(GLO)- Sáng 1-3, tất cả các cơ sở khám-chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tăng phí dịch vụ khoảng 30% đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế. Viện phí tăng khiến người bệnh lo lắng còn các bệnh viện cũng gặp một số vướng mắc trong quản lý, điều hành.
Từ 0 giờ ngày 1-3, tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015-TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc “Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc” (sau đây gọi tắt là Thông tư 37). Theo đó, có 1.887 danh mục dịch vụ y tế có điều chỉnh giá.
Nhiều bệnh viện đã gặp khó khăn trong việc nhập dữ liệu người bệnh áp theo mức giá mới. Ảnh: Đức Thụy |
Khu vực Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai sáng 1-3 có rất đông bệnh nhân đến khám. Thông tin tăng giá dịch vụ đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế đã được dán công khai tại khu vực thu viện phí để người bệnh tiện theo dõi. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường-Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho 1.000 lượt bệnh nhân, trong đó trên 77% người có thẻ bảo hiểm y tế, đây là nhóm đối tượng bị điều chỉnh bởi việc tăng giá dịch vụ y tế.
Theo tính toán, giá dịch vụ y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng trung bình 30% so với trước đây. Chẳng hạn giá khám bệnh trước đây là 12.000 đồng/lượt, nay là 15.000 đồng/lượt (tăng 3.000 đồng). Giá siêu âm màu thông thường giữ nguyên là 30.000 đồng/lượt.
Giá dịch vụ y tế tăng khiến cho nhiều người bệnh lo lắng. Chị Nguyễn Thị Hương (ở phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho hay: “Trước đây tôi đi khám bệnh viêm họng, viêm đường hô hấp trên, vì được bảo hiểm y tế chi trả 80% chi phí nên có lần thì không phải nộp tiền, có lần nhiều nhất chỉ phải nộp bảy-tám chục ngàn đồng. Sáng nay, cũng bệnh cũ nhưng phải đóng tới 120.000 đồng mà thuốc thì có tăng thêm viên nào đâu!”.
Lo lắng lớn nhất có lẽ là các bệnh nhân nội trú phải điều trị dài ngày vì hầu hết các dịch vụ kỹ thuật đều tăng, trong đó giá giường bệnh tăng nhiều. Ví dụ: giá giường bệnh Hồi sức tích cực-Chống độc từ 303.000 đồng/ngày, nay tăng lên 350.000 đồng/ngày; giường bệnh Hồi sức cấp cứu từ 92.000 đồng/ngày, nay tăng lên 115.000 đồng/ngày; giường bệnh Nhi từ 52.000 đồng/ngày, nay tăng lên 80.000 đồng/ngày…
Còn tại Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai, bệnh nhân Bùi Thị An, trú ở huyện Đức Cơ, băn khoăn: “Lúc trước vào làm thủ tục khám viêm khớp bệnh viện tạm ứng 50.000 đồng, giờ đây họ bắt tạm ứng 100.000 đồng. Khi hỏi vì sao thì họ nói là sau khi khám xong rồi tính toán lại!”.
Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, đợt tăng giá dịch vụ y tế lần này sẽ áp dụng cùng một mức giá cho tất cả các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc. Theo quy định, lần này chỉ áp dụng tăng giá dịch vụ đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế còn các bệnh nhân khác vẫn giữ mức giá cũ. Riêng các bệnh nhân nhập viện từ trước ngày 1-3 vẫn giữ nguyên mức giá viện phí cũ. “Trong ngày đầu tiên chưa thấy các cơ sở y tế báo cáo về các vướng mắc gặp phải. Thông qua số điện thoại đường dây nóng, lãnh đạo Sở Y tế cũng chưa nhận được thông tin phản hồi nào từ phía người bệnh về những bất cập trong việc tăng viện phí”-bác sĩ Tuấn nói.
Theo ghi nhận ngày đầu triển khai Thông tư 37, hầu hết bệnh viện đều gặp khó trong việc nhập dữ liệu người bệnh áp theo mức giá mới. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay, công tác chuẩn bị để áp giá viện phí mới đã được triển khai cả tháng nay. Bệnh viện đã tổ chức tập huấn 2 lần cho các bộ phận có liên quan về thực hiện Thông tư 37. Bước đầu đã có khoảng 90% nội dung điều chỉnh trong danh mục bệnh viện đã thực hiện được. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc về khâu kỹ thuật phần mềm máy tính vì mã của một số kỹ thuật trong danh mục của Thông tư 37 không khớp với mã bệnh lâu nay phần mềm bệnh viện đang thực hiện nên mất thời gian điều chỉnh và buộc người bệnh phải chờ đợi. Cùng với đó, một số danh mục trong Thông tư 37 có quy định nhưng lâu nay chưa thu tiền của người bệnh nên giờ phải chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, như: giá giường bệnh ban ngày tính bằng 0,3% giường bệnh nội trú tương đương được áp dụng cho các trường hợp như: bệnh nhân chạy thận nhân tạo, châm cứu… thì trước đến nay chưa thực hiện.
Tương tự, Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai đã triển khai điều chỉnh mức giá mới đối với 8.462 danh mục theo Thông tư 37. Bác sĩ Măng Đung-Giám đốc Bệnh viện cho biết, khi áp bảng giá mới thì phần mềm máy tính gặp một số trục trặc nhỏ về mặt kỹ thuật; ví dụ, tên dịch vụ quy định trong danh mục của Thông tư 37 khác với tên bệnh viện sử dụng lâu nay; hoặc một vài danh mục còn để trống bảng giá trong phần mềm máy tính nên bộ phận thu viện phí gặp khó, phải mất thời gian truy tìm, buộc người bệnh phải chờ đợi…
Giá dịch vụ y tế đã tăng lên khoảng 30%, tuy nhiên chất lượng khám-chữa bệnh và tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân thì chưa thể đánh giá được. Theo ông Nguyễn Văn Mau-Trưởng phòng Giám định bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội tỉnh): Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã gửi công văn yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế huyện báo cáo về việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang-thiết bị, cải thiện tinh thần thái độ phục vụ người bệnh như thế nào nhằm mục đích nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, phục vụ cho việc tăng viện phí… nhưng đến nay chưa có đơn vị nào báo cáo về. “Vì các đơn vị khám-chữa bệnh trong tỉnh đang sử dụng phần mềm quản lý khám-chữa bệnh khác nhau, không liên thông với nhau và không liên thông với Bảo hiểm Xã hội tỉnh, nên chúng tôi chưa thể thực hiện giám định bằng điện tử được. Nếu họ thực hiện chi phí khám-chữa bệnh sai thì phải đến đợt giám định tập trung (1 tháng/lần với bệnh viện tuyến tỉnh và 1 quý/lần đối với trung tâm y tế huyện), lúc đó mới phát hiện được để có điều chỉnh phù hợp”-ông Mau nói.
Đức Phương