Tuy chất lượng “thượng vàng hạ cám”, song những năm gần đây, nhiều phim Việt mùa Tết đạt doanh thu trăm tỷ đồng và là đối thủ mạnh với phim ngoại trên đường đua dịp nghỉ lễ.
100 tỷ đồng là doanh thu phòng vé được nhà sản xuất Siêu sao siêu ngố công bố sau khi phim hoàn thành đường đua phim Tết 2018. Tác phẩm của đạo diễn Đức Thịnh cũng trở thành tác phẩm điện ảnh Việt đầu tiên phát hành dịp Tết Nguyên đán cán mốc trên.
Thành tích vốn từng gây bất ngờ cho chính nhà sản xuất, nhà phát hành, đội ngũ làm phim và cả giới truyền thông.
Nhưng, chỉ một năm sau, Siêu sao siêu ngố đã không còn ở vị trí “độc tôn” về doanh thu mùa Tết. Dịp Tết Nguyên đán 2019, Cua lại vợ bầu với sự tham gia của bộ đôi Trấn Thành – Ninh Dương Lan Ngọc cán mốc 200 tỷ đồng, trở thành phim Tết thành công nhất về doanh thu từ trước đến nay.
Trong khi, Trạng Quỳnh của Đức Thịnh cũng thu về 100 tỷ đồng sau 16 ngày ra rạp.
Cua lại vợ bầu là phim Tết có doanh thu cao nhất từ trước đến nay.
Dù những con số vẫn chưa được kiểm chứng độc lập, song, với nhiều người, phim Việt những năm gần đây đã có bước tiến đáng kể về doanh thu.
Điện ảnh Việt được đánh giá “có vai có vế” mùa Tết, trở thành những chiến binh trên đường đua phòng vé nội địa song vẫn chứa đựng nhiều nghịch lý điện ảnh đáng bàn luận. Và bên cạnh những tác phẩm thành công, cũng có không ít những bộ phim thất bại, cả về doanh thu lẫn chất lượng.
Phim Việt từng khó đua với phim ngoại
Diện mạo của một nền điện ảnh không thể đánh giá chỉ qua mốc 5 năm. Nhưng số 5 cũng là khoảng thời gian đủ dài để nhìn lại những thăng trầm của thị trường điện ảnh Việt dịp Tết Nguyên đán.
Năm 2015, phòng vé mùa Tết sôi động với cuộc đua của 5 phim Việt Nam, bao gồm: Ngày nảy ngày nay, Trúng số, Quý tử bất đắc dĩ, Siêu nhân X và Hợp đồng bắt ma. Những tác phẩm này đối đầu với 4 phim ngoại được phát hành cùng thời điểm là: 50 Sắc thái, Mật vụ Kingsman, Kiếm Rồng và Thám tử K.
Chung cuộc sau Tết, chỉ 3 phim Việt công bố doanh thu là Ngày nảy ngày nay, Quý tử bất đắc dĩ và Siêu nhân X. Trúng số và Hợp đồng bắt ma giữ kín doanh thu.
Quý tử bất đắc dĩ với sự tham gia của Hoài Linh được cho là thu về 44 tỷ đồng, tương đương với Cô dâu đại chiến 2 từ mùa Tết năm trước (2014).
Trong khi, Ngày nảy ngày nay do Ngô Thanh Vân sản xuất cán mốc 35 tỷ. Siêu nhân X từ đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trụ ở rạp khoảng 20 ngày và dừng ở mức 16 tỷ đồng, khiêm tốn hơn nhiều.
Dịp Tết 2016, các phim Việt tham gia đường đua tương đương về số lượng với Tía tui là cao thủ, Yêu là phải xài chiêu, Siêu trộm, Lộc phát và Ám ảnh. Doanh thu được các nhà sản xuất công bố cho thấy Tía tui là cao thủ dẫn đầu với 50 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ hai là Yêu là phải xài chiêu với 26 tỷ đồng. Các phim khác dừng ở mức trên dưới 10 tỷ đồng, trong khi Ám ảnh thất thu chỉ với 7 tỷ đồng.
