Những bộ sưu tập gắn với ký ức tuổi thơ
Nguyễn Trương Khánh Lam (31 tuổi), ngụ ở tỉnh Bạc Liêu tự nhận bản thân có bộ sưu tập Doraemon không thể đếm xuể hết, từ gấu bông, túi xách đến trang phục. Niềm đam mê này bắt nguồn từ những cuốn truyện tranh Doraemon thời thơ ấu trong tiệm sách báo của gia đình. "Việc ngắm nhìn bộ sưu tập ấy thật sự khiến mình giảm căng thẳng và nhớ lại những ký ức đẹp suốt thời thơ ấu", Lam nói.
Niềm đam mê của Lam được gia đình và bạn bè ủng hộ. Biết con dâu mê mèo máy, trong ngày cưới, ba mẹ chồng chị còn tặng một dãy tường rào hình Doraemon. "Hiện tại, ba chồng đã qua đời, nhưng mỗi lần nhìn những bức tường đó, mình lại cảm thấy như có một ký ức đẹp được lưu giữ mãi", Lam nói.
Huỳnh Ngô Phú Đức (33 tuổi), giáo viên tại một trường THPT ở H.Bình Chánh, TP.HCM, đã sưu tập hơn 350 mô hình One Piece trong 15 năm. Nhà anh có 3 chiếc tủ lớn, chiều cao khoảng 2,5 m, trung bình mỗi tủ ngang 2 m và 1 chiếc tủ treo chỉ dành trưng bày các nhân vật trong bộ truyện, được bảo quản kỹ. "Với mình, đây là cách lưu giữ tuổi thơ và tạo nguồn cảm hứng. Việc ngắm bộ sưu tập giúp mình xua tan mọi lo âu", Đức chia sẻ.
Niềm đam mê này bắt đầu từ năm lớp 2, khi Đức nhận được cuốn truyện tranh One Piece làm quà sinh nhật. "Tác giả Oda đã tạo nên một thế giới tuyệt vời. Từ đó, mình bắt đầu hành trình sưu tập, từ sách truyện, mô hình đến các món liên quan như poster, huy hiệu. Dù đã trưởng thành, niềm đam mê này vẫn nguyên vẹn", anh tâm sự.
Nguyễn Đức Tiến (29 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng sở hữu một bộ sưu tập đồ chơi, gấu bông đồ sộ lên tới cả trăm con. Mới đây, Tiến vừa bổ sung thêm 30 mẫu baby three vào bộ sưu tập vì quá yêu thích sự đáng yêu của chúng. "Mình đã săn lùng rất vất vả để có được con rồng và heo trong bộ sưu tập 12 con giáp. Khi sở hữu, cảm giác vui sướng khó tả", Tiến nói.
Đồ chơi là giải pháp xoa dịu tinh thần cho người lớn?
Khánh Lam nói rằng việc sưu tập đồ chơi không chỉ giúp chị lưu giữ thanh xuân mà còn mang lại niềm vui giữa những bộn bề cuộc sống. Dù đôi lúc phải đối mặt với ý kiến trái chiều, Lam vẫn kiên định với đam mê của mình.
"Mình xem đây là phần thưởng sau một ngày làm việc vất vả. Ở lứa tuổi trưởng thành, nếu sở thích sưu tập đồ chơi không gây hại, thì nó hoàn toàn có thể trở thành cách để giữ lại ký ức đẹp và tận hưởng niềm vui từ những điều giản dị. Mình sẽ tiếp tục duy trì sở thích này và cố gắng hướng nó theo những gì tích cực nhất", Lam chia sẻ.
Còn Phú Đức cho biết sau giờ làm việc căng thẳng, việc ngắm bộ sưu tập giống như liệu pháp giúp anh giải tỏa tâm trạng. Chỉ cần dành thời gian trong phòng, nhìn ngắm các món đồ chơi, Đức như quên hết mọi lo âu, áp lực. Hiện tại, anh còn quản lý nhóm Vietnam Figure Group, nơi kết nối những người có chung đam mê với số lượng thành viên "khủng". Nhóm thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, trao đổi mô hình 3 miền để giữ lửa cho sở thích này.
Theo ông Đặng Thiên Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Quảng cáo TP.HCM, đồ chơi như labubu, baby three... là liệu pháp giải tỏa tinh thần hiệu quả trong thế giới đầy áp lực. "Ai cũng có một "đứa trẻ nội tâm" cần được nuôi dưỡng và bảo vệ. Đồ chơi giúp con người thoát khỏi sự phức tạp của cuộc sống người lớn. Ngoài ra, truyền thông số đang góp phần thúc đẩy xu hướng này khi các video "đập hộp" đồ chơi trở thành nội dung viral, lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội", ông Phong nói.
Ông Phong cho rằng khác với những trào lưu nhất thời, xu hướng sưu tập đồ chơi ở người lớn được dự báo sẽ phát triển lâu dài. Các nhà sản xuất ngày càng đầu tư vào những sản phẩm mang giá trị trải nghiệm cao, không chỉ tập trung vào yếu tố dễ thương mà còn kết hợp nghệ thuật.
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Xuân Trung, Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) nhận định việc người lớn chơi đồ chơi trẻ em không phải biểu hiện của bệnh lý, mà đơn thuần là sở thích cá nhân. "Nếu sở thích này không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, chúng ta nên tôn trọng nó", bác sĩ Trung nói.
Tuy nhiên, bác sĩ Trung cũng khuyến nghị rằng nếu hành vi này đi kèm các vấn đề tâm lý khác, cần tìm hiểu nguyên nhân để có sự hỗ trợ phù hợp.
"Chúng ta đều có quyền tìm kiếm niềm vui trong những điều nhỏ bé. Không chỉ là món đồ chơi mà đó còn là phương thuốc xoa dịu tâm hồn giữa thế giới đầy căng thẳng", bác sĩ Trung nhấn mạnh.
Theo Phương Vy (TNO)