Lấp khoảng trống, chấm dứt tình trạng thất thoát khi "đổi đất lấy hạ tầng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện các dự án Xây dựng-chuyển giao (BT) đã được chỉ ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản khẳng định rằng, thanh toán tài sản công cho các nhà đầu tư dự án BT phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị tái sản thanh toán áp dụng theo giá thị trường.

Bộ Tài chính vừa tổ chức họp báo chuyên đề về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.

 

Đại diện Bộ Tài chính trả lời tại buổi họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng
Đại diện Bộ Tài chính trả lời tại buổi họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng



Nhiều người giàu lên nhờ đất, ngân sách thất thoát

Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc ký ngày 10/5, sau khi kiểm toán tại 30 dự án Dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) từ trước đến nay, có một đoạn viết: “Thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách”.

Cũng tại báo cáo này, sau khi kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT trong năm 2017, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) cho thấy, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

Đáng lo ngại là hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu (Hà Nội 5/5 dự án, Đà Nẵng 3/4 dự án, Bắc Ninh 2/2 dự án, Thái Bình 3/3 dự án…) làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực…

Hình thức kêu gọi vốn BT này đã tạo cơ hội để cho nhiều công trình giao thông, nhiều dự án được xây dựng lên, về lý thuyết sẽ mang lại lợi ích trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế so với nhu cầu xây dựng hạ tầng. Ở Việt Nam, loại hình BT phổ biến hiện nay là đổi đất lấy hạ tầng, các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng và địa phương thay vì trả tiền thì trả cho nhà đầu tư một diện tích đất, nhưng  từ đây cũng bộc lộ nhiều tiêu cực, nhất là câu chuyện tranh tối tranh sáng để ăn chia.

Trong thực tế, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn thiếu quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Dự án theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT).

Những tiêu cực xảy ra trong thời gian qua, dư luận đặt câu hỏi khoảng trống pháp lý còn tồn tại mà tại sao thị trường vẫn liên tiếp xuất hiện các “đại gia” trong khi tài sản nhà nước bị thất thoát do đổi đất lấy hạ tầng?

Phối hợp đồng bộ lấp lỗ hổng

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản-Bộ Tài chính cho biết, về nguyên tắc, Luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo. Danh mục các văn bản quy định chi tiết về sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ký ban hành 16 Nghị định và Quyết định của Thủ tướng.

Vấn đề khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật được Chính phủ quan tâm và bàn thảo. Mới đây, tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 09/9/2018 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành triển khai. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát cụ thể, đánh giá việc thực hiện theo hình thức BT trong thời gian qua; trên cơ sở đó, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách có liên quan, đặc biệt là khâu lựa chọn nhà đầu tư và khâu giao đất, cho thuê đất phải phân định rõ trường hợp thực hiện thông qua đấu thầu hoặc đấu giá, bảo đảm tránh thất thu cho ngân sách nhà nước và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cần rà soát, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật có liên quan, phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp và Kiểm toán Nhà nước để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, bảo đảm nguyên tắc đấu thầu hoặc đấu giá công khai, minh bạch; sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho các dự án áp dụng hình thức hợp đồng BT theo quy định của Luật Đất đai, trong đó việc xác định giá trị đất phải thông qua Hội đồng thẩm định.  

Về xử lý khoảng trống pháp lý, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Bộ Tài chính đang tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì Chính phủ sẽ quy định chi tiết về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT; quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2018, không áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng-chuyển giao.

Thay vào đó, việc quy định thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT thuộc thẩm quyền của Chính phủ (cấp ban hành văn bản quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT).
 
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, các đơn vị phải tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao có hiệu lực thi hành.     

Trong thời gian tới, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Bộ Tài chính sẽ tích cực bám sát chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 119/2018/NQ-CP ngày 09/9/2018, đó là “Trong thời gian Nghị định này chưa được ban hành và chưa có hiệu lực thi hành, giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý khoảng trống pháp lý kể từ ngày Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực để không làm ảnh hưởng đến các dự án đang triển khai, đặc biệt là các dự án BT đã ký kết Hợp đồng”.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã có Công văn số 11590/BTC-QLCS ngày 24/9 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xử lý khoảng trống pháp lý kể từ ngày 01/01/2018 (Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành) với nguyên tắc đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; thanh toán cho các dự án BT đang triển khai theo đúng quy định của pháp luật về thanh toán dự án BT từng thời kỳ.

Không nói nội dung cụ thể nhưng ông Nguyễn Tân Thịnh nêu các nguyên tắc quản lý mà Bộ Tài chính đề ra khi báo cáo Chính phủ. Đó là, theo hướng dẫn, phạm vi áp dụng, điều chỉnh dự án đã ký kết hợp đồng xây dựng-chuyển giao trước 1/1/2018 phù hợp với quy định của pháp luật, sẽ được tiếp tục thực hiện sử dụng tài sản thanh toán theo quy định pháp luật áp dụng cho từng thời kỳ. Quy định cụ thể về trình tự thủ tục, thực hiện việc sử dụng tài sản để thanh toán; quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư; hướng dẫn cụ thể về xác định giá trị tài sản thanh toán cho các nhà đầu tư, giá trị tài sản công bảo đảm theo đúng giá thị trường tránh thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước.

Ông Nguyễn Tân Thịnh khẳng định, khi sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán dự án BT phải tuân thủ quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 44 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định. Cụ thể quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Đối tượng, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm, giá trị quyền sử dụng đất được sử dụng để thanh toán dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán theo quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất.

"Có thể nói Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan rất khẩn trương trong việc soạn thảo, trình dự thảo Nghị định”, ông Thịnh nói.

Huy Thắng (chinhphu.vn)

Có thể bạn quan tâm

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.