(GLO)- Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, cơn bão số 10 đang di chuyển trên Biển Đông theo hướng Tây Tây Bắc và cách bờ biển tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Nghệ An khoảng 190 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 15.
Từ chiều tối, đêm mai, bão số 10 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung Bộ, vùng có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15 từ Nghệ An - Quảng Bình. Ảnh: NCHMF |
Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành chủ động triển khai công tác ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 10 trên địa bàn tỉnh với phương châm "4 tại chỗ" theo Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung triên khai thực hiện: Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên thông báo, cảnh báo kịp thời diễn biến mưa lũ, ảnh hưởng của bão số 10 gây ra trên địa bàn tỉnh để toàn thể cán bộ và nhân dân chủ động phòng tránh và ứng phó, nhất là các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam của tỉnh.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10, mưa lũ và chủ động triển khai kế hoạch, phương án phòng-chống, ứng phó kịp thời, nhất là mưa lớn gây lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực ven sông, suối, ao hồ, sườn đồi; tổ chức lực lượng ứng trực ở các vùng trũng, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ bị lũ cô lập, vùng dễ xảy ra sạt lở đất và các khu vực đường giao thông bị ngập, các ngầm để chủ động ứng phó, di dời dân đến nơi an toàn khi cần thiết; cảnh báo cho nhân dân sản xuất ven sông suối đề phòng lũ về, không được bơi lội qua sông, suối để lũ cuốn trôi; hướng dẫn người dân thu hoạch nhanh các diện tích cây trồng vụ mùa năm 2017 đã đủ độ chín để tránh ngập lũ gây thiệt hại về sản xuất; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ đập thủy điện, thủy lợi triển khai công tác an toàn đập, vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập; chủ động tổ chức khắc phục kịp thời khi có thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra để ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; sử dụng ngân sách địa phương để khắc phục thiệt hại; báo cáo kịp thời tình tình thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian diễn biến của bão số 10; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác phòng-chống, ứng phó với mọi diễn biến của bão số 10, mưa lũ gây ra; phối hợp với Sở Công thương đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, thủy điện trong đợt bão lũ này; xả lũ theo đúng quy trình, phương án để tránh gây ngập lũ và thiệt hại ở vùng hạ du đập thủy điện, thủy lợi. Sau đó, tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
Về phía Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp của cơn bão số 10, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất và công tác tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo vai trò chủ lực của quân đội trong công tác này.
Đồng thời, các Sở, ngành Giao thông, Điện lực, Bưu điện sẵn sàng ứng cứu, tu sửa, sửa chữa kịp thời các sự cố hư hỏng về cầu đường, điện sáng, điện thoại để đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc và điện thắp sáng do ảnh hưởng của cơn bão số 10 gây ra; các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến bão lũ, mực nước các hồ chứa, vận hành điều tiết lũ đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý các sự cố có thể xảy ra. Trước khi xả lũ, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, thủy điện phải thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân vùng hạ du được biết để chủ động phòng tránh.
GLO