(GLO)- Cùng với hệ thống y tế hiện đại, các cơ sở y học cổ truyền đã có đóng góp đáng kể cho hoạt động khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên trên thực tế hoạt động y học cổ truyền ở Gia Lai vẫn chưa xứng với tiềm năng của nó. Liên quan đến vấn đề này, Lương y Nguyễn Ngữ-Chủ tịch Hội Y học Cổ truyền tỉnh Gia Lai cho biết:
Lương y Nguyễn Ngữ đang châm cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Đức Phương |
Thời gian qua, Hội Đông y tỉnh Gia Lai đã tập trung vào công tác phát triển hội viên mới, trên cơ sở chú trọng về chất lượng và trình độ chuyên môn, đồng thời xây dựng và phát triển ngay mạng lưới Hội ở những nơi có đủ số lượng hội viên tối thiểu. Từ 117 hội viên năm 2009, đến cuối năm 2013 đã phát triển lên 222 hội viên (33 bác sĩ, 12 cử nhân, 66 y sĩ, 14 kỹ thuật viên, 14 dược sĩ, 53 lương y, 6 lương dược và 24 điều dưỡng). Năm 2013, Hội Đông y tỉnh Gia Lai được sự cho phép của UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Y tế và Sở Nội vụ đã thành lập được Phòng chẩn trị tại Văn phòng Hội, số nhà 6 đường Võ Thị Sáu, TP. Pleiku; bắt đầu khám-chữa bệnh phục vụ nhân dân từ tháng 6-2013. Phòng chẩn trị của Hội thực hiện khám và hỗ trợ điều trị bằng châm cứu miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số.
* Gia Lai là tỉnh có tiềm năng dồi dào về cây thuốc Nam (dược liệu); nhưng công tác xây dựng vườn thuốc Nam và đưa y học cổ truyền vào khám-chữa bệnh còn hạn chế?
- Các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh của Gia Lai trong những năm gần đây đã sưu tầm định danh được 573 loài dược liệu, thuộc 409 chi, 136 họ thực vật ở 15 huyện, thị xã, thành phố ở Gia Lai, đã nói lên tiềm năng về nguồn dược liệu của tỉnh. Nhưng trữ lượng dược liệu từ tự nhiên không lớn và không tập trung nên khả năng khai thác dược liệu từ tự nhiên phục vụ việc điều trị bệnh rất hạn chế.
Các vườn thuốc Nam tại các trạm y tế, trung tâm y tế hiện nay đang trồng những cây thuốc làm mẫu để hướng dẫn người dân biết tác dụng chữa bệnh và vận động người dân trồng ở vườn rau, vườn hoa của gia đình, phòng khi có bệnh cần đến. Quy mô các vườn thuốc này chưa đủ để thu, hái dùng vào việc chữa bệnh. Bên cạnh đó, các trạm và trung tâm chưa được trang bị tủ thuốc Nam nên việc điều trị bằng y học cổ truyền ở tuyến cơ sở hiện nay chủ yếu dựa vào châm cứu. Điều này đã hạn chế việc khám-chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở tuyến cơ sở trên địa bàn tỉnh. Vì thế, tôi cho rằng Nhà nước cần có giải pháp bảo tồn trọng điểm một số cây dược liệu giá trị cao, đặc trưng của từng tỉnh (ví dụ: cây bách bệnh của Gia Lai...); hỗ trợ nông dân về chuyển giao kỹ thuật sản xuất, sơ chế và phương tiện phơi sấy để đáp ứng tiêu chuẩn dược liệu. Chính quyền, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ các phường, xã cần thể hiện vai trò tích cực trong bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, đưa nuôi trồng dược liệu trở thành sinh kế cho người dân. Từng bước xây dựng vùng chuyên canh dược liệu để vừa chủ động được nguồn dược liệu sạch, phục vụ sức khỏe cộng đồng, vừa tạo việc làm góp phần phát triển kinh tế địa phương (trồng sa nhân tím ở Kbang...).
* Ông đánh giá như thế nào về công tác đào tạo cán bộ y học cổ truyền ở Gia Lai?
- Hội Đông y là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, nên hội viên phải là người có trình độ chuyên môn theo quy định của pháp luật. Do đó cần phải đào tạo nhiều người đạt trình độ chuyên môn ở từng phường, xã rồi mới phát triển được tổ chức Hội ở 3 cấp xã, huyện và tỉnh.
Trước đây, Sở Y tế và Hội Đông y đã mở 2 lớp, có 144 người tham dự. Một lớp bồi dưỡng và sát hạch trình độ chuyên môn y học cổ truyền cho tất cả những người hành nghề y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh, hội viên đạt yêu cầu sát hạch đã được Sở Y tế Gia Lai cấp giấy chứng nhận trình độ chuyên môn về y học cổ truyền (thực hiện Thông tư 05/TT-BYT của Bộ Y tế), người có chứng nhận được đăng ký hành nghề trên toàn quốc. Một lớp bồi dưỡng và sát hạch trình độ chuyên môn dược học cổ truyền, hội viên đạt yêu cầu sát hạch được Sở Y tế Gia Lai cấp chứng nhận trình độ chuyên môn dược học cổ truyền (thực hiện Thông tư 11/TT-BYT của Bộ Y tế).
Hiện nay các quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng thì Bộ Y tế và Trung ương Hội Đông y Việt Nam đã dự thảo, nhưng vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Những khó khăn này, trước mắt đã làm chậm công tác xây dựng và củng cố mạng lưới Hội đều khắp trên địa bàn tỉnh. Trước mắt để có nguồn nhân lực thuận lợi cho việc phát triển hội viên, Hội Đông y tỉnh Gia Lai kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Y tế quan tâm tạo điều kiện để Hội thực hiện kế hoạch phối hợp với Trường Trung cấp Y tế, Bệnh viện Y Dược Cổ truyền-Phục hồi Chức năng tỉnh, tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về đông y, đông dược và châm cứu, sau đó Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho học viên.
Đức Phương (thực hiện)