua lại, gắn bó với nhau một cách bền vững để tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên của cuộc sống. Âm nhạc Bahnar nói riêng, âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên nói chung là thế. Nó đi theo suốt cuộc đời con người, từ lúc được sinh ra cho tới khi về với Atâu. Vậy thì tại sao ta lại không gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn quý ấy.
... Anh chợt ngừng lời, bất chợt nhìn ra khuôn viên nhà. Ở đấy, đang là một buổi trưa với trời thật trong và nắng thật vàng. Im lặng một đỗi, anh như tự nói với mình: “Thời tiết này rất thuận lợi cho một quá trình điền dã, sưu tầm, ký âm... mới đấy. Thực ra, so với những tác phẩm mang âm hưởng và phong cách Jrai thì những tác phẩm mang âm hưởng và phong cách Bahnar còn khá khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng nghệ thuật. Điều đó chứng tỏ, việc nghiên cứu, sưu tầm, tuyên truyền, giáo dục và quảng bá những giá trị tốt đẹp của kho tàng âm nhạc dân gian Bahnar chưa được là bao so với tiềm năng vốn có của nó...”.
Thái Bình