(GLO)- Hàng ngàn người dân huyện Krông Pa bị mắc bệnh sốt rét trong năm 2014. Mặc dù hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc ráo riết nhưng bệnh sốt rét vẫn diễn biến phức tạp, nhất là những ngày cận Tết Nguyên đán.
Dịp cuối năm, cũng là lúc cao điểm mùa thu hoạch củ mì của người dân huyện Krông Pa. Hàng ngàn người ở các thôn, làng đang lao vào rừng, ăn ngủ dài ngày để nhổ mì và khai thác lâm sản. Họ đang phó mặc cho căn bệnh sốt rét rừng đang lây lan với tốc độ chóng mặt.
Hàng ngàn người bị sốt rét
Theo thống kê của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Krông Pa, tại tất cả 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có bệnh nhân mắc sốt rét. Trong năm 2014 toàn huyện có 2.210 bệnh nhân mắc sốt rét, tăng 6,6% so với năm 2013; qua xét nghiệm máu đã phát hiện 2.191 lam có ký sinh trùng sốt rét, tăng 6,9% so với năm ngoái.
Tình hình sốt rét gia tăng đột biến trong 3 tháng gần đây; trong đó tháng 10-2014 có 328 bệnh nhân sốt rét, tháng 11 có 387 bệnh nhân và tháng 12 có 514 bệnh nhân sốt rét. Không có trường hợp sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét.
Ảnh: Đức Phương |
Đáng chú ý, trong 3 tuần đầu tháng 1-2015 số người mắc bệnh sốt rét vẫn gia tăng; đã có 207 bệnh nhân sốt rét được phát hiện và điều trị. Một số xã có số người mắc bệnh sốt rét tăng đột biến như: xã Ia Hdreh có 47 bệnh nhân; Chư Gu có 28 bệnh nhân; Chư Rcăm có 21 bệnh nhân và Đất Bằng có 33 bệnh nhân.
Theo đánh giá của TTYT huyện, bệnh nhân sốt rét tăng đột biến có nguyên do chủ yếu là vì người dân địa phương có tập quán đi làm rẫy trong rừng sâu và ngủ ở rẫy dài ngày nên mang mầm bệnh từ rẫy về nhà. Cùng với đó, số người đi rừng khai thác lâm-thổ sản và ngủ qua đêm trong rừng nhiều cũng là đối tượng thường xuyên bị bệnh sốt rét tấn công. “Qua điều tra dịch tễ, hầu hết vùng rẫy của người dân đang canh tác sát bìa rừng hoặc sâu trong rừng đều có tỷ lệ muỗi Anopheles mang ký sinh trùng truyền bệnh sốt rét A.ndirus hiện diện rất cao”-bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc TTYT huyện, xác nhận.
Loay hoay tìm cách phòng-chống
Sốt rét đang là vấn đề nóng bỏng của ngành y tế huyện Krông Pa. Bác sĩ Siu Thanh-Phó Giám đốc TTYT huyện cho biết, trung bình mỗi ngày có 5-6 bệnh nhân sốt rét nhập viện điều trị. Theo quy luật, bệnh nhân sốt rét bắt đầu tăng từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau và giảm từ tháng 2 đến tháng 7. Trong đó, năm 2014 có 2.210 bệnh nhân sốt rét, tăng 137 bệnh nhân so với năm 2013.
Tẩm màn bằng hóa chất. Ảnh: Đức Phương |
Trước tình hình bệnh sốt rét gia tăng, công tác phòng-chống và điều trị bệnh sốt rét trên địa bàn huyện Krông Pa được đẩy mạnh. Vào đầu mùa mưa, TTYT huyện đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các thôn, làng trọng điểm sốt rét gồm: Chư Drăng, Chư Rcăm, Đất Bằng, Ia Rsai…; cấp màn và tẩm màn bằng hóa chất tại các xã, thị trấn; trên 84% dân số được bảo vệ. Trong 4 năm qua, TTYT huyện đã cấp và tẩm hóa chất diệt muỗi 35.320 cái màn cho người dân (tính bình quân mỗi hộ dân được cấp 2 cái màn). Công tác truyền thông phòng chống sốt rét do quỹ Sốt rét toàn cầu được triển khai ở 132 thôn mỗi tháng 1 lần để nâng cao ý thức cho người dân.
Bệnh sốt rét đang quay trở lại Thống kê của Trung tâm y tế huyện Krông Pa, trong vòng 9 năm qua (2006-2014) toàn huyện có 10.081 bệnh nhân sốt rét điều trị ở các cơ sở y tế. Trong đó, năm 2006 có 1.171 bệnh nhân; các năm 2007 đến 2011 mỗi năm có từ 300 đến trên 800 bệnh nhân; năm 2012 có 1.785 bệnh nhân, năm 2013 có 2.072 bệnh nhân; và đặc biệt năm 2014 bệnh nhân sốt rét tăng đột biến lên 2.210 bệnh nhân. |
Bên cạnh các biện pháp triển khai phòng-chống sốt rét tại huyện, trước tình hình bệnh nhân sốt rét gia tăng trên địa bàn, Trung tâm Phòng-chống Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng (SR-KST-CT) Gia Lai và Viện SR-KST-CT Quy Nhơn đã thường xuyên cử các đoàn công tác để hỗ trợ tích cực cho địa phương trong công tác phòng-chống sốt rét.
Dù rằng gần đây trên địa bàn huyện chưa phát hiện bệnh nhân sốt rét ác tính và chưa có người chết vì sốt rét, tuy nhiên tình hình bệnh nhân sốt rét vẫn không ngừng gia tăng. Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc TTYT huyện cho biết: “Viện SR-KST-CT Trung ương đã vào cuộc cùng với Viện SR-KST-CT Quy Nhơn, Trung tâm SR-KST-CT Gia Lai phối hợp với TTYT huyện tổ chức nhiều đợt bắt muỗi, giám sát, điều tra dịch tễ tại nhà dân và vùng rẫy của đồng bào đang sản xuất trong rừng sâu. Đã có nhiều cuộc họp giữa các chuyên gia dịch tễ đầu ngành của cả nước nhưng vẫn chưa giúp đẩy lùi sự gia tăng bệnh nhân sốt rét”.
Trong một năm đã có hàng ngàn người mắc sốt rét trên địa bàn huyện Krông Pa. Thế nhưng, rất may là chưa phát hiện véc tơ truyền bệnh sốt rét tại cộng đồng. “Tất cả các đợt bắt muỗi tại nhà dân trong 3 năm gần đây không phát hiện muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét. Trong hàng ngàn bệnh nhân sốt rét năm 2014, và tháng 1-2015, chưa phát hiện trường hợp nào ở nhà mà mắc bệnh. Tất cả họ đều mang bệnh từ rừng, rẫy về”-bác sĩ Bửu khẳng định.
Đức Phương