(GLO)- Tăng hạn mức rút tiền để giảm thời gian và chi phí, tạo thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ là một trong những điểm mới của Thông tư 20 của Ngân hàng Nhà nước mà khách hàng mong chờ nhất…
Mừng nhiều, lo cũng không ít
Thông tư 20/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của các máy giao dịch tự động (ATM), trong đó điểm sửa đổi bổ sung đáng chú ý là quy định nâng hạn mức rút tiền tại các máy ATM. Theo đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp hạn mức cho một lần rút tiền tại máy ATM thấp hơn 5 triệu đồng đối với giao dịch nội mạng và 3 triệu đồng đối với giao dịch liên ngân hàng. Quy định này sẽ giúp khách hàng sử dụng thẻ ATM có thể rút được tiền mặt nhiều hơn mà không phải thao tác nhiều lần và đỡ mất tiền phí cho mỗi lần rút.
Ảnh: Cao Nguyên |
“Nếu trước đây muốn rút 20 triệu đồng từ thẻ, tôi phải thực hiện đến 10 lần thao tác rút, và tổng phí là 11.000 đồng đối với giao dịch nội mạng và đôi khi bất đắc dĩ phải tìm đến máy ATM của ngân hàng ngoại mạng để rút thì tiền phí là 33.000 đồng. Nhưng nay, quy định mới đã giúp khách hàng sử dụng dịch vụ lợi hơn rất nhiều, với số tiền ấy tôi chỉ phải thực hiện rút 4 lần, nhờ đó phí cũng giảm nhiều”-chị Hồng Uyên (đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) chia sẻ.
Phí rút tiền ngoại mạng cao, mà hạn mức cho một lần rút tiền lại thấp là “bất công” với khách hàng, nhưng theo lý giải của một lãnh đạo ngân hàng đó là do việc sử dụng dịch vụ thẻ ở khác hệ thống dễ gây ra sự cố, ví dụ như nuốt thẻ, tiền không ra nhưng tài khoản bị trừ… Những lúc này, nếu trong hệ thống thì sẽ giải quyết nhanh chóng, còn đã khác hệ thống việc xử lý sẽ phức tạp hơn nhiều.
Thông tư mới có những quy định khiến khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ vui mừng, nhưng cũng có không ít người tỏ ra lo lắng đặt câu hỏi: liệu khi bị thất thu đầu này, các ngân hàng có tìm cách thu thêm các loại phí gì đó để bù đắp khoản hụt thu không. Hiện nay, ngoại trừ phí phát hành thẻ ra, đa phần mỗi chủ thẻ phải trả phí thường niên phổ biến ở mức 50.000 đồng/năm, phí rút tiền nội mạng 1.100 đồng/lần và 3.300 đồng/lần phí rút ngoại mạng. Ngoài ra còn có một số loại phí khác như phí chuyển khoản từ 3.300 đồng đến 9.900 đồng/lần, phí nhắn tin SMS 8.800 đồng/tháng, phí duy trì tài khoản một tháng trừ một lần, phí Internet Banking…
Chú trọng mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng
Nói về chất lượng hoạt động của các máy ATM trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai đánh giá: “Tình trạng hoạt động với công suất lớn gây nghẽn đường truyền, gặp sự cố tạm ngưng hoạt động, hết tiền đã không còn xảy ra đối với các máy ATM kể từ khi thực hiện Nghị định 96 của Chính phủ”.
Hầu hết các máy ATM trên địa bàn được trang bị hiện đại, có camera quan sát, việc quản lý sự cố được theo dõi trên hệ thống nên nhanh chóng phát hiện và xử lý trong trường hợp xảy ra tình huống mất an toàn. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, Ngân hàng Nhà nước duy trì đường dây nóng, kịp thời tiếp nhận và xử lý các thông tin do người dân cung cấp.
Ông Cư cũng cho biết thêm, bên cạnh việc gia tăng các tiện ích cho khách hàng sử dụng thẻ thanh toán các dịch vụ trong sinh hoạt hàng ngày như thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại…, thì các ngân hàng thương mại đang rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ và ngày càng quan tâm đầu tư phát triển dịch vụ thẻ ở địa bàn nông thôn qua việc tăng cường lắp đặt máy ATM, POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ) để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân.
Vũ Thảo