Lợi nhuận cao cộng với áp lực cuộc sống khiến cây rừng vẫn ngã đổ bởi hoạt động khai thác trái phép, thậm chí có sự tiếp tay của lực lượng được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ cho ngàn xanh bình yên. Còn nguyên nhân cây rừng vẫn bị khai thác trái phép là do lực lượng mỏng, phụ cấp thấp, địa bàn rộng, lâm tặc tinh vi hơn… Mới đây, tại lâm phần quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lơ Ku (địa phận xã Krong, huyện Kbang) đã xảy ra vụ khai thác gỗ trái phép. Lực lượng chức năng bắt quả tang 3 đối tượng gồm: Trần Văn Hà, Ngô Văn Thắng, Trần Văn Kền (cùng trú tại làng Hro, xã Krong) dùng cưa xăng hạ 7 cây rừng với khối lượng gỗ gần 19 m3. Vụ việc tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn khai thác lâm sản trái phép.
Thay đổi nếp nghĩ, nhận thức của người dân về lợi ích lâu dài là yếu tố tiên quyết để giữ rừng. Một trong những phần việc cần duy trì, phát huy là giao khoán rừng cho các hộ dân bảo vệ, chăm sóc. Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh Ngô Văn Thắng chia sẻ: Vườn đang giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 26 nhóm hộ dân thuộc 18 cộng đồng làng đồng bào Bahnar sinh sống gần rừng, với tổng diện tích 17.950 ha, đơn giá 350 ngàn đồng/ha/năm. Nguồn thu nhập từ nhận khoán giúp các hộ dân cải thiện đời sống, gắn bó hơn với rừng. Tại làng Kon Nak (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa), ý thức bảo vệ màu xanh của đại ngàn cũng được nâng lên, nhất là khi tất cả 52 hộ dân tham gia nhận khoán 1.400 ha rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Dấu chân tuần tra của lực lượng nhận khoán in hằn trên lớp lá khô của rừng già. Ông Thươn-thành viên Tổ nhận khoán bảo vệ rừng làng Kon Nak-thổ lộ: “Tham gia giữ rừng, làng sẽ có khoản quỹ chung và các gia đình có thêm thu nhập. Vì thế, mọi người hăng hái tuần tra canh gác. Cũng nhờ đó mà tình trạng khai thác rừng trái phép trong diện tích nhận khoán giảm hẳn. Chúng tôi thường xuyên đi tuần, thấy người lạ là báo ngay cho chủ rừng để cử lực lượng hỗ trợ. Ngoài ra, dân làng cũng ý thức hơn về bảo vệ rừng. Bà con không vào đốt rừng lấy đất làm rẫy như xưa nữa”.
Để giữ cho “viên ngọc” của Tây Nguyên mãi màu xanh, ngoài sự góp sức của người dân còn là quyết tâm của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách. Do vậy, chính quyền địa phương cần có giải pháp căn cơ để đội ngũ chuyên trách bảo vệ rừng hết lòng với công việc. Ông Lê Văn Vinh-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-cho rằng: “Một số quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về trách nhiệm, quyền hạn của kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đã gây không ít khó khăn cho hoạt động của đơn vị nói riêng, ngành lâm nghiệp nói chung. Vì trong quá trình tuần tra tại lâm phần quản lý mà có phát hiện hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, chúng tôi không có thẩm quyền xử lý vụ việc. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ rừng luôn đơn độc tuần tra nên thường xuyên phải đối đầu với lâm tặc, bị chống đối và gây thương tích khi đang thi hành nhiệm vụ”.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế, giúp người dân có cuộc sống khấm khá hơn. Rừng có hàng trăm loại thảo dược quý hiếm có tác dụng bồi bổ sức khỏe con người như: nấm lim xanh, nấm linh chi, nấm ngọc cẩu, sâm dây, sâm cau, na rừng, hà thủ ô đỏ, sa nhân, hoàng đằng, mật nhân… Hàng chục năm qua, cộng đồng dân cư sinh sống gần rừng được hưởng lợi từ việc khai thác các loại lâm sản phụ này. Thảo dược ở Khu dự trữ sinh quyển được đánh giá cao về chất lượng và được thị trường đón nhận. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế từ việc khai thác các loại dược liệu trong tự nhiên chưa cao, ổn định và tiềm ẩn nguy cơ tuyệt chủng nguồn gen quý. Trồng dược liệu dưới tán rừng thay cho việc chỉ khai thác trong tự nhiên hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững hơn.
Trên thực tế, tại huyện Kbang, người dân đã trồng thử nghiệm các loại dược liệu dưới tán rừng. Tại xã Kon Pne và Sơn Lang, nhiều hộ dân đã trồng sa nhân tím, đương quy dưới tán rừng sản xuất của gia đình, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa được như mong muốn.
Để khai thác tiềm năng của Khu dự trữ sinh quyển, ngoài ý chí tự cường của người dân, sự quan tâm của các cấp chính quyền thì rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế. Theo Chủ tịch UBND huyện Kbang Nguyễn Văn Dũng: Huyện đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đưa dự án trồng dược liệu dưới tán rừng vào danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát, xin chủ trương đầu tư các dự án trung tâm giống cây dược liệu, trồng dược liệu dưới tán rừng và sơ chế, chế biến dược liệu trên địa bàn. Sở Khoa học và Công nghệ đang hỗ trợ thực hiện mô hình nhân giống lan kim tuyến bằng nuôi cấy mô và trồng dưới tán rừng; trồng thí điểm sâm Ngọc Linh. “Đây là cơ sở để huyện khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đa dạng các sản phẩm dược liệu quý với nguyên liệu được thu hái từ tự nhiên, trồng dưới tán rừng, đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, gắn với phát triển sản phẩm OCOP, phục vụ người tiêu dùng, trong đó có cả du khách đến tham quan, trải nghiệm. Song song với đó, thời gian qua, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch, đầu tư hàng tỷ đồng nhằm hút khách tham quan tại các điểm du lịch nổi tiếng như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Khu du lịch sinh thái lịch sử Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu, Nhà lưu niệm Anh hùng Núp”-Chủ tịch UBND huyện Kbang cho hay.
Còn ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh thì thông tin: “Chúng tôi mới đưa vào khai thác một số tuyến du lịch mới như: chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh, tìm hiểu cây thông 5 lá cổ thụ, thưởng ngoạn 1 số ngọn thác đẹp trong Vườn… Đơn vị cũng đã mời các công ty lữ hành trong nước đến khảo sát và kêu gọi liên doanh, liên kết đầu tư phát triển du lịch nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái của Khu dự trữ”.