Với 50 tỷ đồng, Tía tui là cao thủ đã vượt nhiều phim Việt phát hành dịp Tết những năm trước. Song, nếu so với Mỹ nhân ngư của vua hài Châu Tinh Trì ra mắt cùng thời điểm lại “không là gì”. Mỹ nhân ngư cán mốc 80 tỷ đồng chỉ sau 13 ngày ra rạp và thu về trăm tỷ chung cuộc. Trong khi, Deadpool cũng thắng lớn. Ở thời điểm đó, phim Việt chưa thể trở thành đối thủ với phim ngoại.
Tía tui là cao thủ là phim Việt có doanh thu cao nhất năm 2016.
Một năm sau, dịp Tết 2017, phim Việt thất bại thê thảm trong cuộc chiến phòng vé. Nàng tiên có 5 nhà, Lục Vân Tiên tuyệt đỉnh Kung fu, Bạn gái tôi là sếp, Chạy đi rồi tính… đều không thành công về doanh thu. Bộ phim cao nhất thu về chỉ có 25 tỷ đồng, đi “giật lùi” so với nhiều năm trước.
Những phim ngoại phát hành cùng thời điểm tuy không được cho là “thắng lớn” nhưng cũng vượt xa doanh thu phim nội. xXx: Return of Xander Cage đứng đầu doanh thu phim Tết với 40 tỷ đồng, đây cũng là doanh thu của Tây du ký: Mối tình ngoại truyện sau một tuần ra mắt.
Sự chuyển mình về doanh thu
Doanh thu phòng vé phim Việt chỉ thực sự ghi dấu ấn và trở thành đối thủ đáng gờm với phim ngoại ở dịp Tết 2018. Dịp này, phòng vé Việt chứng kiến bốn tác phẩm nội cùng ra mắt là Siêu sao siêu ngố, Về quê ăn Tết, 798Mười và Đích tôn độc đắc.
Trong đó, Siêu sao siêu ngố trở nên thực sự vượt trội khi vượt xa các đối thủ với doanh thu lên tới 109 tỷ đồng, trở thành phim Việt có doanh thu cao thứ hai lịch sử, chỉ đứng sau Em chưa 18 (2017), ở thời điểm đó. 798Mười cũng được cho là thắng lớn với doanh thu hơn 50 tỷ đồng.
Dịp Tết 2019, phim Việt tiếp tục thắng lớn. Chính thức ra rạp từ mùng 1 Tết, chỉ sau 10 ngày, Cua lại vợ bầu mang về cho nhà sản xuất 155,8 tỷ đồng từ 1,84 triệu lượt vé. 3 ngày sau, Cua lại vợ bầu tiếp tục mang lại thêm hơn 20 tỷ đồng và vượt qua Em chưa 18 để xác lập một cột mốc mới cho điện ảnh Việt Nam về mặt doanh thu phòng vé.
Doanh số cuối cùng của phim được nhà phát hành công bố là gần 200 tỷ đồng, đây cũng là phim Việt có doanh thu lớn nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, Trạng Quỳnh của Đức Thịnh với sự tham gia của Nhã Phương, Trấn Thành, Quốc Anh cũng cán mốc 100 tỷ đồng trong sự bất ngờ của nhiều người.
Trạng Quỳnh thắng lớn nhưng bị chê bai về chất lượng.
Nghịch lý điện ảnh
Cùng với những thay đổi về doanh thu, chất lượng phim Việt mùa Tết cũng là câu chuyện nhiều thăng trầm. Tết Nguyên đán vẫn được coi là mảnh đất màu mỡ để các nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm, “vét túi” khán giả.
Song, cũng một thời gian dài, phim Việt mùa Tết bị đánh giá “mì ăn liền”. Không ít tác phẩm bị cho là nhạt nhẽo, nhảm nhí, không giá trị, đã kém chất lượng, lại nhiều chiêu trò.
