(GLO)- Bằng sự nhiệt tâm với nghề, đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế huyện Ia Pa đã khắc phục khó khăn, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Dẫn chúng tôi đi thăm tòa nhà 3 tầng khang trang bố trí dãy phòng khám bệnh và xét nghiệm, khu vực hành chính, bác sĩ Huỳnh Ngọc Thiên-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa cho hay, so với năm 2003, lúc mới thành lập bệnh viện còn mượn tạm Trạm Y tế xã Ia Ma Rơn, thì đã là một sự khác biệt đáng kể. Bệnh viện huyện được đầu tư xây dựng từ năm 2010 với quy mô 50 giường bệnh, có 8 khoa phòng đảm bảo đúng theo cơ cấu mô hình bệnh viện hạng 3. Tổng số cán bộ, viên chức là 69 người, trong đó có 12 bác sĩ (6 bác sĩ chuyên khoa 1). Đội ngũ thầy thuốc trên kết hợp với hệ thống trang-thiết bị y tế được đầu tư cơ bản và đảm bảo đầy đủ về cơ số thuốc, vật tư y tế tiêu hao đã góp phần đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho trên 56.200 người dân trong huyện.
Bệnh viện huyện Ia Pa ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu khám-chữa bệnh của người dân. Ảnh: T.Đ |
Tin vui là Bệnh viện huyện Ia Pa đã triển khai được phòng mổ do 2 bác sĩ ngoại định hướng phẫu thuật phụ trách. Thời gian qua, bệnh viện đã phẫu thuật thành công được 12 ca, trong đó có 2 ca mổ đẻ. Đây được xem là một bước tiến đáng kể của bệnh viện sau 14 năm thành lập huyện. Bởi vì đối với một bệnh viện, Khoa Ngoại luôn được xác định là xương sống, trong đó việc triển khai phòng mổ giữ vị trí mũi nhọn, có tác động trực tiếp đến sự thành công và tạo nên uy tín trong điều trị.
Cùng với việc dồn tâm sức để xây dựng phòng mổ, các khoa phòng khác của bệnh viện cũng đã từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh. Điều đó thể hiện qua kết quả xếp loại đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2015 của Sở Y tế, Bệnh viện Ia Pa xếp thứ 3 trong tổng số 17 huyện, thị xã, thành phố. Riêng trong 7 tháng qua, công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt trên 100%, bình quân 1 ngày tiếp nhận điều trị nội trú trên 80 bệnh nhân.
Từ đầu năm 2016, sau khi triển khai thông tuyến khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các huyện, số lượng bệnh nhân không những không giảm mà có xu hướng tăng lên. Nhất là từ tháng 6-2016, khi dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện đã phải huy động giường bệnh ở các trạm y tế xã về tăng cường cho bệnh viện và sửa chữa các giường bệnh cũ để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh. Đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ khám-chữa bệnh, xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh cho đội ngũ y-bác sĩ, kỹ thuật viên toàn bệnh viện theo chỉ đạo chuyên môn của Bộ Y tế và Sở Y tế về chẩn đoán, chữa trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Nhờ đó đã góp phần chữa trị lành bệnh cho tất cả các bệnh nhân sốt xuất huyết, không để xảy ra trường hợp biến chứng nặng, tử vong. Đối với các căn bệnh khác nằm trong giới hạn chuyên môn của bệnh viện hạng 3 cũng đã được điều trị, xử lý thành công, hạn chế các trường hợp phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Cùng với đó, hệ thống Trạm Y tế xã cũng được nâng cao về chất lượng phục vụ. Hiện nay, 8/9 Trạm Y tế xã đã có bác sĩ, triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, sơ-cấp cứu ban đầu và khám, điều trị các căn bệnh thông thường, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, Trung tâm Y tế huyện Ia Pa đã tổ chức hội nghị ký cam kết giữa lãnh đạo Trung tâm với Chủ tịch Công đoàn cơ sở và lãnh đạo huyện. Sau đó, trong nội bộ Bệnh viện tổ chức ký cam kết giữa lãnh đạo với các khoa, phòng; giữa viên chức với lãnh đạo các khoa, phòng. Bác sĩ Thiên cho hay, các nội dung ký cam kết được cụ thể hóa thành tiêu chí để xét thi đua cuối năm của từng khoa, phòng và cá nhân trong đơn vị. Thực hiện tốt các cam kết đó sẽ giúp nâng cao y thuật, phát huy y đức và tấm lòng từ mẫu của các thầy thuốc và nhân viên y tế.
Để nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế, theo bác sĩ Thiên, hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin, đưa vào sử dụng phần mềm quản lý khám-chữa bệnh, quản lý thuốc, vật tư y tế tại Trung tâm Y tế huyện và các Trạm Y tế xã đảm bảo liên thông với tuyến tỉnh đang gặp khó khăn vì phải cập nhật, nâng cấp cả thiết bị lẫn trình độ của đội ngũ nhân viên. Một cản trở nữa là mặc dù vừa rồi Bảo hiểm Xã hội huyện đã hợp đồng với đại diện Viettel để trang bị máy tính cho các trạm y tế xã nhưng đến nay vẫn còn 4 xã là: Chư Mố, Ia Tul, Ia Trôk và Ia Broăi chưa kết nối được mạng internet, vì thế chưa thể kết nối liên thông dữ liệu như chỉ đạo của tỉnh.
Trần Đức