Xuất thân, công việc, hoàn cảnh cũng như điều kiện sống khác nhau nhưng tựu trung những gương mặt Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác đều có ý chí, nghị lực vươn lên và luôn khát khao được cống hiến, phục vụ cộng đồng...
Đại úy Nguyễn Nhật Quang và bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu trả lời câu hỏi giao lưu tại lễ tuyên dương |
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Hồ Đức Hoàn nhận được một suất du học tại Phần Lan và tiếp đó là ở Pháp.
Học xong chương trình du học, Hoàn có cơ hội làm việc và định cư tại Pháp, song Hoàn quyết định về VN để thực hiện mô hình khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực giáo dục để thể hiện là một người trẻ phải có trách nhiệm đưa hình ảnh của VN đến với thế giới.
“Động lực thôi thúc Hoàn sớm quay về VN khi hoàn thành công việc học tập là xuất phát từ lần quá cảnh tại sân bay Frankfurt (Đức), trong hàng trăm hành khách đáp xuống sân bay, chỉ có đoàn du học sinh Việt bị giữ lại để “soi” tối đa. Lúc ấy mình thấy lòng tự tôn của dân tộc trỗi dậy và nghĩ rằng cần phải làm một điều gì đó để người nước ngoài có cái nhìn thay đổi hơn về người VN chúng ta”, Hoàn kể.
Từ những trăn trở đó đã thôi thúc Hoàn nghĩ về một giải pháp đánh giá chỉ số tín nhiệm cho từng cá nhân, tổ chức thông qua một phần mềm.
Hoàn thành lập Công ty cổ phần EBIV tại TP.HCM và đến nay có ảnh hưởng đến nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Với mục tiêu chính là tạo lập một cộng đồng - nơi người học trước đánh giá chất lượng của đơn vị đào tạo mà họ từng học thông qua phần mềm. Đây là nơi cung cấp, nhận phản hồi nguồn thông tin quan trọng để những người đi sau tham khảo trước khi đưa ra quyết định để lựa chọn cơ sở giáo dục nào trước khi học. “Sứ mệnh của phần mềm Hoàn làm ra là mang đến một chuẩn mực mới trong việc đo lường chất lượng đào tạo, đó là việc sử dụng sức mạnh cộng đồng để đánh giá chất lượng dạy và học, nâng tầm nền giáo dục VN trong tương lai”, Hoàn nói.
Trước câu hỏi: “Yếu tố nào quan trọng quyết định sự thành công trong khởi nghiệp?”, Hoàn chia sẻ: “Chúng ta nên rèn luyện sự sáng tạo liên tục mỗi ngày trong cách làm của mình. Và khi làm điều gì thì hãy đương đầu, nhận trách nhiệm và dám tiếp tục bước đi. Theo mình, có 3 yếu tố quyết định thành công trong khởi nghiệp. Đó là, đủ kiến thức, kỹ năng; tìm sự tư vấn từ chuyên gia, những người đi trước; chuẩn bị nguồn lực tài chính, có cộng sự chung chí hướng”.
Giao lưu tại lễ tuyên dương, người dẫn chương trình hỏi: “Con gái sao chọn học ngành kỹ thuật, mà cụ thể là học ngành dầu khí?”, đại biểu Nguyễn Thị Thu An, sinh viên Trường ĐH Dầu khí VN, trả lời: “Em nhận thấy mình học tốt các môn khoa học tự nhiên nên chọn học ngành này để phát huy tối đa khả năng, sở trường của mình. Hơn nữa, trong thực tế em cũng quan sát và thấy có nhiều bạn nữ xung quanh mình cũng học tốt về những ngành kỹ thuật không kém gì các bạn nam. Điều quan trọng là do chính mình quyết định. Và một khi mình đã đam mê thì đừng chần chừ hoặc e ngại bất kỳ lý do khách quan nào, mà hãy tập trung và cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất con đường mình đã chọn”.
Không những có thành tích cao trong học tập, Thu An còn tham gia và hoạt động tốt các phong trào rèn luyện. “Mình nhận thấy học hỏi được nhiều kiến thức từ thực tế khi tham gia các hoạt động phong trào mà không có bất cứ sách vở nào dạy cả. Vì khi tham gia vào môi trường học nhóm chẳng hạn, mình sẽ nhận được những ý kiến khác nhau. Chính vì vậy, mình sẽ có cơ hội lắng nghe và tập được cách làm sao dung hòa được tất cả những ý kiến ấy để tìm ra giải pháp tốt nhất để áp dụng”, An nói.
Với đại úy Nguyễn Nhật Quang, Phó đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP.Hà Nội, công việc thường xuyên đối mặt với những hiểm nguy và có nhiều rủi ro nhưng anh Quang cho biết sẽ tiếp tục và làm ngày một tốt hơn công việc này để mang lại sự bình yên cho xã hội.
Từ bỏ môi trường làm việc tốt tại thành thị, Nguyễn Văn Hiếu, bác sĩ tại Trung tâm huyện Mường Nhé, H.Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), chia sẻ: “Khi còn học năm thứ 4 của Trường ĐH Y Hà Nội, mình có suy nghĩ sau này ra trường sẽ cố gắng tìm một công việc có môi trường thật tốt, kiếm được nhiều tiền để giúp gia đình. Nhưng khi tốt nghiệp thì mình có suy nghĩ hoàn toàn khác. Đó là quyết định viết đơn xin tình nguyện đến vùng sâu, vùng xa để mang kiến thức, chuyên môn mà mình được trang bị phục vụ cộng đồng”.
Anh Hiếu kể: “Những ngày đầu lên công tác tại H.Mường Nhé mình gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện sống, trong cách hòa nhập, tiếp cận vì phong tục tập quán của người dân tộc. Nhưng sau 9 tháng công tác, mình đã hòa nhập với người dân địa phương và hiện có mong muốn được làm việc ở đây lâu dài để chăm sóc sức khỏe cho bà con”.
Lê Thanh (thanhnien)