Làm mới những ngày xưa cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngay cả người dân bản địa cũng tròn mắt ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của những chiếc áo dài, váy, khăn choàng thổ cẩm... tại Chương trình thời trang Thổ cẩm Tây Nguyên vừa diễn ra tại khu du lịch Măng Đen, Kon Tum. Những vải áo, hoa văn, váy, khố này vốn là trang phục hàng ngày của người dân bản địa. Nhưng qua những nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp, những cách điệu nghệ thuật đã "chắp cánh" cho nét văn hóa truyền thống này bay cao, bay xa...

Trang phục thiết kế với thổ cẩm Tây Nguyên vừa quen, nhưng cũng rất lạ trong mắt du khách và ngay cả với người dân bản địa. Ảnh: Hà Nguyễn
Trang phục thiết kế với thổ cẩm Tây Nguyên vừa quen, nhưng cũng rất lạ trong mắt du khách và ngay cả với người dân bản địa. Ảnh: Hà Nguyễn



Với chủ đề “Hẹn nhau giữa đại ngàn Tây Nguyên”, Chương trình thời trang Thổ cẩm Tây Nguyên do UBND huyện Kon Plông, Kon Tum chủ trì phối hợp với nhà thiết kế Minh Hạnh và 10 nhà thiết kế nổi tiếng khác của Việt Nam vừa tổ chức hôm 29, 30.10.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum (9.2.1913 - 9.2.2023). Sự kiện văn hóa du lịch đã để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng đẹp. Sân khấu chính cũng là sàn diễn thời trang được thiết kế giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp ngay trên mặt nước dưới chân thác Pa Sỹ hùng vỹ, trong rừng thông vi vu gió lạnh. Hơn 200 mẫu áo dài, thời trang thổ cẩm trong bộ sưu tập của Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh và 10 nhà thiết kế nổi tiếng trong nước được giới thiệu tới công chúng trong nền nhạc với những thanh âm của đại ngàn.


 

Thông xanh, hoa trái vùng ôn đới, tượng nghệ thuật... những đặc sản Tây Nguyên đã “làm nền” cho sàn diễn thời trang giữa rừng thông ở Măng Đen.
Thông xanh, hoa trái vùng ôn đới, tượng nghệ thuật... những đặc sản Tây Nguyên đã “làm nền” cho sàn diễn thời trang giữa rừng thông ở Măng Đen.
Trang phục thổ cẩm Tây Nguyên vừa quen, nhưng cũng rất lạ trong mắt du khách và ngay cả với người dân bản địa. Ảnh: Hà Nguyễn
Trang phục thổ cẩm Tây Nguyên vừa quen, nhưng cũng rất lạ trong mắt du khách và ngay cả với người dân bản địa. Ảnh: Hà Nguyễn
 
 Biểu diễn thời trang ngay lòng hồ ở dưới chân thác nước Pa Sỹ, Măng Đen, Kon Tum.
Biểu diễn thời trang ngay lòng hồ ở dưới chân thác nước Pa Sỹ, Măng Đen, Kon Tum.


Điều đặc biệt, ngoài 40 nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu tham gia trình diễn còn có 100 diễn viên không chuyên là các em học sinh dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum.

Trong cái mát lạnh dịu êm của vùng khí hậu ôn đới Măng Đen - nơi được mệnh danh là Đà Lạt 2, các người mẫu đã chân trần lội suối, dạo trong rừng thông... Những hoa trái bản địa, tượng gỗ nghệ thuật, thông xanh... những đặc sản Tây Nguyên đã “làm nền” cho sàn diễn thời trang, tạo ấn tượng khó quên của cả người mẫu lẫn du khách.

Thời điểm này, tại Nhà rông Kon Klor, phường Thắng Lợi, TP.Kon Tum cũng diễn ra liên hoan Cồng chiêng - Múa xoang với gần 1.100 học sinh tham gia. Đây không chỉ là hoạt động giáo dục truyền thống của địa phương mà còn là sản phẩm du lịch rất hấp dẫn đối với du khách.

Điều đáng nói là các sản phẩm văn hóa phi vật thể như múa Xoang, cồng chiêng hay các sản phẩm văn hóa vật thể là nhà rông, trang phục thổ cẩm, tượng gỗ... vốn bình dị, tồn tại song hành với đời sống thường ngày của người dân, thậm chí quen thuộc đến mức họ không để ý, bỗng nhiên thành những "sản phẩm" du lịch hấp dẫn trong mỗi sự kiện văn hóa, lễ hội. Thậm chí mới lạ với chính chủ nhân của nó. Đây là một trong những cách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hiệu quả nhất hiện nay.



https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/lam-moi-nhung-ngay-xua-cu-1112913.ldo

Theo THANH HẢI (LĐO/ảnh Hà Nguyễn)

Có thể bạn quan tâm