Ngày 25-5, đàn bò tại 2 làng Brếp (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) có các triệu chứng như: sốt cao, bỏ ăn, trên thân xuất hiện u cục. Đến ngày 27-5, khi thấy bệnh diễn biến nặng, người dân mới báo lực lượng thú y xã. Nhận được tin báo, UBND xã Đak Djrăng báo cáo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mang Yang đến kiểm tra, phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng V xét nghiệm, kết quả dương tính với bệnh VDNC. Ngày 28-5, tại làng Đơ Rơn tiếp tục có 2 con bò bị mắc bệnh VDNC. Hiện tại, huyện Mang Yang có 33 con bò của 26 hộ tại 2 làng Brếp và Đê Rơn (xã Đak Djrăng) bị bệnh VDNC, trong đó có 2 con chết.
Ông Drêng (làng Brếp) cho hay: “Nhà tôi hiện có 7 con bò mắc bệnh VDNC. Sau khi được cán bộ hướng dẫn, tôi đã rắc vôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng và nhốt riêng những con bị bệnh. Đến nay, bệnh có dấu hiệu giảm, bò bắt đầu ăn bình thường trở lại”. Còn ông Bluih (cùng làng) thì buồn rầu: “Tôi có 3 con bò thì tất cả đều bị bệnh, trong đó có 2 con bị chết”.
Trong khi đó, tại huyện Đak Đoa, ngày 25-5, đàn bò ở làng Bia Bre (xã Ia Pết) xuất hiện bệnh VDNC. Sau đó, bệnh đã lây lan trên toàn xã với 82 con mắc bệnh. Đến ngày 31-5, bệnh tiếp tục xuất hiện tại đàn bò của 1 hộ dân làng Pral Sơ Mei (xã Đak Sơ Mei) với 10 con mắc bệnh.
Ông Huân (làng Bia Bre) cho biết: Đàn bò nhà ông có 5 con thì 1 con bị bệnh VDNC. Nhờ phát hiện bệnh sớm, ông đã báo cáo với cán bộ thú y xã và được hướng dẫn nuôi nhốt riêng, tiêm thuốc kháng sinh nên bò đã ăn uống bình thường. Đồng thời, gia đình ông phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng nuôi nên bệnh không lây lan. Còn ông Hyin (cùng làng Bia Bre) thì cho hay: “Tôi nuôi 2 con bò thì 1 con có các triệu chứng bệnh lạ. Sau khi cán bộ thú y xã kiểm tra thì mới biết bò bị bệnh VDNC. Hiện nay, tôi đã nhốt riêng và chăm sóc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn”.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 25-5 đến nay, bệnh VDNC trên đàn bò xuất hiện tại 3 xã: Đak Djrăng (huyện Mang Yang), Ia Pết và Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) với 125 con mắc bệnh của 83 hộ chăn nuôi. Ngoài ra, tại Chư Sê có 55 con bò cũng có các triệu chứng nghi ngờ của bệnh VDNC, qua 2 lần xét nghiệm đều âm tính. Còn tại xã Ia Nan (huyện Đức Cơ), cơ quan chuyên môn huyện cũng đã phát hiện bò có triệu chứng tương tự và đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y đến kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh và lấy mẫu gửi xét nghiệm. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng là rất lớn do chưa kiểm soát được véc tơ truyền bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh VDNC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực tế kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác phòng-chống. Ngày 2-6, UBND tỉnh có Công văn số 674/UBND-NL yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch bệnh VDNC trên đàn trâu, bò.
Ngay sau khi có kết quả dương tính với bệnh VDNC trên đàn bò, UBND huyện Mang Yang và Đak Đoa đã công bố dịch bệnh tại xã Đak Djrăng, Ia Pết và Đak Sơ Mei. Đồng thời, tổ chức phun tiêu độc khử trùng, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại nhằm ngăn chặn không để lây lan trên diện rộng. Ông Hồ Ngọc Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Djrăng-cho biết: “Ngay khi nhận tin báo của người dân, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến kiểm tra, tổ chức họp dân để hướng dẫn cách vệ sinh chuồng trại, rắc vôi, phun hóa chất khử trùng… Đồng thời, các hộ ký cam kết không giết mổ bò và buôn bán, vận chuyển các sản phẩm ra vào làng. “Hiện UBND xã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng-chống bệnh VDNC, thành lập 3 chốt kiểm soát tại các làng nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán bò ra vào vùng có dịch. Xuất kinh phí mua thuốc diệt ruồi, muỗi và mòng để ngăn chặn mầm bệnh”-ông Thắng thông tin.
Ông Diệp Đại Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa-cho biết: Toàn huyện có gần 17.300 con bò của 5.027 hộ và 3 trang trại chăn nuôi bò. Sau khi phát hiện bệnh VDNC, Trung tâm phối hợp với UBND xã Ia Pết, Đak Sơ Mei triển khai các biện pháp phòng ngừa. Theo ông Quốc, đây là dịch bệnh nguy hiểm, nguy cơ lây lan ra diện rộng rất cao, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Do đó, Trung tâm đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và của UBND huyện về công tác phòng-chống dịch bệnh. Cùng với đó, các địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh động vật; thành lập các tổ phun tiêu độc khử trùng tại hộ chăn nuôi có bò mắc bệnh 1 lần/ngày; phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn xã có dịch; lập chốt kiểm soát tạm thời trên các trục đường giao thông ra, vào vùng có dịch; cắm biển cảnh báo khu vực có dịch; yêu cầu người dân ký cam kết nuôi nhốt bò, không chăn thả khi đang có dịch...
Ngay khi xuất hiện dịch bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, không để lây lan ra diện rộng. Các trạm kiểm dịch động vật phân công cán bộ trực 24/24 giờ, phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý Thị trường kiểm soát chặt chẽ các trường hợp vận chuyển trâu, bò; không cho trâu, bò từ vùng có dịch, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhập vào địa bàn tỉnh. Tổ chức 3 đoàn công tác xuống địa bàn phối hợp chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của huyện triển khai phòng-chống dịch. Đồng thời, xuất 3.000 lít hóa chất Benkocid hỗ trợ 3 huyện Mang Yang, Đak Đoa và Chư Sê để tiêu độc, khử trùng ngăn chặn dịch bệnh… Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đang tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh và chủ động cùng chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch bệnh VDNC ở trâu, bò theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.