Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng được ví như viên ngọc xanh của Tây Nguyên bởi sự đa dạng về sinh học và đặc trưng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Nơi đây có nhiều động-thực vật đặc hữu có tên trong Sách đỏ thế giới như: voọc chà vá chân xám, vượn má hung, mang lớn, trầm hương...
Cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích hơn 413.511 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ và thị xã An Khê. Toàn bộ khu dự trữ sinh quyển được khoanh vùng thành 3 khu chức năng gồm: 2 vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm và vùng chuyển tiếp.
Phóng tầm mắt về phía đỉnh Kon Ka Kinh xanh vời vợi, ông Djưng (làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang) không giấu được xúc động khi kể lại câu chuyện hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu, bảo tồn loài voọc chà vá chân xám, nằm trong 25 loài linh trưởng nhóm nguy cấp, quý hiếm của thế giới. Ông nhắc nhớ: Năm 2005, khi biết TS. Hà Thăng Long muốn tìm người dẫn đường đi tìm hiểu về loài voọc chà vá chân xám trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để có cơ sở kêu gọi bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này, ông liền nhận lời giúp. Sống dựa vào rừng từ thuở bé nên ông không lạ tập tính của loài này. Chỉ cần nghe mùi nước tiểu là ông biết chúng đã ở khu vực đó bao lâu và những nơi thường trú ngụ. Voọc thường sống theo đàn. Con đực đầu đàn thường ở chỗ cao nhất để quan sát động tĩnh xung quanh, phát hiện có dấu hiệu lạ là báo cho cả đàn biết để di chuyển đi nơi khác. Vì thế, ông đã dẫn đường cho đoàn nghiên cứu tìm được nhiều đàn voọc trong rừng Kon Ka Kinh.
Tu hú gọi chiều vào tối. Trên con đường nhỏ từ rừng dẫn ra khu điều hành của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, thi thoảng lại thấy một vài con thú lao vút qua. Sương chiều bảng lảng, gió thông thốc thổi. Chia sẻ với chúng tôi về sự đa dạng sinh học của nơi này, ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-cho hay: “Ngoài 2 loại đặc hữu là voọc chà vá chân xám và khướu Kon Ka Kinh, Vườn còn có khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát cùng nhiều loài quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng”.
Đứng ở đài cao khoảng 50 m trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, chúng ta sẽ nhận thấy một màu xanh ngút ngàn của cây cối. Trong đó, nhiều cây tỏa tán rộng. Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng-thông tin: Khu bảo tồn đã xác định được 863 loài thực vật, trong đó có 22 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 7 loài trong Sách đỏ thế giới. Về động vật hoang dã có xương sống, nơi đây ghi nhận được 380 loài, trong đó có 80 loài thú, 228 loài chim, 38 loài bò sát, 34 loài lưỡng cư. Hiện có 64 loài động vật hoang dã có xương sống nằm trong danh mục các loài cần được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế; trong đó có một số loài thú đang bị đe dọa ở mức toàn cầu và 17 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 3 loài thú đặc hữu của Đông Dương là vượn má hung, voọc chà vá chân nâu và mang lớn. Ngoài ra, trầm hương và sao hải nam là các loài thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Hoan cho hay: Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng đảm bảo đầy đủ tiêu chí theo quy định của tổ chức UNESCO. Trong khu dự trữ sinh quyển có nhiều hệ sinh thái như rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp, rừng kín nhiệt đới thường xanh cây lá rộng, thảm cây bụi, trảng cỏ và các khu vực đất nông nghiệp, khu dân cư… Nhờ đó, cao nguyên Kon Hà Nừng mang đặc trưng hệ sinh thái rừng nhiệt đới ở Tây Nguyên. Riêng 2 vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tạo nên hành lang đa dạng sinh học, duy trì sự toàn vẹn và tổng thể các hệ sinh thái rừng nhiệt đới còn lại của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Trải rộng trên diện tích hơn 413.511 ha, cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều thắng cảnh, phù hợp với hình thức du lịch sinh thái. Nổi bật nhất là vùng lõi Kon Chư Răng với những cánh rừng nguyên sinh cùng hơn 10 thác ghềnh mê hoặc lòng người như: thác 50, thác 40, Trại Bò, Ba Tầng… Trong số này, thác 50 được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Ngọn thác đầu nguồn sông Kôn như một dải lụa vắt ngang ngàn xanh. Từ thượng nguồn, dòng nước mát lành len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh rồi lao mình qua dải đá đứt gãy và rơi tự do chừng 50 m xuống dưới chân thác, ầm ào chảy về với biển. Cắm trại ngủ lại một đêm cạnh thác 50, nghe tiếng nước ầm ào đổ, nghe tiếng côn trùng rả rích, thú gọi bầy và ngắm trăng xuyên qua kẽ lá sẽ là một trải nghiệm khó quên với những người ưa thích du sơn, ngoạn thủy.
