Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra (huyện Mang Yang) được giao quản lý hơn 13.815 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất trải dài trên địa bàn 4 xã: Hà Ra, Đak Jơ Ta, Đak Ta Ley (huyện Mang Yang) và Hà Tam (huyện Đak Pơ). Rừng tự nhiên ở đây có nhiều loại gỗ quý, lại nằm gần nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có hệ thống đường mòn thông với quốc lộ 19 là điều kiện thuận lợi cho lâm tặc khai thác trái phép.
Năm 2018, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra đã khảo sát thực tế, nắm bắt nguyện vọng người dân ở từng thôn, làng của xã Hà Ra. Nhận thấy đất sản xuất của người dân còn bỏ hoang nhiều do canh tác theo lối truyền thống, đơn vị đã hỗ trợ bà con xây dựng mô hình trồng keo lai kết hợp với trồng xen cây mì tại làng Kon Chrah. Mô hình nông-lâm kết hợp này đã phát huy hiệu quả, được Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra nhân rộng đến các thôn, làng của xã Hà Ra.
Ông Sưm (làng Kơ Tu Dơng, xã Hà Ra) cho biết: Gần 3 năm nay, ông được Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra hỗ trợ tiền mua hom mì trồng xen trong rừng keo lai trồng mới. Ông được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cả 2 loại cây.
Những năm trước, huyện Krông Pa từng là “điểm nóng” về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. 2 năm trở lại đây, khi cả hệ thống chính trị địa phương cùng vào cuộc quyết liệt, tình trạng này đã dần được ngăn chặn. Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo cho biết: Để ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, những năm gần đây, hệ thống chính trị từ huyện đến xã và các thôn, làng cùng vào cuộc để bảo vệ rừng tại gốc. Một trong những sáng kiến là Mặt trận và các đoàn thể ở thôn, làng giám sát chặt chẽ người dân khi có biểu hiện bị lâm tặc lôi kéo. Bên cạnh đó, lực lượng Công an và Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp chặt chẽ với dân quân các xã, thị trấn tổ chức tuần tra, truy quét đột xuất khi có thông tin về các vụ phá rừng. Nhờ đó, 2 năm trở lại đây, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện giảm dần. “Vừa rồi, chúng tôi đầu tư lắp đặt khoảng 30 camera tại các trạm, chốt cửa rừng và những tuyến đường độc đạo ra vào rừng để giám sát chặt chẽ công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm”-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa thông tin.
Ngày 20-1-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở nghị quyết này, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 899/CTr-UBND, trong đó, tập trung khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên; thực hiện giao đất, giao rừng, cho thuê rừng; hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng cho một số công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ; tổ chức phát huy chặt chẽ Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng gắn với phát triển du lịch sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân…
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Huân-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho biết: Dù số vụ và mức độ các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm dần qua từng năm, song để công tác quản lý, bảo vệ rừng đi vào nền nếp vẫn cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn.