Ngàn xanh che bóng ánh chiều tà, hơn chục bóng đèn gắn trên trụ bê tông vụt sáng soi rõ con đường liên thôn phẳng lỳ. Ông Đinh Văn Khiết-Trưởng thôn Kon Lốc 2 (xã Đak Rong, huyện Kbang) cùng chúng tôi thong thả ngắm cảnh vùng sơn cước. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà đặc trưng của người miền thượng, có cả những mảnh vườn được quây bằng lưới B40 ngăn cách với đường lộ. Nổi bật nhất là ngôi nhà rông to đẹp sừng sững ở khoảnh đất giữa làng.
Ông Khiết hồ hởi: “Quỹ nhận giao khoán bảo vệ rừng góp phần không nhỏ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Từ năm 2017 đến nay, 58 hộ dân nhận giao khoán 330 ha rừng và được Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đak Rong chi trả 99 triệu đồng/năm. Số tiền này ngoài dùng để chi trả công bảo vệ rừng cho các hộ, chúng tôi trích gần 3 triệu đồng/năm để gây quỹ. Quỹ dùng vào việc đầu tư nâng cấp đường sá, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn và chi cho các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao. Đơn cử như việc lắp đặt 13 trụ điện năng lượng mặt trời trên con đường này. Giữa năm 2021, dân làng thống nhất để lại 40 triệu đồng tiền nhận khoán bảo vệ rừng, trích một phần tiền quỹ và đóng góp thêm tiền, ngày công để thực hiện công trình. Bà con phấn khởi lắm, đường được thắp sáng giúp đi lại dễ dàng lại đảm bảo an ninh trật tự”.
Ở xã Kon Pne (huyện Kbang), người dân làng Kon Hleng cũng hưởng lợi không nhỏ từ quỹ nhận khoán bảo vệ rừng. Cùng với việc xây dựng hàng rào, mua hàng chục cây xanh trồng quanh nhà văn hóa, tiền quỹ còn được sử dụng làm vốn vay không tính lãi giúp các hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. “Năm nào chúng tôi cũng trích 10-30 triệu đồng tiền nhận khoán bảo vệ rừng làm quỹ chung cho các hộ khó khăn vay để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nhiều hộ đã có cuộc sống ổn định hơn. Chúng tôi cũng mua cuốc xẻng phân phát cho dân làng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp”-ông A Phir-Trưởng thôn Kon Hleng-vui vẻ nói.
Một trong những nguồn lợi khác mà cao nguyên Kon Hà Nừng mang lại cho người dân là lâm sản phụ. Trong những cánh rừng ngút ngàn xanh có vô vàn loại lâm sản phụ giàu giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe con người. Có thể kể đến ở đây như nấm linh chi, nấm cổ cò, sa nhân tím, lan kim tuyến, quả xoay... Mùa nào thức nấy, cư dân sinh sống quanh rừng lại vào khai thác lâm sản phụ. Nhờ đó mà họ đã có thêm một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con cái ăn học.
Ông Đinh Minh Bang (làng Điện Biên, xã Sơn Lang, huyện Kbang) chia sẻ: “Hàng năm, gia đình có thêm khoản thu nhập chừng 20 triệu đồng từ khai thác lâm sản phụ. Từ tháng 3 đến tháng 5, chúng tôi khai thác mật ong và các loại nấm rừng. Tầm cuối năm thì hái đót, quả xoay. Nguồn thu này giúp gia đình có tiền mua thức ăn, cây giống và phân bón”. Mỗi năm, gia đình anh A Mưm (làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang) cũng có thu nhập thêm vài chục triệu đồng từ khai thác lâm sản phụ. “Dân làng đều được hưởng lợi từ nguồn lâm sản phụ. Chúng tôi đi hái ngọn đót, quả na, lấy mật ong về bán. Mật ong ở rừng Mang Yang được nhiều người ưa chuộng vì thơm ngon, bổ dưỡng, hiếm nơi nào sánh bằng”-anh A Mưm chia sẻ.
Được hưởng lợi từ rừng nên dân cư sinh sống lân cận chung sức bảo vệ rừng mãi xanh. Đơn cử như tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, nguồn thu nhập hơn 1,8 tỷ đồng/ha/năm tiếp thêm động lực để 291 hộ dân ở 5 cộng đồng định cư lân cận rừng ra sức bảo vệ 4.000 ha nhận khoán. Với sự chung tay bảo vệ của người dân, tình trạng xâm hại rừng giảm mạnh. Cụ thể, trong năm 2021, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng chỉ xảy ra 2 vụ người dân vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng.
Theo ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Đak Rong, thực hiện Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, UBND xã đã vận động 5 làng gồm: Kon Bông, Kon Lốc 1, Kon Lốc 2, Hà Nừng 1, Kon Von 2 nhận khoán bảo vệ cho 2 chủ rừng. Nguồn kinh phí mà chủ rừng chi trả khoảng 40 triệu đồng/năm/làng.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng đang là điểm đến yêu thích của du khách thập phương. Họ đến để thưởng lãm vẻ đẹp của núi rừng. Trong đó, thác 50 hùng vĩ nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đang là địa điểm hút khách nhất. Khi khách đến tham quan thác 50 ngày càng đông, dân cư trong vùng có thêm thu nhập từ những nghề mới như: chở khách, vận chuyển đồ đạc, nấu ăn. Nếu anh Nguyễn Văn Khương (làng Điện Biên) tham gia đội quân phục vụ dọn dẹp, nấu ăn thì anh Đinh Văn Quý (làng Đak Tơ Nglông, xã Sơn Lang) chở khách, vận chuyển đồ đạc cho khách đến ngắm cảnh thác 50. Tiền công họ được trả khoảng 500-600 ngàn đồng/ngày. Nếu khách có nhu cầu, họ bán thực phẩm do gia đình làm được.
Trưởng thôn Điện Biên Nguyễn Xuân Long cho hay: “Trước đây, 128 hộ dân trong thôn chỉ biết làm rẫy, thu hái lâm sản phụ. Còn khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ đã làm thêm mấy phần việc như chở khách hay nấu nướng. Công việc này thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 trong năm. Nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ thu nhập cao từ mấy nghề này; có ngày họ được trả 500-700 ngàn đồng”.
Trên con đường mòn dẫn vào mấy ngọn thác đẹp trong lâm phần Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng quản lý, từng tốp du khách ngược xuôi với tâm trạng háo hức, vui vẻ. Niềm vui hiện trên khuôn mặt của nhiều nhóm du khách khi đến với đại ngàn. Họ không ngớt lời trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp tuyệt mỹ của thắng cảnh Kon Chư Răng. Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng-thông tin: Từ tháng 3-2022 đến nay, Khu bảo tồn đón hơn 2 ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Riêng thác 50 được nhiều người lựa chọn tham quan nhất. Qua đó, người dân có thêm thu nhập, nhất là những hộ dân người Bahnar sinh sống gần đơn vị.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng là một điểm đến yêu thích trong hành trình tham quan, trải nghiệm của du khách. Chính điều này đã mang đến cho nhiều người dân, công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn thu. “Mấy năm trước, tôi được thuê dẫn khách vào rừng tham quan, ngắm voọc chà vá chân xám và hướng dẫn kỹ năng sinh tồn. Một lần đi như thế, khách trả từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Tôi cũng đã chuẩn bị các điều kiện để tới đây trở lại hướng dẫn khách trải nghiệm rừng Kon Ka Kinh”-anh A Mưm nói.