(GLO)- Hàng trăm cây gỗ hương cổ thụ trên địa bàn xã Krong (huyện Kbang, Gia Lai) lâu nay vẫn luôn là “miếng mồi béo bở” mà lâm tặc nhắm đến. Sau một thời gian tạm lắng trước sự quyết liệt của chính quyền địa phương, đầu tháng 4 năm nay, tình trạng “xẻ thịt” gỗ hương lại tái diễn khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương này trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Lâm tặc lại “xẻ thịt” rừng gỗ hương
Mặc dù cấp ủy, chính quyền huyện Kbang đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng nhưng diện tích rừng trên địa bàn huyện vẫn đang bị xâm hại. Đặc biệt, mới đây, trong gần 300 cây gỗ hương cổ thụ nằm rải rác trên 27 khoảnh của 7 tiểu khu do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa (xã Krong) quản lý lại có thêm một số cây bị lâm tặc cưa hạ.
Một cây gỗ hương cổ thụ thuộc lâm phần Công ty TNHH một thành viên Krông Pa (xã Krong, huyện Kbang) bị lâm tặc cưa hạ vào đầu tháng 9-2016. Ảnh: M.N |
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, từ ngày 1 đến ngày 7-4-2019, đơn vị này phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng phát hiện vụ phá rừng, chặt hạ gỗ hương trái phép tại tiểu khu 87 và tiểu khu 82 thuộc lâm phần của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa quản lý. Hạt Kiểm lâm huyện đã ra quyết định khởi tố hình sự 2 vụ khai thác rừng trái phép trên và chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định. Cụ thể, vào ngày 1-4, lực lượng Kiểm lâm phát hiện tại lô 8, khoảnh 8, tiểu khu 87 có 6 cây gỗ bị khai thác trái phép. Trong số này có 4 cây gỗ hương bị cưa hạ, thiệt hại hơn 13 m3. Tiếp đó, ngày 7-4, lực lượng bảo vệ rừng đã bắt quả tang Hoàng Văn Duệ (SN 1985, trú xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) khi đối tượng này đang cùng đồng bọn xẻ gỗ hương trái phép tại khoảnh 2, tiểu khu 82, gây thiệt hại gần 4 m3.
Bước đầu, Duệ khai nhận được 1 đối tượng tên K. thuê vào rừng khai thác gỗ hương với quy cách dày 15 cm, rộng 30 cm, dài 2 m, sau khi đưa gỗ ra bìa rừng sẽ được trả 2 triệu đồng/hộp. Vào lúc 4 giờ ngày 7-4, Duệ cùng 4 đối tượng khác mang theo 2 cưa xăng vào rừng để xẻ 1 cây hương đã bị cắt hạ trước đó. Đến 7 giờ cùng ngày, khi đang xẻ thì Duệ bị lực lượng bảo vệ rừng phát hiện, bắt giữ cùng 2 cưa xăng; 4 đối tượng còn lại (một người tên Nậy và 3 người quê Quảng Bình chưa xác định được danh tính) nhanh chân chạy thoát vào rừng.
Quyết liệt bảo vệ rừng
Theo ông Võ Ngộ-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa, thời gian gần đây, nhiều đối tượng lâm tặc từ tỉnh Quảng Bình vào cấu kết với người dân địa phương rình rập, chờ lực lượng bảo vệ rừng lơ là để ra tay cưa hạ trái phép cây gỗ hương. Lực lượng bảo vệ lập chốt, bám rừng ngày đêm nhưng vẫn không tài nào giữ nổi, thậm chí còn đối mặt với những hiểm nguy rình rập khi lâm tặc ngày càng liều lĩnh, dùng mọi thủ đoạn để “xẻ thịt” những cây gỗ hương cổ thụ.
Một cây gỗ hương bị lâm tặc cưa hạ ngày 7-4-2019, xẻ thành hộp để vận chuyển đi. Ảnh: M.N |
Trong khi đó, ông Trương Thanh Hà-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang-cho biết, thủ đoạn của lâm tặc ngày càng tinh vi, manh động khi gỗ hương có giá trị cao trên thị trường. “Việc cưa hạ gỗ hương nhiều, cưa xong không lấy gỗ là gây áp lực trả giá với lực lượng chức năng. Không cho chúng làm thì chúng báo lên cấp trên để anh em bị kỷ luật. Anh em vẫn kiên quyết khởi tố nên chúng mới thông tin các cây bị cưa hạ”-ông Hà cho biết. Cũng theo ông Hà, tại hiện trường, lâm tặc còn bạo gan tuyên chiến với lực lượng bảo vệ rừng khi công khai dòng chữ trên 1 hộp gỗ: “Bọn mày coi chừng tao nha. Tao mà gặp đc (được-P.V) thì chết chắc”.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang-nhận định: “Không loại trừ khả năng lâm tặc cấu kết với lực lượng chức năng để phá rừng. Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan Công an và ngành chức năng vào cuộc quyết liệt để bóc gỡ những đường dây khai thác, vận chuyển gỗ trái phép”. Cũng theo ông Phán, điều quan trọng hơn là để dân gần rừng sống được với rừng bằng những chính sách cụ thể, biến họ thành lực lượng bảo vệ rừng, là “tai mắt” cảnh giác thì lâm tặc mới hết đất sống. Ngoài việc đề nghị tăng phần hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị lâm nghiệp để lực lượng bảo vệ rừng có thêm thu nhập, yên tâm bảo vệ rừng, Chủ tịch UBND huyện Kbang còn đề xuất phương án sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn theo hướng giảm lực lượng gián tiếp, chi phí hành chính, tăng lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng; thành lập các đội chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.
Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết thêm, những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp; huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, các thôn làng tham gia. Ban chỉ đạo quản lý, bảo vệ rừng với lực lượng chủ chốt là các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và lãnh đạo các ban, ngành liên quan thường xuyên phân công tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ trong ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Ngoài ra, Huyện ủy còn chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc phát động phong trào “Đảng viên tham gia quản lý, bảo vệ rừng, phòng-chống lâm tặc”… Nhờ đó, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn phần nào được kiềm chế.
Được biết, trước tình trạng “xẻ thịt” cây gỗ hương cổ thụ đang tái diễn, chiều 12-4, Huyện ủy Kbang đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng, địa phương, đơn vị chủ rừng nhằm tăng cường hơn nữa giải pháp giữ gìn, bảo vệ những cây gỗ hương còn lại. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với các đối tượng, nhóm lâm tặc trên địa bàn. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện cũng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy vào cuộc để kiểm tra, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Từ đầu năm đến ngày 20-3-2019, lực lượng chức năng huyện Kbang đã phát hiện và bắt giữ 15 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (trong đó có 1 vụ đã khởi tố), tạm giữ hơn 40,7 m3 gỗ từ nhóm 1 đến nhóm 8; tạm giữ 3 xe ô tô, 4 xe máy và 3 cưa xăng (giảm 32 vụ và 65,7 m3 lâm sản so với cùng kỳ năm 2018). |
MINH NGUYỄN