Những năm gần đây, chất lượng phim được ghi nhận là có sự thay đổi đáng kể. Không thể phủ nhận những đổi mới trong cách tiếp cận kịch bản, xây dựng nội dung phim, bên cạnh việc tiếp tục tận dụng ngôi sao và đề cao yếu tố giải trí, gây cười.
Nhưng, nhìn chung, chất lượng phim Việt mùa Tết vẫn ở mức tầm trung. Bên cạnh đó, cũng có những tác phẩm dù hái ra tiền nhưng lại là nỗi ngao ngán của giới bình luận, yêu phim. Trạng Quỳnh của năm 2019 có thể được coi là ví dụ.
Giới bình luận thậm chí gọi bộ phim của đạo diễn Đức Thịnh là "nỗi buồn của điện ảnh đầu năm". Phim nhận nhiều chỉ trích về cốt truyện phi logic, kịch bản yếu, diễn xuất của dàn diễn viên cũng không thuyết phục. Thứ duy nhất ghi điểm chỉ là một phát hiện mới về đề tài, đầu tư bối cảnh.
Những phim thu trăm tỷ khác như Cua lại vợ bầu hay Siêu sao siêu ngố cũng không nhận được sự tán dương của giới bình phim. Cả hai tác phẩm đều dừng ở mức nhẹ nhàng, dễ xem. Song, cách xây dựng nhân vật, nội dung, tình tiết còn nhiều khiên cưỡng, không thể để lại những dấu ấn điện ảnh.
Câu chuyện thành bại của điện ảnh vẫn mang nhiều nghịch lý. Nói như đạo diễn Victor Vũ trong cuộc phỏng vấn mới đây với Zing.vn: “Khán giả luôn rất khó đoán biết”. Không ai có thể chắc chắn phim nào sẽ thắng lớn.
Dẫn chứng là Siêu trộm hay Ám ảnh của năm 2016. Dù chất lượng của cả hai phim đều được đánh giá cao hơn so với những tác phẩm phim Việt phát hành cùng thời điểm Tết. Song, cả hai phim đều thất thu, bị những phim nặng tính giải trí khác bỏ xa trong cuộc đua phòng vé.
Táo Quậy vừa thất thu vừa bị đánh giá là phim thảm họa.
Phim thảm họa vẫn khó "ăn may"
Rõ ràng, những nghịch lý điện ảnh là không thể phủ nhận. Không phải phim nào đại thắng cũng được ca ngợi về chất lượng và không phải phim nào thất bại về doanh thu cũng đồng nghĩa bị đánh giá kém.
Nhưng, có một thực tế được ghi nhận là vài năm trở lại đây, những tác phẩm “dở hoàn toàn” cũng rất khó ăn may trên thị trường, ngay cả khi phát hành dịp Tết.
Sự thất bại của Táo Quậy dịp Tết năm ngoái là một dẫn chứng. Lấy chủ đề Táo Quân quen thuộc với nhiều khán giả. Tuy nhiên, bộ phim của Toàn Joshua bị đánh giá như một “nồi lẩu thập cẩm” với phần kỹ xảo tệ hại, nội dung chắp vá và những màn tấu hài kém duyên. Hậu quả là phim nhanh chóng mất hút ở đường đua phòng vé.
3D Cung tâm kế cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tác phẩm của đạo diễn Xuân Trang, do Hồng Vân sản xuất sự tham gia của nhiều diễn viên hài nổi tiếng nhưng chất lượng phim gây thất vọng bởi nội dung hời hợt, bối cảnh sơ sài và không mang tới bất kỳ thông điệp ý nghĩa nào. Phim bị bỏ xa ở phòng vé và không công khai doanh thu.
Những dẫn chứng cho thấy, không phải lúc nào khán giả cũng bỏ "hầu bao" cho phim dở.
Dân Việt (Theo Quang Đức/Zing)