Trong hành trình khám phá thác ghềnh giữa Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng mà chưa đặt chân đến thác Ba Tầng (xã Đak Rong, huyện Kbang) là một thiếu sót. Sông Ba từ đầu nguồn Kon Ka Kinh chảy qua địa phận xã Đak Rong gặp triền đá xếp cao rồi thoải dần thành nhiều bậc, nước cứ thế tràn từ cao xuống thấp thành một dòng thác đẹp. Hai bên thác là những cây rừng cao lớn tỏa bóng. Trên những hòn đá dưới chân thác có hình thù dấu chân người.
Ngọn núi cao nhất của cao nguyên Kon Hà Nừng mang tên Kon Ka Kinh sẽ là một chặng dừng chân khó quên với những du khách ưa mạo hiểm. Sau 2 ngày 1 đêm chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh, chị Hoàng Ngọc (TP. Pleiku) không ngớt trầm trồ vẻ đẹp tuyệt mỹ của tạo hóa: “Có một mùa xuân vĩnh cửu trên đỉnh Kon Ka Kinh. Đỉnh non thiêng là rừng trúc đan dày. Những thân trúc mảnh mai rêu xanh phủ mịn đến mức không phân biệt được màu xanh của thân cây hay màu xanh của rêu phủ. Nếu gọi khu vực trên đỉnh là rừng rêu cũng không sai bởi độ ẩm cao khiến lớp thực vật phát triển mạnh, phủ dày lên mọi bề mặt. Ấn tượng nhất là những cây mận trăm tuổi gần đỉnh núi cong queo đủ hình thù, phủ rêu xanh mướt, ngả ra như chiếc võng mịn êm như nhung. Cây cối trên đỉnh núi cũng phủ kín rêu xanh khiến cả khu rừng nguyên sinh như trong phim cổ tích”.
Cao nguyên Kon Hà Nừng còn có những ngôi làng đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Ấn tượng nhất với chúng tôi chính là những ngôi làng ở xã Kon Pne, huyện Kbang. Kon Pne lọt thỏm giữa những ngọn núi trùng điệp nối tiếp nhau. Những ngôi làng người Bahnar với nhà sàn đơn sơ dựng sát chân núi. Không khí trong lành, mát mẻ. Chạm ngõ Kon Pne mà cứ ngỡ đang ở Măng Đen (tỉnh Kon Tum) hay Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Ngược về xã Đak Rong sẽ cảm nhận được không khí yên bình ở làng Kon Bông. Làng nằm giữa thung lũng, bao quanh làng là màu xanh của cây rừng, ruộng đồng. Điểm xuyết vào đó là màu xanh, đỏ của mái nhà dân, chủ yếu là nhà sàn. Đường sá đổ bê tông phẳng phiu, sạch sẽ. Một cây cầu bắc qua dòng sông Ba ăm ắp nước tô thêm vẻ đẹp cho ngôi làng vùng sơn cước. Bà con nơi đây còn giữ được nét văn hóa truyền thống như đan gùi, đánh cồng chiêng, xoang và nhiều nghi lễ độc đáo của người Bahnar.