Tại vùng chuyên canh rau xã Tân An (huyện Đak Pơ), những ngày gần đây, nông dân rất phấn khởi bởi giá rau xanh các loại tăng cao, lãi lớn. Vì vậy, người dân càng hăng hái lao động sản xuất, tỉ mỉ chăm sóc từng luống rau. Đang tất bật xuống giống bắp sú trên diện tích vừa mới thu hoạch xong, bà Trần Thị Bích Thùy (thôn Tân Sơn) phấn khởi cho biết: “Giá bắp sú tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Vậy nên, dù chỉ thu hoạch được khoảng 1/3 diện tích nhưng gia đình đã lãi khoảng 80 triệu đồng. Hơn 8 sào còn lại khoảng 2 tuần nữa sẽ thu hoạch. Nếu giá vẫn giữ như hiện tại thì vụ rau này, gia đình tôi bỏ túi hơn 200 triệu đồng”. Do đó, bà Thùy quyết định trồng bắp sú thêm một vụ nữa trước khi chuyển sang trồng rau thơm phục vụ Tết Nguyên đán.
Tương tự, tại vựa rau An Phú (TP. Pleiku), không khí thu hoạch cũng khá nhộn nhịp. Hầu hết các loại rau xanh đều tăng giá gấp nhiều lần so với tháng trước. Cụ thể, giá ớt từ 10.000 đồng/kg tăng lên 70.000 đồng/kg, bắp sú từ 2.000 đồng/kg tăng lên 9.000-10.000 đồng/kg, xà lách từ 5.000 đồng/kg tăng lên trên 20.000 đồng/kg, cà chua từ 5.000 đồng/kg tăng lên 15.000 đồng/kg... Bà Phạm Thị Tuyết Nhung (thôn 3, xã An Phú) cho biết: “Những tháng trước, có thời điểm giá rau rớt thê thảm, bán không ai mua, thậm chí nhiều hộ đành phá bỏ vườn rau đến ngày thu hoạch vì nếu thuê nhân công thu hoạch thì lỗ nặng hơn. Còn thời điểm này, giá rau tăng cao. Hiện 3 sào cà chua trong thời kỳ thu hoạch. Gia đình tôi đã thu được khoảng 6 tấn, sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất còn lãi khoảng 80 triệu đồng. Ngoài diện tích này, tôi cũng đang chuẩn bị thu hoạch hơn 2,5 sào bắp sú. Với giá bắp sú như hiện tại thì sẽ có nguồn thu nhập khá”. Cũng theo bà Nhung, do nguồn cung đang khan hiếm nên ngày nào thương lái cũng tìm đến các vườn đặt hàng rồi tự thu hoạch và vận chuyển chứ không kỳ kèo ép giá như trước.
Theo đánh giá của các thương lái, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động hiếu hỷ, vui chơi, giải trí, hội nghị… được phép tổ chức trở lại nên nhu cầu rau xanh tăng cao. Cùng với đó, do ảnh hưởng của mưa bão nên nhiều diện tích rau xanh ở các tỉnh miền Trung bị hư hại. Nguồn cung ra thị trường ít, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại tăng mạnh nên giá hầu hết mặt hàng rau củ quả đều tăng mạnh. Ông Trần Anh Phong (thôn 5, xã An Phú) cho biết: “Tôi thường thu mua và cung cấp các loại rau xanh, củ, quả cho thị trường các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi và TP. Đà Nẵng. Trung bình mỗi ngày, tôi xuất đi khoảng 3 tấn. Hiện nay, giá các loại rau xanh đều tăng cao nhưng vẫn không đủ hàng để cung cấp cho đối tác”.
Gia Lai có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các vùng chuyên canh rau quả. Tuy nhiên, những năm qua, bà con nông dân chưa thực sự quan tâm đầu tư phát triển loại cây trồng này theo hướng bền vững. Người trồng rau vẫn “tự bơi” là chính nên luôn phải đối mặt với tình trạng giá cả khá bấp bênh. Có những thời điểm giá rau tăng cao, người dân phấn khởi vì có thu nhập khá. Nhưng cũng có không ít thời điểm, giá rau liên tục rớt thê thảm khiến người trồng rơi vào cảnh lao đao. Để giải quyết tình trạng này, ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương đang đề ra các giải pháp cụ thể nhằm đưa nghề trồng rau phát triển nhanh và bền vững.
Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Những năm qua, rau màu đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện với diện tích trên 6.200 ha, chiếm khoảng 28% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Dự kiến diện tích trồng rau màu các loại sẽ tiếp tục tăng khi công trình thủy lợi Tầu Dầu 2 hoàn thành đưa vào sử dụng cùng với các trạm bơm điện được nâng cấp, giải quyết triệt để vấn đề nước tưới cho người trồng rau. Ngoài ra, để hình thành vùng chuyên canh rau xanh và tạo sự liên kết giữa nông dân với nhà máy trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo ổn định về đầu ra, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mở rộng liên kết, nhất là liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Pleiku cũng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề trồng rau xanh. Thực tế, thành phố đang hình thành các vùng chuyên canh rau cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau nhằm tăng năng suất, giá trị. Theo ông Bùi Hồng Quang-Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku, toàn thành phố có khoảng 415 ha rau màu các loại, tập trung chủ yếu tại các xã: An Phú, Chư Á, Trà Đa và phường Thắng Lợi. Trong đó, 11,6 ha được doanh nghiệp và người dân trồng trong nhà lồng; khoảng 15 ha sản xuất thường xuyên theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Quang cho biết: “Để nâng cao giá trị cây rau cũng như phát triển loại cây này theo hướng bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, UBND thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Đak Đoa triển khai xây dựng đề án sản xuất rau, hoa công nghệ cao tại xã An Phú và thị trấn Đak Đoa. Cùng với đó, thành phố cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư triển khai các dự án phát triển rau củ quả trong nhà kính tại xã An Phú. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn người dân tập trung sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định hơn”.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Hiện nay, tỉnh đã hình thành 3 vùng chuyên canh rau quả gồm: Đak Pơ, thị xã An Khê và TP. Pleiku. Sản phẩm cung cấp ổn định tại thị trường các tỉnh miền Trung và TP. Hồ Chí Minh. Để ngành rau phát triển bền vững, Sở đang tham mưu xây dựng đề án phát triển rau, hoa và cây ăn quả, trong đó tập trung vào các vùng trồng rau trọng tâm như: An Khê, Đak Pơ, Ayun Pa, Pleiku… nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh cũng như các tỉnh miền Trung và TP. Hồ Chí Minh”.