(GLO)- Lên Hà Giang, dù đi bất kể phương tiện gì cũng phải đi trên con đường Hạnh Phúc. Bởi, đây không chỉ là con đường độc đạo gắn với những câu chuyện kể xúc động đẫm đầy nước mắt, mà còn là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang.
Những nhánh của con đường hạnh phúc nối liền các thôn bản nơi chân cột cờ Lũng Cú. |
Đặt tên “Con đường hạnh phúc” bởi nó đem lại ánh sáng văn minh, giao thương phát triển kinh tế, phát triển văn hóa xã hội cho đồng bào các dân tộc anh em người bản xứ vùng Tây Bắc nơi đầu nguồn biên giới.
“Giải lụa mềm” trên vách núi |
Khởi công ngày 10-9-1959, từ hàng ngàn quả đồi núi trập trùng dựng đứng, hàng trăm vực sâu dốc thẳm, sau gần 6 năm vạt núi, xẻ đồi, san khe đá của hơn 8 vạn thanh niên xung phong, công nhân, bộ đội, giáo viên từ 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) và 2 tỉnh đồng bằng (Nam Định, Hải Dương) đã sát cánh cùng hơn 1.000 dân công của 16 dân tộc trên cao nguyên đá, ngày 15-6-1965 con đường mang tên Hạnh phúc chính thức hoàn thành đưa vào sử dụng.
Không thể kể hết được những khó khăn gian khổ trong suốt gần 6 năm xẻ núi mở đường của 8 vạn người, không thể nói hết được những nhọc nhằn, sự hy sinh thầm lặng của nhưng anh chị thanh niên, công nhân quyết tâm xây dựng con đường cho người dân đã bao đời “sống trong đá chết vùi trong đá”. Chỉ biết, hơn 8 vạn người, là hơn 8 vạn cung bậc cảm xúc khác nhau và cùng chung một niềm vui sướng là đã góp phần công sức mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt của mình cho con đường
Những em bé người Mông mưu sinh trên con đường Hạnh phúc |
Cho đến bây giờ sau 58 năm kể từ ngày con đường dài hơn 200 km nối liền nối liền bốn huyện vùng cao của Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, người dân bản xứ nơi đây không nhớ chính xác ngày khánh thành con đường, chỉ biết con đường Hạnh phúc đã trở thành con đường huyết mạch đưa khách du lịch từ thành phố Hà Giang lên Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Cột cờ Lũng Cú, Dinh “Vua Mèo”, Phố cổ Đồng Văn, Đèo Mã Pí Lèng, Chợ tình Khau Vai… và chính con đường này đã nối liền khoảng cách giữa miền núi với miền xuội, đưa nền văn hóa văn minh lên đồng bào người Mông, Tày, Nùng nơi biên cương Tổ quốc
Hoa cải trắng bên triền đồi. |
Hơn 200 km chạy dài xuyên rừng, vượt núi, có hàng trăm đoạn đường khúc khuỷu, cua tay áo, đó là biểu hiện sức mạnh của con người trước thiên nhiên, là niềm tự hào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đi trên những cung đường ngoằn nghèo, đứng giữa thung lũng bắp xanh mướt trải ngút ngàn như tấm thảm, hoặc đứng trên đỉnh núi Mã Pí Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế uốn lượn như giải lụa mềm dưới vực sâu- một cảm giác thiêng liêng, yêu người dân bản xứ, yêu Tổ quốc Việt Nam đến vô cùng.
“Thăng hoa” trên đỉnh Mã Pí Lèng. |
Mai Thắng (thực hiện)