Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nữ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ vừa chính thức được bầu làm tân chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, nhiệm kỳ 2015-2020.

 

 8 thành viên Ban Chấp hành Hội nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ 12.
8 thành viên Ban Chấp hành Hội nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ 12.



Sau 2 ngày diễn ra, Đại hội Hội nhà văn Hà Nội đã bầu được Ban Chấp hành khóa 12 - nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 8 người: Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Hữu Việt, Nguyễn Sĩ Đại, Bùi Việt Mỹ, Trần Quang Quý, Y Ban, Nguyễn Việt Chiến, Trần Gia Thái.

Trong đó, với 100% phiếu bầu từ các thành viên Ban Chấp hành, nữ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã được bầu làm Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và nhà thơ Trần Quang Quý được bầu làm Phó Chủ tịch.

Điều đáng nói là trước đó, trong danh sách gồm 17 người đề cử do Ban Chấp hành đưa ra không có tên của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Lý giải về sự việc này, nhà văn Thu Huệ cho biết: “Trước Đại hội toàn thể diễn ra trong 2 ngày 8-9/8 thì đã có 2 đại hội cơ sở, trong đó đã đề cử được 33 người vào Ban Chấp hành, có tên tôi. Tuy nhiên, khi ban chuẩn bị Đại hội thu gọn lại danh sách chỉ còn có 17 người thì đã loại tôi ra. Sau nhiều tranh cãi, Đại hội đã quyết định chập 2 danh sách lại với nhau để đưa ra 22 người cuối cùng thì lại có tôi”.

Cũng về việc đưa ra danh sách chính thức để bầu cử thành viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới đã có rất nhiều tranh cãi. Một trong những điều bị cho là "nhập nhèm" trong cách điều hành Đại hội là ém đi bản danh sách 33 người của đại hội cơ sở, chỉ chiếu lên màn hình danh sách 17 người do BCH đề cử. Nhiều hội viên không hài lòng với danh sách này và đề cử thêm nhiều người, gạch bỏ nhiều người khiến ngày đầu tiên của Đại hội (8-8) diễn ra trong hỗn loạn và tranh cãi.

Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu vẫn được diễn ra với những ý kiến hòa giải. Nhà thơ Hữu Việt cho biết: “Đại hội này không phải là đại hội chia chác chức quyền gì”. Hay nhà thơ Bằng Việt khẳng định: “Những người làm lãnh đạo Hội nhà văn Hà Nội đều là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", chứ không phải được lợi lộc gì ghê gớm để mà phải ganh đua với nhau”.


 

 Toàn cảnh Đại hội Hội nhà văn.
Toàn cảnh Đại hội Hội nhà văn.



Ngoài ra, trường hợp của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, dù đã có ý kiến xin rút lui khỏi danh sách bầu cử BCH mới nhưng không được chấp thuận bởi theo nhà thơ Bằng Việt thì nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại vẫn cần thiết cho BCH mới. Việc rút lui như vậy sẽ là sự thiệt thòi cho BCH và Hội Nhà văn Hà Nội. Cuối cùng, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại vẫn được bầu và giữ chức Phó Chủ tịch.

Dự kiến, BCH mới sẽ có 11 người nhưng do thời gian hạn chế cũng như sự mệt mỏi của việc phải bầu nhiều lần cho đủ số phiếu quá bán mà kết quả chỉ còn 8 người trong BCH như trên. Trong thành phần BCH mới chỉ có nhà văn, nhà thơ mà chưa có người ở mảng lý luận, phê bình.

Trong ngày làm việc thứ 2, Hội Nhà văn Hà Nội chính thức ra mắt BCH mới, đề ra mục tiêu trong nhiệm kỳ 2015-2020 là xây dựng Hội thành một tổ chức văn học có lý tưởng chính trị, nhân văn cao đẹp; tập hợp, đoàn kết hội viên bằng các sáng tác văn học và các hoạt động khác; duy trì, điều chỉnh, nâng cao chất lượng giải thưởng của Hội; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp vào Hội những người viết trẻ có năng lực, triển vọng, trẻ hóa mạnh mẽ Hội nhà văn Hà Nội…

Trẻ hóa cũng là một vấn đề được rất nhiều hội viên nhắc tới trong Đại hội lần này. Nhà thơ Vi Thùy Linh trình bày một tham luận với suy nghĩ “Nhà văn trẻ muốn gì và đang ở đâu?”. Hội Nhà văn Hà Nội hiện có 644 hội viên nhưng lực lượng hội viên tuổi U40 không đạt nổi số người bằng ngón một bàn tay; trẻ hơn thì lại càng khó tìm thấy.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đề nghị: “Cần phải lựa chọn những nhà văn trẻ, để họ đóng góp và quan tâm đào tạo để họ trở thành những người lãnh đạo tương lai của Hội. Đầu tư cho người trẻ nhưng cũng không quên các nhà văn già bởi nhiều nhà văn tóc bạc nhưng có trái tim trẻ và sự sáng tạo trẻ”.


 

 Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.


Nói về vấn đề này, tân Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết: “BHC khóa này phải có trách nhiệm tìm đến những nhà văn trẻ và mời họ tham gia vào Hội. Các nhà văn trẻ có sự sáng tác mới mẻ, có cách nhìn nhận rất khác. Không chỉ là viết trên giấy mà còn thể hiện bằng ảnh, viết trên mạng xã hội, tản văn… Họ là những người đến gần với xã hội, công chúng nên chúng tôi phải có trách nhiệm mời họ đến chứ không phải đợi họ viết đơn”.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hụy cũng nói thêm: “Tôi xin thay mặt Ban chấp hành Hội nhà văn Hà Nội khóa 12 hứa sẽ luôn đoàn kết nhưng tôn trọng sự khác biệt, kế thừa những thành tựu của BCH khóa trước và phát triển, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi không ngừng của đời sống Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung”.

Thanh Thanh (VOV)

Có thể bạn quan tâm

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

(GLO)- Sáng 16-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Quốc Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định có hiệu lực từ 15-11.
Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Ban Bí thư về việc luân chuyển, chỉ định cán bộ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Đoàn Anh Dũng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

(GLO)- Đến năm 2026, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 101.546 biên chế. Tổng biên chế công chức, biên chế của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương bảo đảm đến hết năm 2026 là 103.300 biên chế.