(GLO)- Tam giác phát triển (TGPT) Campuchia-Lào-Việt Nam là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng trong quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa 3 nước và được Chính phủ 3 nước có chủ trương đẩy mạnh đầu tư phát triển. Tuy nhiên, hiện nay TGPT vẫn là khu vực có trình độ phát triển còn thấp do gặp phải nhiều rào cản trong việc hợp tác và thu hút các nguồn đầu tư vào khu vực. Một trong những nguyên nhân của rào cản đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ công nhân có kỹ năng tay nghề để đáp ứng nhu cầu cho các dự án đầu tư trong khu vực.
Đầu tư phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam gồm 13 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Bình Phước (Việt Nam), Sekong, Attapeu, Saravan, Champasak (Lào) và Stung Treng, Rattanakiri, Mondulkiri, Kratie (Campuchia). Khu vực có tổng diện tích tự nhiên khá lớn, với dân số gần 7 triệu người, chiếm khoảng 6,1% dân số 3 nước. Trong hai năm 2011 và 2012, tính chung cho cả khu vực TGPT có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt khoảng 10%/năm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 7. |
Theo TS. Hoàng Ngọc Phong- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển thì trong những năm qua, các tuyến đường giao thông liên kết giữa các địa phương trong khu vực TGPT đã được nâng cấp, kết nối với cảng biển lớn ở miền Trung Việt Nam như Đà Nẵng, Dung Quất và Quy Nhơn để đi tới các nước trong khu vực và quốc tế. Các địa phương của Việt Nam đã hợp tác cung cấp điện cho các tỉnh của Lào và Campuchia. So với quy hoạch thì hiện nay có một số lĩnh vực phát triển khá nhanh như: các dự án đầu tư trong các lĩnh vực thủy điện; tìm kiếm, khai thác và chế biến khoáng sản; phát triển trồng và chế biến sản phẩm các cây công nghiệp dài ngày có giá trị cao (cao su và cà phê). Các công trình thủy lợi lớn và vừa đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần quan trọng vào giải quyết nước cho sản xuất và đời sống dân cư.
Việt Nam hiện có 222 dự án đầu tư vào Lào và 120 dự án đầu tư vào Campuchia. Trong đó, riêng tại khu vực TGPT, Việt Nam đã đầu tư vào Lào 50 dự án và Campuchia 25 dự án, với tổng số vốn hơn 3 tỷ USD, tập trung ở các lĩnh vực chủ yếu như: khai khoáng, công nghiệp chế biến và chế tạo, nông-lâm nghiệp. Trong khi đó, tại 5 tỉnh thuộc khu vực TGPT của Việt Nam, tính chung cho cả Lào và Campuchia chỉ mới đầu tư 7 dự án, với số vốn khoảng 95 triệu USD. Theo TS. Nguyễn Đình Hiền-Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn thì số lượng các dự án mà Việt Nam đầu tư vào hai nước trong khu vực khá cao so với tiềm năng, trình độ phát triển của Việt Nam, đồng thời qua đây cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam đối với các đối tác quan trọng trong khu vực.
Ảnh: Minh Thi |
Qua đó cũng cho thấy rằng, do khả năng và trình độ phát triển kinh tế của Lào và Campuchia còn nhiều hạn chế nên năng lực đầu tư ra nước ngoài nói chung và đầu tư vào Việt Nam ở khu vực TGPT nói riêng còn thấp. Mặc dù, tại khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên hiện nay có số dự án và số vốn đầu tư của nhiều nước khác chiếm tỷ lệ khá cao.
Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp và quy mô kinh tế còn nhỏ so với mỗi nước, nên kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển và chưa tạo được bước đột phá để phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực. Vì vậy, Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 8 khu vực TGPT Campuchia-Lào-Việt Nam mới được tổ chức gần đây đã nhìn nhận rằng, hiện nay, hiệu quả công tác triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác đa phương và song phương trong khu vực còn nhiều hạn chế.
Các công trình hợp tác về phát triển kết cấu hạ tầng còn chậm so với kế hoạch và quy hoạch đề ra. Nguồn lực thực hiện các dự án từ mỗi nước còn rất hạn hẹp, trong khi việc kêu gọi nguồn hỗ trợ từ bên ngoài chưa được nhiều. Hợp tác thương mại và đầu tư còn nhiều bất cập. Các chính sách thuế, thủ tục đầu tư chưa được nhất quán.
Cần Nguồn nhân lực lao động chất lượng cao
Lãnh đạo các trường đại học cho rằng, việc thu hút đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như: cơ chế chính sách, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực… Trong các yếu tố đó, việc sẵn sàng về nguồn nhân lực chất lượng cao đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế, dịch vụ… Chính vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt nhằm tạo ra nguồn lực phù hợp, đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư vào các tỉnh, khu vực trong tương lai.
Cả ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam đã có chủ trương đẩy mạnh đầu tư phát triển khu vực TGPT với mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng của khu vực giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 10-11%/năm, với thu nhập bình quân đầu người đạt 1.300 USD vào năm 2015 và khoảng 2.000 USD vào năm 2020. Theo đó, sẽ điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng đến năm 2020 khu vực nông-lâm-thủy sản chiếm khoảng 33,6%, khu vực phi nông nghiệp chiếm khoảng 66,4% (trong đó công nghiệp-xây dựng chiếm 32,2%, dịch vụ 34,2%). Vì vậy, vấn đề phát triển nguồn nhân lực ở các ngành kinh tế có nhiều tiềm năng và đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng, tay nghề cao phục vụ cho các dự án, sẽ có tính quyết định cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của cả khu vực TGPT.
Cửa Khẩu Phu Cưa- Lào. Ảnh: Minh Thi |
TS. Trần Xuân Thực-Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng miền Trung nhận định: “Hiện nay cả nước nói chung, ở khu vực Tây Nguyên nói riêng đang trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Từ thực trạng và kết quả dự báo cho thấy nhu cầu lao động ở khu vực Tây Nguyên trong thời gian đến là rất lớn, đặc biệt là từ năm 2015 trở đi. Bởi một khi các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và khoa học kỹ thuật phát triển thì việc sử dụng lực lượng lao động có trình độ chuyên môn hóa với tay nghề cao là một nhu cầu thiết yếu cho sự phát triển.
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay khu vực TGPT, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên (Việt Nam) có tiềm năng lao động rất lớn. Vì vậy, cần quan tâm nhiều hơn trong công tác đào tạo, dạy nghề theo hướng chuyên môn hóa, nhằm thúc đẩy phát triển tỷ lệ lao động qua đào tạo. Với thế mạnh và tiềm năng của mình, Việt Nam sẽ giúp 2 nước Campuchia và Lào trong việc đào tạo công nhân có trình độ, kỹ năng và tay nghề kỹ thuật cao, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngày một lớn tại các dự án đầu tư trong khu vực. Muốn vậy, chúng ta cần có cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cấp các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, đào tạo nghề của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.
Đại Thắng